Từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6/2024, cuộc bầu cử lớn nhất thế giới sẽ diễn ra tại Ấn Độ. Hơn 960 triệu cử tri Ấn Độ - trong tổng dân số 1,4 tỷ người của đất nước Nam Á - đủ điều kiện bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc hội. Trong sáu tuần nữa, Narendra Modi dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ thủ tướng Ấn Độ lần thứ ba liên tiếp, củng cố vị thế của ông với tư cách là nhà lãnh đạo quan trọng nhất của Ấn Độ kể từ Thủ tướng J. Nehru thời lập quốc. Sự thành công của con trai người bán trà phản ánh kỹ năng chính trị, sức mạnh của hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ giáo, đồng thời cũng phản ánh thái độ của các cử tri bình thường cũng như giới tinh hoa Ấn Độ về việc ông đang mang lại sự thịnh vượng và quyền lực cho Ấn Độ.
Sự phát triển và ổn định của Ấn Độ trong 10 đến 20 năm tới sẽ định hình số phận của hơn 1,4 tỷ người và tác động lớn tới nền kinh tế thế giới. Việc ông N. Modi có tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 của mình hay không sẽ tác động quan trọng tới tương lai của đất nước Ấn Độ trong thời gian tới.
Ấn Độ, quốc gia lớn phát triển nhanh nhất thế giới, đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 6-7%. Dữ liệu cho thấy niềm tin của khu vực tư nhân ở mức cao nhất kể từ năm 20101. Hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, Ấn Độ có thể vươn lên vị trí thứ ba vào năm 2027, sau Mỹ và Trung Quốc. Thị trường chứng khoán của nước này có giá trị thứ tư thế giới2, trong khi thị trường hàng không đứng thứ ba3. Nếu có thể tiếp tục tăng trưởng ở mức 6% hoặc hơn, như đã đạt được trong 30 năm qua, thì vào thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày độc lập vào năm 2047, kinh tế Ấn Độ sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 15% nền kinh tế thế giới4. Và tùy thuộc vào các giả định về tăng trưởng, nó có thể trở lại vị trí hàng đầu thế giới vào những năm 2070 như vào đầu thế kỷ 18 của thế kỷ 205.
Tuy nhiên đi kèm với những thành công đó là các tác dụng phụ không thể tránh khỏi. Từ năm 2000 đến năm 2022, tỷ lệ tài sản của 1% người Ấn Độ giàu nhất đã tăng từ 33% lên 41%6, khiến Ấn Độ trở thành quốc gia lớn bất bình đẳng thứ hai trên thế giới, sau Brazil. Mặc dù GDP của Ấn Độ là 3,7 nghìn tỷ USD nhưng chỉ 60 triệu người dân nước này kiếm được trên 10.000 USD một năm, ít hơn 5% dân số7. Trong thập kỷ qua, mức chi tiêu bình quân đầu người chỉ tăng 2,5-3% mỗi năm.
Ngoài ra, với xuất thân từ tầng lớp trung lưu, ý tưởng của ông Modi về Ấn Độ, mặc dù dựa trên nền dân chủ bầu cử và chủ nghĩa phúc lợi, nhưng về cơ bản lại khác với quan điểm của các lãnh đạo tiền bối, mà tiêu biểu là J.Nehru. Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Modi tập trung văn hóa và tôn giáo vào các công việc của nhà nước, đồng thời xác định dân tộc tính thông qua Ấn Độ giáo. Người theo Ấn Độ giáo chiếm 80% dân số Ấn Độ. BJP thu hút đại đa số này thông qua việc gợi lên sự tự hào về tôn giáo và văn hóa. Đôi khi, điều này khơi dậy sự phẫn nộ của 200 triệu người Hồi giáo, chiếm 14% dân số.
Tầm nhìn của ông Modi về ý nghĩa của việc trở thành người Ấn Độ ít nhất đã được phản ánh một phần trong dư luận. Một khảo sát lớn về tôn giáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện ở Ấn Độ từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 cho thấy rằng8, 64% người theo Ấn Độ giáo tin rằng việc theo Ấn Độ giáo là rất quan trọng để trở thành “người Ấn Độ thực sự”, trong khi 59% cho biết việc nói tiếng Hindi cũng là nền tảng tương tự trong xác định Ấn Độ tính; 84% coi tôn giáo là “rất quan trọng” trong cuộc sống của họ.
Để duy trì tính chính danh, BJP và Modi cần phải đi tiên phong trong một mô hình tăng trưởng mới để duy trì sự tăng trưởng và thịnh vượng với ba trụ cột. Một là, chương trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn kết nối một thị trường chung rộng lớn lại với nhau. Ấn Độ có 149 sân bay, gấp đôi con số một thập kỷ trước9 và đang bổ sung thêm 10.000km đường bộ và 15GW công suất năng lượng mặt trời mỗi năm10. Một hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm thanh toán kỹ thuật số, thị trường vốn và ngân hàng hiện đại cũng như hệ thống thuế kỹ thuật số thống nhất cũng được thúc đẩy. Tất cả điều này cho phép các công ty khai thác lợi thế quy mô của quốc gia.
Phần đường cao tốc Coastal Road đang xây dựng dọc theo bờ biển Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: CNN)
Trụ cột thứ hai là xuất khẩu dịch vụ, hiện đã đạt 10% GDP. Thương mại dịch vụ toàn cầu vẫn đang phát triển và các công ty Ấn Độ đã tiếp thị “các trung tâm năng lực toàn cầu” - các trung tâm bán hoạt động nghiên cứu và phát triển đa quốc gia cũng như các dịch vụ như luật và kế toán.
Trụ cột cuối cùng là hệ thống phúc lợi mới, trong đó hàng trăm triệu người nghèo Ấn Độ nhận được các khoản thanh toán chuyển khoản kỹ thuật số. Dữ liệu mới cho thấy tỷ lệ dân số sống với mức dưới 2,15 USD/ngày (thước đo nghèo đói toàn cầu) theo giá năm 2017 đã giảm xuống dưới 5% từ mức 12% trong năm 201111. Khi nhu cầu trong nước không đủ, giải pháp hiển nhiên là khai thác nhu cầu nước ngoài thông qua xuất khẩu. Một sự so sánh thông thường với sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể gợi ý rằng, may mắn có được nguồn lao động giá rẻ lớn nhất trong một thị trường duy nhất mà thế giới từng thấy, Ấn Độ sẽ trở thành một gã khổng lồ sản xuất xuất khẩu cho thế giới.
Sự giàu có ngày càng tăng đồng nghĩa với sự gia tăng sức nặng địa chính trị của cường quốc Nam Á này. Khi nhận ra và ứng xử với vị thế đang thay đổi của mình trong hệ thống quyền lực quốc tế, chính sách đối ngoại của Ấn Độ trở nên tự tin hơn dưới thời Modi mà theo đó những chiến lược truyền thống như “Không liên kết” hay “Tự chủ chiến lược” dần trở nên lỗi thời và cần được điều chỉnh. Mặc dù quy mô tổng thể của nền kinh tế mang lại cho Ấn Độ một số thuộc tính quan trọng của một cường quốc, nhưng thu nhập bình quân đầu người thấp của nước này cho thấy những thách thức phát triển to lớn trong nước vẫn còn ở phía trước. Trở thành một quốc gia phát triển trong một phần tư thế kỷ tới đặt ra những câu hỏi phức tạp về chiến lược kinh tế, chính sách công nghiệp, công nghệ mới, giải quyết vấn đề bất bình đẳng, suy thoái môi trường và trật tự toàn cầu đang thay đổi. Tuy nhiên, như trong cuốn sách mới nhất của mình có tựa đề “Why Bharat Matters”, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar viết rằng, “Ấn Độ hiện đã bước vào giai đoạn mới của sự tham gia đa chiều nhằm tìm cách tối đa hóa kết quả và lợi ích. Điều đó đã nâng cao hình ảnh và thay đổi hình ảnh của Ấn Độ. Kết quả là, ngày nay nó được coi là suối nguồn của các ý tưởng, là người đấu tranh cho các nguyên nhân, là người thúc đẩy các sáng kiến và là người ủng hộ sự đồng thuận. Hiện nay không có quốc gia hay khu vực nào được coi là không liên quan đến tính toán toàn cầu của Ấn Độ”. Điều này chỉ dấu cho thấy, Ấn Độ đã khác xưa, các diễn ngôn của nước này đã thay đổi để trở nên tương xứng với vị thế mới của đất nước, đồng thời thể hiện sự tự tin trong một môi trường toàn cầu đầy thách thức.
Đặc biệt, tuyên ngôn của Đảng Bharatiya Janata (BJP) coi chính sách đối ngoại là công cụ để phát huy di sản văn minh của Ấn Độ ở nước ngoài. Dưới thời Modi, Ấn Độ đã thúc đẩy việc truyền bá Yoga, Ayurveda; hỗ trợ khôi phục di tích và di sản văn minh Ấn Độ. Đồng thời, chính quyền Modi đã định vị Ấn Độ là một bên liên quan có trách nhiệm trong các cơ quan quản trị toàn cầu, khẳng định vai trò lãnh đạo Nam bán cầu.
Ấn Độ là một nền dân chủ đa nguyên, trong đó chưa có đảng nào giành được hơn một nửa số phiếu bầu, và đây là một quốc gia dân chủ liên bang gồm 36 bang và vùng lãnh thổ. Các nhà lãnh đạo, kể cả là một nhà lãnh đạo có quyền lực khuynh loát hệ thống, không thể san phẳng mọi thứ. Đó là lý do tại sao việc xây dựng một sự đồng thuận lâu dài xung quanh các vấn đề cải cách như sự đồng thuận về tự do hóa vào đầu những năm 1990 là điều cần thiết để duy trì sự trỗi dậy của Ấn Độ . Đây là điều mà ông Modi cần làm nếu cầm quyền thêm nhiệm kỳ thứ 3 để có thể đi vào sử sách như các nhà tiền bối lập quốc M. Gandhi và J. Nehru. Với những thành công nổi bật và cả những tranh cãi, nhưng rõ ràng N. Modi là một trong những nhà lãnh đạo nổi bật nhất thế giới hiện nay. Với việc ông Modi đang xây dựng hình ảnh về một Ấn Độ hùng mạnh, tự tin và kiêu hãnh hơn, đồng thời với nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp gần như chắc chắn, người Ấn Độ đang thể hiện sự kỳ vọng lớn vào ông. Với truyền thống tự cường và khát vọng thịnh vượng, người dân Ấn Độ có thể chờ đợi ông sẽ trở thành phiên bản Lý Quang Diệu hoặc R. Erdogan của Ấn Độ.
5. Karl J. Schmidt (2015), An Atlas and Survey of South Asian History, page 100 Archived 22 September 2023 at the Wayback Machine, Routledge
6. Karl J. Schmidt (2015), An Atlas and Survey of South Asian History, page 100 Archived 22 September 2023 at the Wayback Machine, Routledge
9. https://www.economist.com/asia/2023/11/23/india-is-seeing-a-massive-aviation-boom
10. https://energy.economictimes.indiatimes.com/news/renewable/india-to-add-15-gw-of-new-utility-scale-solar-capacity-in-fy24-study/99462337
11. https://www.reuters.com/world/india/one-tenth-indias-population-escaped-poverty-5-years-government-report-2023-07-17/.
TS Đỗ Khương Mạnh Linh
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ