Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Trung Đông chỉ ít ngày sau khi người đồng cấp Mỹ Joe Biden rời đi - Ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi ngày 19/7. (Nguồn: AFP) |
Ngày 19/7 (theo giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Tehran, chính thức bắt đầu chuyến thăm Iran để thảo luận về vấn đề Syria, vấn đề vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen cùng lãnh đạo nước chủ nhà và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng đã có cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi, Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Chuyến thăm được truyền thông và giới quan sát đặc biệt quan tâm, nhất là khi tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường như hiện nay.
Đây là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngoài không gian hậu Xô viết từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine. Ông đã có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từ khi Moscow triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” với Kiev.
Chuyến thăm của ông Putin tới Trung Đông diễn ra trong bối cảnh khu vực này đang thay đổi nhanh chóng. Chỉ trong năm 2020 và 2021, Israel đã bình thường hóa quan hệ với bốn nước Arab vùng Vịnh và sẵn sàng cải thiện quan hệ với Saudi Arabia. Riyadh đã nối lại đối thoại trực tiếp với phe Houthi tại Yemen. Tình hình tại Syria và Iraq vẫn còn phức tạp, trong khi quan hệ Mỹ-Iran, cùng đàm phán nối lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) tiếp tục bế tắc.
Ông Putin tới Trung Đông chỉ ba ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel, Palestine và Saudi Arabia, ba quốc gia đặc biệt quan trọng với chính sách của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, chuyến công du của ông chủ Nhà Trắng chủ yếu mang tính biểu tượng và không để lại nhiều kết quả thực chất. Thậm chí, tuyên bố của Tổng thống Joe Biden còn gặp phản ứng mạnh của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong cuộc gặp song phương và Riyadh cũng từ chối đề nghị nâng sản lượng dầu của Washington.
Trong bối cảnh trên, chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Nga có ba hàm ý.
Thứ nhất, chuyến công du là cách Nga nhấn mạnh nước này không thể bị cô lập. Việc chọn Iran làm điểm đến cho thấy Moscow coi trọng vị trí của Tehran và Trung Đông trong chính sách đối ngoại của mình.
Trên thực tế, dù bị Mỹ và phương Tây cấm vận, Nga vẫn có sự hiện diện đáng kể tại Trung Đông, dù là ở Syria hay trong các cân nhắc tăng sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) mở rộng với nhiều thành viên Trung Đông.
Chuyến công du đầu tiên của ông Vladimir Putin ngoài không gian hậu Xô viết kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra là cách Nga nhấn mạnh nước này không thể bị cô lập. Việc chọn Iran làm điểm đến cho thấy Moscow coi trọng vị trí của Tehran và Trung Đông trong chính sách đối ngoại. |
Thứ hai, trong các cuộc gặp song phương, Nga mong muốn thắt chặt quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đối tác quan trọng tại khu vực cũng như trên thế giới.
Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei đã bày tỏ sự ủng hộ với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine. Ngoài ra, không loại trừ khả năng hai bên đã thảo luận về thương vụ Iran bán máy bay chiến đấu không người lái (UAV) cho Nga, dù lãnh đạo hai nước không đề cập vấn đề này trong các cuộc gặp chính thức.
Trong khi đó, sau khi bất ngờ nêu lập trường về JCPOA khiến đàm phán khôi phục thỏa thuận này bế tắc hồi tháng Ba, Nga đã nhanh chóng điều chỉnh: Cố vấn chính sách đối ngoại Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho biết Moscow ủng hộ đối thoại nhằm nối lại JCPOA mà không kèm theo điều kiện như trước. Nước này cũng tái khẳng định ủng hộ Iran gia nhập BRICS như từng nêu cuối tháng Sáu.
Cùng ngày, lãnh đạo tập đoàn Gazprom (Nga) và Công ty Dầu khí quốc gia Iran đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng trị giá 40 tỷ USD. Theo đó, Gazprom sẽ giúp Công ty Dầu khí quốc gia Iran phát triển các mỏ khí và tham gia dự án khí tự nhiên hóa lỏng, xây dựng đường ống dẫn khí xuất khẩu cho Iran.
Trong khi đó, tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Putin gửi lời cảm ơn Ankara đã tích cực thúc đẩy đàm phán xung đột và xây dựng hành lang an toàn vận chuyển ngũ cốc trên Biển Đen.
Sở dĩ có câu chuyện này bởi sau Hiệp ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có trách nhiệm quản lý lưu lượng tàu thuyền tới Biển Đen. Chính quyền của ông Erdogan đã đi đầu trong xây dựng một thỏa thuận, theo đó các chuyến tàu ngũ cốc chỉ có thể rời cảng nếu được kiểm tra, xác nhận độc lập rằng chúng không mang theo vũ khí.
Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran chưa tìm được tiếng nói chung về vùng đệm và YPG ở biên giới Syria - Ảnh: Lực lượng người Syria được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ trong một cuộc diễn tập tại vùng Afrin, tỉnh Aleppo ngày 31/10/2021. (Nguồn: AFP) |
Mặc dù vậy, mọi chuyện không hẳn là thuận buồm xuôi gió. Trong phiên thảo luận ba bên ngày 19/7, Ankara nhấn mạnh mong muốn xây dựng vùng an toàn 30 km tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria nhằm bảo vệ nước này trước nguy cơ từ Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) người Kurd và Các lực lượng dân chủ Syria (SDF).
Tuy nhiên, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng hành động này có thể gây tổn tại tới Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và khu vưc. Chính quyền thân Nga của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng chỉ trích mạnh mẽ hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ của mình.
Thứ ba, cuộc thảo luận về thiết lập hành lang vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen cùng giải quyết vấn đề Syria cho thấy Nga vẫn tham gia đóng góp vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, bất chấp nỗ lực cô lập của Mỹ và phương Tây.
Phát biểu trong chuyến thăm, ông Vladimir Putin cho biết tiến triển mới nhất có thể cho phép Nga dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với lúa mì Ukraine, vấn đề đang đe dọa an ninh lương thực tại Trung Đông-châu Phi nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin cũng nhấn mạnh sự thành công của các thỏa thuận, xét cho cùng, sẽ phụ thuộc đáng kể vào thiện chí từ Mỹ và phương Tây.
Cuộc thảo luận về thiết lập hành lang vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen, cùng giải quyết vấn đề Syria, cho thấy Nga vẫn tham gia đóng góp vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, bất chấp nỗ lực cô lập của Mỹ và phương Tây. |
Trong khi đó, tình hình tại Syria vẫn chưa hạ nhiệt. Giao tranh giữa lực lượng của chính quyền Syria, SDF và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng diễn biến phức tạp, đặc biệt là với sự can dự và vai trò đan xen của các nhân tố bên ngoài như Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Cuối tháng Sáu, không quân Nga đã tấn công căn cứ quân sự al-Tanf, gần biên giới Syria-Jordan, nơi cố vấn Mỹ huấn luyện nhóm dân quân Maghawir al-Thawra để “ngăn ISIS trỗi dậy”. Dù Nga đã báo trước cho Mỹ qua đường dây nóng để giảm va chạm trực tiếp, song nó cho thấy Moscow vẫn muốn cản bước hoạt động quân sự của Washington ở Syria. Câu chuyện về vùng an toàn, đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và YPG khiến đất nước Tây Á tiếp tục là điểm nóng khu vực.
Bởi vậy, chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Nga không chỉ nhằm giảm sự cô lập của phương Tây, mà còn củng cố quan hệ của nước này với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện vai trò trong góp phần giải quyết vấn đề khu vực và quốc tế, qua đó khẳng định vị thế của Moscow giữa bộn bề thách thức.
Nguồn: baoquocte.vn