Cuối tháng 3/2020, quan chức cấp cao các nước thuộc Đối thoại an ninh 4 bên đã âm thầm tiến hành một loạt cuộc họp với mục đích thúc đẩy một phản ứng phối hợp nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.
Rõ ràng, mục tiêu to lớn hơn của Bộ Tứ (gồm 4 nền dân chủ mạnh nhất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) là ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên bình diện quân sự.
Trên thực tế, Bộ Tứ vẫn chưa thể đoàn kết thành một khối thống nhất tương đương với sức mạnh của các thành viên cộng lại, phần lớn là do quan ngại kinh tế của việc đối đầu với Trung Quốc và tình trạng thiếu ngân sách để theo kịp Bắc Kinh vốn đang ra sức đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội.
Mặc dù sự hợp tác quân sự giữa các thành viên Bộ Tứ có tiến triển chừng mực nhưng nhóm này vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện bất kỳ sáng kiến chung nào, ngay cả với mục đích xây dựng một liên minh an ninh thống nhất có khả năng điều phối sự hợp tác quân sự phức tạp trong môi trường tác chiến.
Đại dịch Covid-19 có thể thực sự thúc đẩy Bộ Tứ cũng như cán cân sức mạnh tương lai của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo nhiều hướng khác nhau. |
Hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nước Mỹ sẽ phải quyết định hướng đi của Bộ Tứ. Đối với những quốc gia quan ngại về sự tăng cường quân sự của Trung Quốc, ý tưởng về Bộ Tứ thực sự khả quan. Đại dịch Covid-19 có khả năng làm thay đổi gần như mọi nhân tố tạo nên bối cảnh khu vực. Cán cân quân sự chỉ là một phần của bài toán này.
Tương lai của nhóm Bộ Tứ chủ yếu sẽ phụ thuộc vào Mỹ - thành viên quyền lực nhất, và Trung Quốc - lý do tồn tại của Bộ Tứ.
Mỹ chắc chắn sẽ chịu tổn thất nếu cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự. Phải mất hơn nửa thập kỷ để ngân sách của Lầu Năm Góc có thể phục hồi sau đợt cắt giảm nhằm xử lý hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lần này, khi số người chết do Covid-19 gia tăng không kém gì những thương vong vốn chỉ được chứng kiến trong các cuộc chiến tranh và cùng với đó, nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng, sức ép buộc Mỹ phân phối lại chi tiêu sẽ rất lớn.
Quân đội Mỹ càng trở nên căng sức thì nước này sẽ càng đầu tư ít hơn vào các tài sản đắt đỏ mà phải 20-30 năm nữa mới phát huy vai trò quan trọng, và các đồng minh và bạn bè trong khu vực sẽ càng cảm thấy lo ngại nếu như họ thực sự phụ thuộc vào cam kết quốc phòng của Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề đối với Trung Quốc là nước này sẽ không bao giờ thay thế được vai trò trung tâm của Mỹ trong trật tự thịnh vượng chung.
Bắc Kinh đang bị mắc kẹt trong cách tiếp cận mang tính ép buộc mà nước này áp dụng bấy lâu nay, và sự ép buộc không phải là một cách hay để giành được sự tin tưởng và ủng hộ lâu dài, chừng nào vẫn còn lựa chọn thay thế.
Những điều kiện này tạo cơ hội cho các nhóm như Bộ Tứ trở nên vững chắc hơn. Vấn đề bây giờ nằm ở việc liệu nước Mỹ có sẵn sàng đảm nhận vai trò dẫn đầu hay không khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 qua đi.
Chi tiêu quân sự tại châu Á cũng đang cho thấy khá rõ bức tranh cân bằng quyền lực tại khu vực này. Châu Á đang chứng kiến sự tăng vọt trong chi tiêu quân sự. Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang đứng vị trí thứ 2 và thứ 3, còn Mỹ tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trong bảng danh sách chi tiêu quân sự toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã vươn lên mức 261 tỷ USD trong năm 2019, tăng 5,1% so với năm 2018, trong khi chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ đã đạt 71,1 tỷ USD, tăng xấp xỉ 6,8% so với năm trước.
Năm quốc gia đứng đầu danh sách chi tiêu quốc phòng - gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Saudi Arabia - chiếm phần lớn con số này, với 62% tổng chi tiêu toàn cầu.
Các quốc gia chi tiêu quân sự lớn khác ở Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương gồm có Nhật Bản với 47,6 tỷ USD và Hàn Quốc là 43,9 tỷ USD. Khu vực Đông Nam Á cũng ghi nhận sự gia tăng chi tiêu quân sự với tỷ lệ gia tăng 4,2% trong năm 2019, lên mức 40,5 tỷ USD.
Covid-19 đang có tác động tới ngân sách quốc phòng của các quốc gia khu vực, trong đó có các nước Bộ tứ. (Nguồn: AP) |
Các số liệu của SIPRI cho thấy, chi tiêu quân sự của châu Á tăng nhanh kể từ năm 1989, nhiều khả năng là hệ quả của việc khu vực này ngày càng thịnh vượng hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cán cân quyền lực tại Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương thay đổi cùng với cách hành xử hiếu chiến của Trung Quốc, xu hướng gia tăng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.
Thái độ hung hăng cùng với việc tiếp tục xâm phạm của Trung Quốc vào không phận và hải phận của các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực sẽ là một diễn biến đáng lo ngại, vì vậy, sẽ đẩy nhanh tốc độ chi tiêu quân sự tại khu vực.
Nhìn một cách tổng thể, sự tăng trưởng trong chi tiêu quân sự này cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Khu vực này vốn đang tồn tại một số điểm nóng tiềm tàng nguy cơ xung đột như Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, biên giới Trung-Ấn hay Ấn Độ-Pakistan.
Phần nhiều trong số các cuộc tranh chấp này bắt nguồn từ các vấn đề biên giới và lãnh thổ cũng như chủ quyền chưa thể giải quyết, theo đó vẫn tiếp tục bùng phát thường xuyên.
Tuy nhiên, trong những năm tới, có thể sẽ có một xu hướng sụt giảm chi tiêu quân sự do dịch Covid-19. Hàn Quốc lên kế hoạch giảm 2% chi tiêu ngân sách trong năm tài khóa 2020. Tương tự, Thái Lan dự kiến cắt giảm gần 8% ngân sách quốc phòng.
Ấn Độ hiện cũng đã có những phân bổ ngân sách quốc phòng mức thấp trong một vài năm gần đây. Chi tiêu quốc phòng hiện nay của nước này đang ở mức thấp nhất kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn hồi năm 1962, và New Delhi cũng được cho là sẽ tiếp tục đà giảm này trong năm tài khóa tới.
Như vậy, rõ ràng Covid-19 cũng có tác động tới quyết định mức độ chi tiêu quốc phòng châu Á trong hai năm tới, dẫn tới hai xu hướng đối lập.
Một mặt, đại dịch có thể sẽ gây sức ép lên ngân sách quốc phòng của các nước. Mặt khác, sự gia tăng căng thẳng và bất ổn có thể khuyến khích gia tăng ngân sách quốc phòng.
Khó mà dự đoán xu hướng nào trên đây sẽ chiếm ưu thế, song điều này sẽ phụ thuộc vào sức tàn phá của đại dịch đối với các nền kinh tế, cũng như mức độ bất ổn mà Trung Quốc sẽ gây ra trong khu vực khi Bắc Kinh lợi dụng Covid-19 làm thời cơ cho các chính sách của mình.
Theo Thế giới và Việt nam