Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 17/2 kêu gọi các đồng minh phương Tây chuyển ngay xe tăng chủ lực sẵn có trong kho tới Ukraine, đồng thời khẳng định Berlin "sẽ góp phần giúp các đối tác đưa ra quyết định" viện trợ xe tăng, trong đó có đào tạo binh sĩ Ukraine tại Đức hoặc hỗ trợ hậu cần và vật tư cho nước này.
Lời kêu gọi cho thấy thay đổi đáng kể trong lập trường của ông Scholz, sau nhiều tháng Thủ tướng Đức chịu áp lực từ đồng minh để chấp thuận chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Nó cũng thể hiện ảnh hưởng ngày càng tăng của Đức trong xung đột Ukraine, theo giới quan sát.
Hai năm trước, Mỹ và Đức từng tranh cãi gay gắt về đường ống khí đốt Nord Stream 2. Nga đã đầu tư rất nhiều vào đường ống dài hơn 1.200 km nối nước này với Đức và muốn tăng doanh số bán khí đốt toàn cầu cũng như đòn bẩy kinh tế đối với châu Âu. Đức, nhà nhập khẩu nhiên liệu Nga nhiều nhất, nhiệt thành hưởng ứng dự án ngay từ đầu, nhưng Mỹ thì không.
Mỹ không muốn đường ống chạy ngầm dưới biển này thay thế các tuyến ống cũ đi qua Ukraine, vốn mang lại doanh thu quan trọng cho Kiev.
Nga coi tranh cãi giữa Mỹ và Đức liên quan đến Nord Stream 2 như một phép thử sức mạnh xuyên Đại Tây Dương. Nếu khí đốt không thể chảy qua Nord Stream 2, điều đó đồng nghĩa sức mạnh thực sự của châu Âu không còn đi qua Berlin nữa, mà chịu sự tác động của Nhà Trắng.
Đức cuối cùng không phê duyệt Nord Stream 2, chỉ hai ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Khi xung đột Nga - Ukraine tăng nhiệt, Washington đã dẫn dắt liên minh phương Tây hỗ trợ Kiev, trong khi vai trò của Berlin mờ nhạt.
Thủ tướng Scholz trong giai đoạn đầu xung đột đã liên tục từ chối chuyển vũ khí sát thương cho Ukraine. Khi Đức thông báo viện trợ 5.000 mũ sắt cho Ukraine, Thị trưởng Kiev đã gọi đây là một "trò đùa".
Nhưng sau gần một năm chiến sự, Đức dần thay đổi quan điểm và thể hiện vai trò ngày càng tăng trong cuộc khủng hoảng.
Thủ tướng Scholz đã chấp thuận chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, nhưng với một điều kiện: Washington cũng phải cung cấp xe tăng Abrams cho Kiev. Sự kiên quyết này của ông Scholz đã buộc Mỹ chấp thuận kế hoạch viện trợ xe tăng Abrams, loại vũ khí tiên tiến mà Lầu Năm Góc nhiều lần từ chối trao cho Ukraine do lo ngại phản ứng của Nga.
"Hãy tin chúng tôi", Thủ tướng Scholz hôm 25/1 phát biểu trước quốc hội, gửi thông điệp mạnh mẽ tới Ukraine. "Chúng tôi sẽ không để các bạn gặp nguy hiểm".
Ông giải thích cách chính phủ đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, cũng như chính sách giúp Berlin xua tan lo ngại về một mùa đông thảm họa và nguy cơ nền kinh tế sụp đổ dưới sức ép từ "vũ khí năng lượng" của Moskva.
"Chính phủ đã giải quyết được những cuộc khủng hoảng", ông tuyên bố. "Chúng ta đang ở một vị thế tốt hơn nhiều". Phát biểu của ông đã nhận được tràng pháo tay vang dội tại quốc hội Đức.
Giới quan sát đánh giá trong một năm qua, Thủ tướng Scholz đã thể hiện được khả năng lãnh đạo với nước Đức, thu hút được sự ủng hộ của người dân vốn không thích xung đột và chia rẽ sâu sắc về mức độ hỗ trợ Ukraine.
Đáp lại quyết định của Tổng thống Biden và Thủ tướng Scholz về việc gửi xe tăng cho Ukraine, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng điều này sẽ "gây căng thẳng thêm cho châu Âu, nhưng không thể ngăn Nga đạt được mục tiêu".
Phát biểu này của Peskov nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những lời đe dọa trước đây của Nga nhắm vào Đức, cho thấy Moskva dường như nhận ra ảnh hưởng ngày càng lớn của Berlin, điều có thể khiến châu Âu đoàn kết hơn với Mỹ trong nỗ lực ủng hộ Ukraine.
Từ những chậm trễ ban đầu trong thái độ ủng hộ Kiev, Thủ tướng Scholz, người theo chủ nghĩa thực dụng, cho thấy Đức đang tham gia rất nhiều vào các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu và thực sự muốn nắm trong tay quyền kiểm soát, Nic Robertson, bình luận viên kỳ cựu về chính sách đối ngoại của CNN, đánh giá.
Ông tuyên bố Đức sẽ "điều phối" quá trình cung cấp xe tăng Leopard 2 từ các đồng minh tới Ukraine, quyền lực được luật pháp Đức trao cho thủ tướng, ngăn bất kỳ bên mua vũ khí nào của nước này chuyển chúng cho bên thứ ba.
Ảnh hưởng ngày càng lớn của Đức trong chính sách ngoại giao châu Âu có thể tác động đến tính toán quân sự của Ukraine trong tương lai, theo Robertson.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ, trong đó có cả bán đảo Crimea, từ tay Nga, trước khi đàm phán hòa bình với Tổng thống Putin. Tuy nhiên, ông Scholz lại là lãnh đạo châu Âu có xu hướng thân thiện, muốn kết thúc nhanh chóng xung đột ở Ukraine bằng con đường ngoại giao và khôi phục ổn định kinh tế cho khu vực.
Các cuộc tranh luận về những động thái quân sự tiếp theo đối với Ukraine có thể sẽ tiếp tục nổ ra và có khả năng báo hiệu cho Tổng thống Zelensky rằng việc cung cấp vũ khí giờ đây phụ thuộc nhiều vào Đức hơn là Mỹ.
Bước dịch chuyển trong bản chất quyền lực này có thể không thay đổi cách cuộc xung đột diễn ra, nhưng có khả năng tác động đến những chi tiết của một thỏa thuận cuối cùng và định hình nền hòa bình lâu dài cho Ukraine, Robertson nhận định.
Nguồn: vnexpress.net