Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 cho thấy ASEAN đã vượt lên thách thức trước đại dịch Covid-19 cũng như vấn đề Biển Đông
Vượt lên thách thức trong vấn đề Biển Đông
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 ở Hà Nội diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, đặc biệt ngay từ cách thức tổ chức hội nghị khi đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 50 năm hình thành và phát triển của mình ASEAN tổ chức một Hội nghị Cấp cao theo hình thức họp trực tuyến. Điều đặc biệt đó còn thấy ở hai thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt là mối đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; và đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra (Covid-19).
Vì thế, không khó hiểu khi vấn đề Biển Đông là một chủ đề nổi bật được dư luận thế giới và khu vực quan tâm khi theo dõi những diễn biến của Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 tại Hà Nội. Những hành vi hung hăng, gây hấn của Trung Quốc nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông đã gây ra tình hình căng thẳng, đe dọa môi trường hòa bình và ổn định, đe dọa tự do hàng hải và hàng không - những nhân tố rất quan trọng đối với sự hợp tác, phát triển của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.
Các quốc gia thành viên ASEAN dù có bờ biển ở Biển Đông hay không nhưng đều có lợi ích trực tiếp và lâu dài gắn với vùng biển chiến lược, tuyến vận tải biển huyết mạch với cả hiệp hội này. Trong cuộc họp báo về kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN 36, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng là lợi ích và nguyện vọng chung của cộng đồng, nhất là với ASEAN. Người đứng đầu Chính phủ nước ta, đồng thời là Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 nêu rõ, ASEAN có nhiều nỗ lực đóng góp, từ duy trì đối thoại, thúc đẩy hợp tác đến xây dựng cơ chế, quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo ASEAN một lần nữa tái khẳng định tại Hội nghị Cấp cao 36 về quyết tâm của ASEAN đóng góp xây dựng Biển Đông thành vùng biển hợp tác và phát triển, an ninh và an toàn, xứng đáng với vị trí là một bộ phận quan trọng trong trao đổi của khu vực.
Dù đại dịch Covid-19, trước mắt làm gián đoạn các cuộc họp, thảo luận về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc, nhưng Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 tiếp tục nỗ lực cùng các thành viên hiệp hội hợp tác với các bên liên quan để kiềm chế không có các hành động làm phức tạp tình hình trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng một Biển Đông hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tự do hàng không, hàng hải; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
“Đường lớn” tới một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng
Cách thức các thành viên ASEAN đạt được đồng thuận về vấn đề Biển Đông trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 cho thấy các nhà lãnh đạo và các quốc gia thành viên đã vượt lên, không để vấn đề này ảnh hưởng tới nỗ lực, hợp tác chung nhằm khôi phục nền kinh tế. Trong nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại vận hành bình thường, các quốc gia thành viên đều gặp phải một trong những khó khăn lớn nhất là sự gián đoạn của chuỗi cung ứng khi quốc gia “tâm dịch” Trung Quốc - “công xưởng của thế giới” bị “đóng băng” các hoạt động sản suất, cung ứng, thương mại.
Trong nỗ lực “chủ động thích ứng” để tránh phụ thuộc vào bất cứ một chuỗi cung ứng nào, các thành viên ASEAN đã cùng đồng thuận về việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hiệp hội như cam kết loại bỏ và giảm thiểu các rào cản phi thuế quan, hỗ trợ về thủ tục hải quan, bảo đảm mở cửa thị trường và kết nối chuỗi cung ứng, không gián đoạn dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ thiết yếu… Việc các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao 36 nhất trí hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong 2020 được cho là thông điệp mạnh mẽ khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư và cũng là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 tại khu vực.
Phiên đối thoại dưới hình thức trực tuyến giữa lãnh đạo cấp cao ASEAN với Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 là dịp để các nhà lãnh đạo các quốc gia và các nhà kinh doanh hàng đầu của ASEAN cùng chia sẻ tầm nhìn và thống nhất hành động để khôi phục nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh của ASEAN đã cùng cho rằng, cần phát huy vai trò chủ động, nâng cao tính tự cường nội khối và khả năng cạnh tranh để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, sớm khôi phục lại hoạt động kinh tế, hướng tới tương lai, đưa ASEAN trở thành điểm đến mới hấp dẫn các nhà đầu tư.
Chủ trì phiên đối thoại trực tuyến ASEAN-BAC, Thủ tướng Chính phủ nước ta Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dù khó khăn nhưng ASEAN vẫn vững vàng, cùng doanh nghiệp, người dân tự tin vào chính mình để vững bước trên con đường đã lựa chọn, phấn đấu vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, năng động, sáng tạo, hướng tới tương lai. Ngay trước mắt, ASEAN bắt tay triển khai kế hoạch phục hồi, sớm nối lại các hoạt động hợp tác và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Người đứng đầu Chính phủ nước ta đề nghị, Chính phủ các nước ASEAN và cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển chuỗi cung cầu cần cần chú trọng hơn tới thúc đẩy đầu tư-thương mại nội khối trong ASEAN. Điều này không chỉ giúp ASEAN vượt qua thách thức kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra mà còn là “đường lớn” đi tới một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng.
Nguồn: anninhthudo.vn