ASEAN và cả các quốc gia không tuyên bố chủ quyền như Mỹ đã đệ trình lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền phi lý quá trình ráo riết quân sự hóa quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông |
Trực diện đáp trả Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Trong một tuyên bố thể hiện lập trường được chú ý, Phủ Tổng thống Philippines mới đây nêu rõ, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không nhường bất kỳ “một tấc đất nào” thuộc lãnh thổ của nước này cho các quốc gia khác. Tuyên bố này của Phủ Tổng thống Philippines đưa ngay sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, một trong những nhà ngoại giao trẻ thuộc lứa “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc, cáo buộc Philippines vi phạm an ninh và chủ quyền của Trung Quốc khi điều máy bay quân sự đến gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa), đồng thời kêu gọi Philippines “ngừng các hành động khiêu khích bất hợp pháp” trên Biển Đông.
Cùng lúc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt tuyên bố của Trung Quốc khi cho rằng “Philippines đang có hành động “khiêu khích bất hợp pháp” trên Biển Đông”. Bộ trưởng Lorenzana khẳng định, các lực lượng của Trung Quốc mới là những người thực hiện các hành vi khiêu khích bất hợp pháp ở khu vực giàu tài nguyên này, bao gồm cả việc chiếm đóng bất hợp pháp các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Những tuyên bố công khai trên đây được dư luận khu vực quan tâm bởi trước đó chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte được cho có quan hệ ngoại giao khá “êm ả” nếu không muốn nói là “ấm áp” với Trung Quốc. Thế nên, những tuyên bố được cho là sự cứng rắn và nhằm trực diện vào Trung Quốc trên đây được chú ý như một sự điều chỉnh lập trường đáng chú ý của một thành viên ASEAN như Philippines trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông “nóng” lâu nay giữa ASEAN và Trung Quốc.
Biển Đông trong nhiều năm qua luôn có ý nghĩa rất quan trọng đối với môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển của mọi thành viên ASEAN, dù là quốc gia có vùng biển ở Biển Đông hay không. Trong khi đó, Trung Quốc với tham vọng chủ quyền ngày càng lớn ở Biển Đông là nhân tố đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với tự do hàng hải, hàng không cũng như môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực.
Trung Quốc đã công khai đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ sa” để đòi chủ quyền phi lý và phi pháp đối với 80% diện tích Biển Đông. Yêu sách chủ quyền đơn phương này đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) căn cứ theo luật pháp quốc tế hiện hành, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), ra phán quyết khẳng định không có cơ sở pháp lý trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Song, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền hợp pháp của các bên có liên quan ở Biển Đông trong những năm qua đã dùng sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh quân sự vượt trội của mình để hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc không từ bất cứ hành động sức mạnh nào, từ dùng lực lượng tàu cá, dân binh để gây áp lực, đâm va nhằm xua đuổi tàu cá của các thành viên ASEAN đánh bắt hải sản ở những vùng biển truyền thống; đưa những tàu thăm dò, giàn khoan với sự hộ tống của đội tàu sức mạnh tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, xâm phạm vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của các quốc gia liên quan ở Biển Đông…
Nguy hiểm nhất là ráo riết tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông thông qua các hoạt động bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích và phản đối mạnh mẽ là bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên các thực thể thuộc quần đào Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.
Càng “nhường”, Trung Quốc càng lấn tới ở Biển Đông
Các quốc gia ASEAN dù có lập trường chung trong việc cần thiết phải duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định; phản đối các hành vi đe dọa tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình và an ninh ở Biển Đông nhưng không phải lúc nào cũng thể hiện công khai trong vấn đề này khi đề cập tới Trung Quốc. Thậm chí, có lần Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã không thể ra được Tuyên bố chung, một động thái rất hiếm gặp trong những hội nghị tương tự, do không thống nhất được nội dung khi đề cập tới các hành vi đe dọa tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình và an ninh ở Biển Đông của Trung Quốc.
Điều khiến cho các thành viên ASEAN không phải lúc nào cũng có tiếng nói, lập trường chung trong vấn đề Biển Đông có liên quan tới Trung Quốc là do cách tiếp cận, góc độ khác nhau… và nhất là lợi ích của mỗi thành viên tại những thời điểm cụ thể. Từng có những cách tiếp cận và quan điểm muốn “nhẹ nhàng”, tránh chỉ trích là lên án các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông của các thành viên ASEAN của Trung Quốc với trông mong vào “gìn giữ đại cục hòa bình, ổn định”, “đại cục hợp tác lâu dài”… với Trung Quốc.
Thế nhưng, thực tế cho thấy những cách tiếp cận và tư duy trên trong vấn đề Biển Đông liên quan tới Trung Quốc chỉ là “ảo vọng”. Trung Quốc chưa và không bao giờ từ bỏ tham vọng chủ quyền phi pháp ở Biển Đông cho dù tham vọng đó có vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng tới mức nào chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khác, cũng như đe dọa ra sao với hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.
Thực tế đã khiến những thành viên ASEAN nhận rõ cần phải có thái độ, lập trường ra sao với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ở đây cũng cần thấy rằng lập trường và hành xử của các cường quốc hàng đầu thế giới trong vấn đề Biển Đông, trong quan hệ với Trung Quốc… có ảnh hưởng không nhỏ tới thái độ, quan điểm của các thành viên ASEAN. Việc Mỹ mới đây công khai bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời điều tàu chiến áp sát các tàu thăm dò của Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền các nước ASEAN đã tác động lớn tới lập trường của các nước ASEAN.
Các thành viên ASEAN cũng như cả hiệp hội càng “lùi”, càng “nhường” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thì cường quốc này càng lấn tới, có những hành vi hung hăng, gây hấn và quân sự hóa ráo riết hơn để hiện thực hóa bằng được tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Đó chính là nhân tố thúc đẩy các nước ASEAN thấy rằng không thể “nhường” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một trong những tín hiệu rõ ràng nhất là một loạt các Công hàm ngoại giao mà các quốc gia liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông trong ASEAN và cả các quốc gia không tuyên bố chủ quyền như Mỹ đệ trình lên Liên hợp quốc thời gian qua để phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Lập trường mới đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, theo giới chuyên gia, sẽ thúc đẩy các thành viên ASEAN có tiếng nói chung, xây dựng mặt trận thống nhất.
Nguồn: anninhthudo.vn