Việc Bắc Kinh tăng cường triển khai lực lượng dân quân biển ở Biển Đông đã và đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
"Những người lính áo xanh nhỏ bé" - như cách gọi của Phó Giáo sư Andrew Erickson thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ - đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các chiến dịch không tên của Trung Quốc ở Biển Đông.
Giới phân tích cho rằng, lực lượng này có thể có hàng trăm tàu thuyền và hàng nghìn thành viên.
Mặc dù Trung Quốc không thừa nhận sự tồn tại của lực lượng dân quân biển, nhưng các chuyên gia cho rằng, dân quân biển là một phần không thể thiếu trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông và hơn thế.
Đáng chú ý, lực lượng này giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện trái phép xung quanh các bãi đá ngầm và các đảo mà không khơi mào xung đột quân sự.
Lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế sau khi hơn 200 tàu Trung Quốc tập trung neo đậu tại Đá Ba Đầu ở cụm đảo Sinh Tồn tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của việt Nam từ ngày 7/3.
Các nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore (IISS) cho biết, đây là hoạt động triển khai lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực từ trước đến nay.
“Đây là lần đầu tiên, tàu của Trung Quốc xuất hiện tại Đá Ba Đầu với số lượng lớn chưa từng có và neo đậu trong thời gian dài như vậy”, nghiên cứu viên Samir Puri và Greg Austin tại IISS cho biết.
Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối "sự hiện diện ồ ạt và mang tính đe dọa" của hơn 200 tàu "do lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc điều khiển".
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức hành vi vi phạm này.
“Công cụ đắc lực” của Trung Quốc
Bất chấp sự phủ nhận của Bắc Kinh, có rất ít sự hoài nghi tại phương Tây về những gì mà Bộ Quốc phòng Mỹ gọi là lực lượng dân quân biển vũ trang (PAFMM) của Trung Quốc.
Ông Carl O.Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết: “Lực lượng này không đánh bắt cá. Họ có vũ khí tự động trên tàu và thân tàu được làm từ thép kiên cố, khiến chúng trở nên rất nguy hiểm khi ở cự ly gần. Tàu có tốc độ tối đa từ 18 đến 22 hải lý/giờ, nhanh hơn 90% so với các tàu đánh cá thông thường”.
“Dân quân biển được Bắc Kinh sử dụng để xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác và thực thi các yêu sách phi pháp”, báo cáo của các chỉ huy lực lượng Hải quân, Thủy quân lục chiến và lực lượng tuần duyên Mỹ công bố tháng 12/2020 cho biết.
Theo chuyên gia Andrew Erickson, lực lượng dân quân thường kết hợp với các đội tàu cá của Trung Quốc được cho là có quy mô lớn nhất thế giới với hơn 187.000 tàu. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ số lượng thực tế của các tàu được vũ trang hóa.
Các chuyên gia cho rằng, dù dưới bất kỳ hình thức nào, dân quân biển vẫn có thể dẫn dắt các đội tàu đánh cá lớn thực hiện những hành vi phục vụ cho yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Trung Quốc luôn giữ bí mật về Lực lượng biển thứ 3 (đứng sau lực lượng hải quân và lực lượng hải cảnh). Lực lượng này có thể có hàng nghìn chiếc tàu, hàng chục nghìn thành viên và số lượng có thể còn cao hơn”, ông Erickson lưu ý.
Trong một báo cáo công bố vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Trung Quốc có 84 tàu dân quân biển, tất cả được giao cho một đơn vị hoạt động ở đảo Hải Nam quản lý.
“PAFMM là một trong những lực lượng chuyên nghiệp của Trung Quốc, được trả lương một cách độc lập và không liên kết với các nghĩa vụ đánh bắt cá để phục vụ cho mục đích thương mại. Các thành viên của nhóm này được tuyển dụng từ các cựu chiến binh”.
Tuy nhiên, chuyên gia Erickson cho rằng, những chiếc tàu xuất hiện tại Đá Ba Đầu trong thời gian gần đây trông khác biệt so với những chiếc tàu do đơn vị ở Hải Nam quản lý, điều đó cho thấy số lượng tàu dân quân biển hoạt động toàn thời gian của Trung Quốc trên thực tế còn lớn hơn nhiều so với suy đoán trước đó.
Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Foreign Policy tháng 3 vừa qua, ông Erickson và đồng nghiệp Ryan Martinson cho biết, việc theo dõi một số tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu bằng cách sử dụng thông tin tình báo mã nguồn mở cho thấy, những con tàu này đến từ thành phố Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.
“Không có bằng chứng về hoạt động đánh bắt cá tại khu vực này, mọi dấu hiệu đều cho thấy chúng đang phục vụ cho việc khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh”, bài viết nói rõ.
CNN dẫn nguồn tin từ Lực lượng Đặc nhiệm của chính phủ Philippines cho biết, đến ngày 29/3 chỉ có 44 tàu neo đậu tại Đá Ba Đầu, phần còn lại đã di chuyển tới các rạn san hô và các hòn đảo khác ở gần đó.
Mục đích thực sự của Bắc Kinh
Theo các chuyên gia, lực lượng dân quân biển được coi là “công cụ đắc lực” để Trung Quốc thực hiện “chiến thuật vùng xám” nhằm mục tiêu từ từ chiếm đoạt vùng biển đảo của các nước khác mà không phải dùng lực lượng vũ trang chính quy với quy mô lớn.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của RAND Corp nhận định, “chiến thuật vùng xám” cổ điển này được Trung Quốc vạch ra để “đạt được mục đích mà không cần tốn một viên đạn nào nhằm áp đảo tàu cá của các nước khác”.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã bồi lấp thêm hơn 1.300 ha đất trên 7 thực thể mà nước này chiếm giữ trái phép ở Biển Đông, xây dựng đường băng, cảng, nhà chứa máy bay và triển khai thiết bị liên lạc tại khu vực này.
Ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines cho rằng: “Bắc Kinh đang có ý đồ chiếm đóng Đá Ba Đầu bằng cách tăng cường sự hiện diện của các tàu dân quân biển. Mục đích thực sự của chiến lược mà Trung Quốc vạch ra là thiết lập quyền kiểm soát các thực thể trên Biển Đông và độc chiếm toàn bộ vùng biển này”.
Nhìn từ góc độ chiến thuật, các tàu cá này tạo ra hàng trăm chướng ngại mà các đối thủ của Trung Quốc, chẳng hạn như Hải quân Mỹ, cần phải đối phó.
“Tàu cá Trung Quốc thể hiện mối đe dọa gây rối nhiều hơn là mối đe dọa tấn công. Được triển khai với số lượng hạn chế, các tàu này có thể ngăn chặn khả năng tàu chiến của nước khác tiến hành chiến tranh chống ngầm hoặc thực hiện hoạt động tác chiến từ trên không bằng máy bay trực thăng”, nhà nghiên cứu Shuxian Luo của Đại học Johns Hopkins và nhà nghiên cứu Jonathan Panter của Đại học Columbia nhận định.
Andrew S.Erickson, chuyên gia tại Đại học chiến tranh hàng hải của Mỹ nhận định, trong trường hợp đụng độ xảy ra, những con tàu này có thể tấn công tàu dân sự hoặc tàu cảnh sát biển của nước khác.
Ngược lại, đối với các tàu nước ngoài có năng lực mạnh mẽ, chúng sẽ trở thành “vũ khí của kẻ yếu”, tức là lấy tình trạng dân sự làm lá chắn buộc phía bên kia phải chịu hậu quả về mặt ngoại giao, hoặc phục vụ cho mục đích tuyên truyền.
Vì không phải là tàu quân sự, nên Trung Quốc chắc chắn sẽ ngụy biện rằng, bất cứ hành động nào của hải quân hoặc lực lượng hải cảnh nước ngoài nhằm đối phó với những con tàu này sẽ là một cuộc tấn công vào dân thường của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, việc Bắc Kinh tăng cường sử dụng lực lượng dân quân biển để phục vụ cho tham vọng phi lý của nước này tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
“Việc sử dụng lực lượng dân quân biển núp bóng danh nghĩa các tàu cá cũng như sử dụng các công nghệ lưỡng dụng (phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự) làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sự cố và leo thang căng thẳng”.
“Đây là một sự kết hợp vô cùng nguy hiểm. Trung Quốc càng gia tăng tần suất triển khai lực lượng dân quân biển, thì khả năng chạm trán giữa lực lượng này với tàu của các nước khác ngày càng cao và điều đó có thể dẫn đến những sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát”, các chuyên gia Luo và Panter cho biết./.
CNN