AFP đưa tin, bang Texas của Mỹ đang cân nhắc dự luật có thể ngăn công dân Trung Quốc mua đất, viện dẫn lý do an ninh quốc gia.
Dự luật này nếu được thông qua sẽ ngăn người Nga, Iran và Triều Tiên sở hữu bất động sản ở Texas, nhưng theo AFP, mục tiêu chính dường như là nhằm vào người Trung Quốc.
Dự thảo luật đã được bà Lois Kolkhorst, một thượng nghị sĩ cấp bang thuộc đảng Cộng hòa ở Texas, đệ trình vào tháng 11/2022.
Bà Kolkhorst cho biết: "Một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều người dân Texas là an ninh quốc gia và việc thực thể thuộc các quốc gia đối thủ (với Mỹ) gia tăng sở hữu đất đai ở Texas".
Thống đốc Greg Abbott, một người thuộc đảng Cộng hòa và là người ủng hộ quyết liệt các chính sách nhập cư khắt khe hơn, cho biết ông sẽ ký và ban hành dự luật này nếu nó được thượng viện của bang Texas thông qua.
Theo AFP, quyền sở hữu của người nước ngoài đối với đất nông nghiệp và bất động sản khác, đặc biệt là công dân hoặc doanh nghiệp Trung Quốc, đang trở thành một vấn đề nóng ở Mỹ, và không chỉ ở Texas.
Florida, Arkansas, South Dakota và 8 bang khác đang xem xét dự luật hạn chế quyền sở hữu bất động sản của người nước ngoài.
Texas có thể là bang tiên phong. Với 28,8 triệu dân, bang này đông thứ 2 nước Mỹ. Texas có 1,4 triệu dân xác định gốc gác của họ là từ châu Á và 223.500 người nói rằng họ có nguồn gốc Trung Quốc, dữ liệu điều tra dân số Mỹ cho thấy.
Dự luật gây tranh cãi
Tại Houston, thành phố lớn thứ 4 của Mỹ, có 156.000 cư dân được xác định là người gốc Á, bao gồm cả người Trung Quốc là thường trú nhân.
"Tất cả họ đều đóng thuế ở đây. Họ đang đóng góp cho các trường đại học, cho giáo dục", bà Ling Luo, một người Hoa nhập cư thế hệ đầu tiên, là giám đốc của Hội đồng Lãnh đạo Người Mỹ gốc Á, cho biết.
Theo bà, dù dự luật cũng nhằm vào các quốc tịch khác, nhưng số lượng người Trung Quốc là lớn nhất. Một số người khác cáo buộc động thái này có thể làm gia tăng việc phân biệt đối xử nhằm vào người gốc Hoa.
Ông Gene Wu, một nghị sĩ của hạ viện bang Texas, cho biết: "Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Texas. Và Trung Quốc là bên mua hàng lớn thứ ba của Texas. Một dự luật như vậy có thể làm ảnh hưởng tới các hợp đồng làm ăn giữa 2 bên".
Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang dồn dập trong những năm gần đây và nóng lên trong thời gian gần đây sau khi Washington bắn rơi một khí cầu của Bắc Kinh. Mỹ cáo buộc đây là khí cầu do thám và chỉ trích Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh nói đây là thiết bị dân sự đi lạc và cho rằng Washington đang phản ứng thái quá.
Ông Wu cảnh báo, diễn biến trên có thể đẩy mạnh nỗ lực nhằm hạn chế quyền sở hữu bất động sản của người nước ngoài. Chính trị gia này nhấn mạnh, có sự khác biệt giữa người gốc Hoa và chính phủ Trung Quốc.
Bà Kolkhorst cho biết điều thúc đẩy bà đề xuất dự luật là sau vụ một sĩ quan quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu mua 52.600 héc-ta đất gần căn cứ Không quân Laughlin phía đông Del Rio, một thành phố gần biên giới với Mexico.
Ông Mr Sun Guangxin, một doanh nhân bất động sản bị nghi có quan hệ với chính phủ Trung Quốc, nói rằng ông muốn xây dựng một trang trại năng lượng mặt trời và gió, nhưng Texas vào năm 2021 đã ngăn chặn dự án.
Cơ quan lập pháp bang Texas, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, đã thông qua luật cấm bất kỳ dự án nào liên quan đến chính phủ Trung Quốc có hoạt động kết nối tới lưới điện.
Ông Wu cho biết, luật nói trên là hợp lý, nhưng dự luật của bà Kolkhorst có thể ảnh hưởng tới nhiều tầng lớp người dân và không thể bất chấp như vậy để đạt được mục đích.
Theo Hiệp hội môi giới quốc gia, trong 12 tháng tính đến tháng 3/2022, đầu tư của Trung Quốc chiếm 6% giao dịch mua nhà ở của người nước ngoài tại Mỹ.
Trong khi đó, bà Kolkhorst cho rằng, dự luật sẽ không gây ảnh hưởng tới người đã nhập tịch Mỹ hoặc thường trú nhân.
Nguồn: dantri.com.vn