Tại bang Odisha, công tác chuẩn bị để sơ tán 1,1 triệu dân ở những vùng trũng và có nguy cơ cao đã bắt đầu, với hơn 550 điểm tránh bão được thiết lập và 7.000 tòa nhà kiên cố được bố trí làm nơi sơ tán.
Các nhà khí tượng cho biết Amphan có thể đạt sức gió lên tới 240 km/h, tương đương bão cấp 4 ở Đại Tây Dương hay siêu bão ở Tây Thái Bình Dương. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ khuyến cáo ngư dân không nên di chuyển ở vùng phía nam vịnh Bengal trong 24 giờ tới và phía bắc vịnh Bengal từ ngày 18 đến 20/5.
Ông SN Pradhan, giám đốc Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia Ấn Độ (NDRF), thừa nhận siêu bão cùng đại dịch Covid-19 tạo ra một thách thức kép, khiến việc bố trí nơi trú ẩn cho người dân trở nên phức tạp. Việc duy trì giãn cách vẫn cần phải đảm bảo nhằm ngăn chặn nCoV lây lan. Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 90.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 3.000 ca tử vong.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm qua tổ chức một cuộc họp cấp cao để thảo luận về công tác ứng phó với bão. "Tôi cầu nguyện cho mọi người an toàn và đảm bảo tất cả đều nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ", ông viết trên Twitter.
Do lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt từ cuối tháng 3, hàng nghìn lao động nhập cư Ấn Độ đã rời các thành phố lớn trở về quê nhà, nhất là ở bang Tây Bengal và Odisha. Hầu hết họ đang sống trong các khu cách ly, nơi hiện đối mặt với nguy cơ bị bão Amphan tấn công. Chính quyền Odisha cho hay sẽ sơ tán hàng nghìn lao động nhập cư khỏi các trung tâm cách ly ven biển.
Tại Bangladesh, siêu bão cũng dự kiến gây mưa lớn và lũ lụt cho các khu trại với hơn một triệu người nhập cư. Khu trại này tuần trước đã ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên. Các cơ quan cứu trợ cảnh báo dịch bệnh rất dễ lan rộng, gây hậu quả lớn và khó kiềm chế tại đây.
Bão Amphan sẽ là siêu bão đầu tiên đổ bộ khu vực trên trong hơn 20 năm qua. Năm 1999, một siêu bão từng càn quét bờ biển Odisha, khiến hơn 9.000 người thiệt mạng.