Vào cuối tuần qua, thành phố Bikaner ở Ấn Độ báo cáo mức nhiệt cao nhất cả nước là 47,1 độ C, theo Cục Khí tượng Ấn Độ. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh chụp một số khu vực phía Tây Bắc nước này cho thấy nhiệt độ trên bề mặt đất đã vượt quá 60 độ C - nhiệt độ cao chưa từng có vào thời điểm này trong năm. Thông thường, nhiệt độ mặt đất chỉ từ 45-55 độ C.
“Mức nhiệt cao nhất được ghi nhận ở phía Đông Nam và Tây Nam của Ahmedabad (Ấn Độ). Nhiệt độ mặt đất tối đa tại đây là khoảng 65 độ C”, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho biết.
Đợt nắng nóng kỷ lục này đã ảnh hưởng xấu đến các loại cây trồng, bao gồm lúa mì và nhiều loại trái cây, rau quả. Tại Ấn Độ, sản lượng lúa mì đã giảm tới 50% ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nhiệt độ khắc nghiệt, làm tăng mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn.
Nhiệt độ cao cũng làm tăng nhu cầu sử dụng điện. Hôm 29/4, mức sử dụng điện ở Ấn Độ chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại là 207,1 triệu w.
Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu điện tồi tệ nhất trong 6 thập kỷ. Để đối phó với tình trạng đó, chính phủ nước này tiến hành cắt điện luân phiên tại nhiều bang bao gồm Jharkhand, Haryana, Bihar, Punjab và Maharashtra.
Trong khi đó tại Pakistan, Bộ trưởng phụ trách biến đổi khí hậu Sherry Rehman, cho biết nước này đang phải đối mặt với một "cuộc khủng hoảng" do các tình trạng khẩn cấp về khí hậu ở các khu vực từ phía Bắc đến phía Nam.
Bà Rehman cảnh báo rằng đợt nắng nóng đang khiến các sông băng ở phía Bắc đất nước tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng thấy, khiến hàng nghìn người có nguy cơ đối mặt với lũ lụt. Bà cho biết thêm, nhiệt độ cao không chỉ ảnh hưởng đến cây trồng mà còn cả nguồn cung cấp nước.
“Các hồ chứa nước cạn kiệt. Các đập lớn của chúng tôi hiện đang ở mức tuyệt vọng và nguồn nước thì khan hiếm”, bà Rehman nói.
“Các vấn đề về khí hậu và thời tiết… sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn về quy mô và cường độ nếu các nhà lãnh đạo thế giới không hành động ngay bây giờ”.
Tổ chức Khí tượng Thế giới đánh giá rằng nhiệt độ ở Ấn Độ và Pakistan “phù hợp với những gì được dự đoán trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. Cụ thể, “các đợt nắng nóng sẽ diễn ra thường xuyên hơn, gay gắt hơn và bắt đầu sớm hơn so với trước đây”.
Nguồn: vtc.vn