Sự thay đổi địa chính trị và cạnh tranh Mỹ-Trung trên mọi phương diện đã khiến các hoạt động hàng hải và tái cơ cấu trong khu vực trở thành điểm nóng và gia tăng một cách bất thường.
Giới phân tích cho rằng, việc các nước đẩy mạnh triển khai khí tài quân sự cả trên không lẫn trên biển đang làm gia tăng nguy cơ rủi ro và đối đầu.
Tiến sỹ Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam của Singapore nhận xét: “Chắc chắn sẽ có rất nhiều lo ngại chính đáng về việc những diễn biến như vậy có thể gây leo thang căng thẳng”.
Điểm nóng cũ, nguy cơ mới
Tại Biển Đông, sự xuất hiện của hơn 200 tàu Trung Quốc xung quanh Đá Ba Đầu, ở cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã đánh dấu một bước leo thang nguy hiểm.
Hành vi của Trung Quốc làm gia tăng quan ngại về việc Bắc Kinh đang đẩy mạnh nỗ lực chiếm đóng bất hợp pháp Đá Ba Đầu.
Việt Nam, Mỹ, Philippines và nhiều quốc gia khác đã kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức đưa các tàu ra khỏi khu vực và chấm dứt hành vi gây hấn.
Trong thông báo trên Twitter ngày 29/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, hàng trăm tàu đang neo đậu tại Đá Ba Đầu là tàu của “dân quân biển” Trung Quốc.
Ông Blinken khẳng định, Washington sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác, "ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" và phản đối hành vi sai trái của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Indonesia cũng nhất trí gửi thông điệp phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, Tokyo và Jakarta sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng và có khả năng tiến hành một cuộc tập trận chung trên Biển.
Ngày 25/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc đóng góp vào việc duy trì hòa bình an ninh ổn định và trật tự pháp lý trên biển trong khu vực.
Tại Biển Hoa Đông, Mỹ và Nhật Bản ngày 24/3 cam kết chuẩn bị tiến hành các cuộc tập trận chung nhằm ứng phó với những tình huống khẩn cấp.
Động thái này được cho là chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Trước đó, ngày 22/3, Hàn Quốc và Nhật Bản thông báo sẽ mở rộng hợp tác an ninh sau chuyến thăm của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới 2 nước này, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác 3 bên.
Một số nước châu Âu cũng được nhìn nhận là đang “vào cuộc”. Tháng 2 vừa qua, Đức và Pháp tiết lộ có kế hoạch điều tàu chiến đến Biển Đông, lần đầu tiên trong 19 năm qua, để đẩy lùi hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực.
Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, có trụ sở ở Washington D.C., Mỹ) nhận xét, các nước châu Âu đang phản ứng trước những gì mà lục địa già cho là mối đe dọa đối với các nguyên tắc cơ bản của luật hàng hải quốc tế.
Chuyên gia Greg Poling nêu rõ: “Châu Âu đang đáp lại tín hiệu yêu cầu từ các nước láng giềng của Trung Quốc - những nước đang tìm cách thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với các tranh chấp trên biển, nhằm chống lại sức ép ngày càng gia tăng từ các hạm đội lớn của Trung Quốc”.
“Bắc Kinh nhận thức rõ rằng, nếu sử dụng chiến thuật cưỡng ép và gây áp lực trong một thời gian đủ dài, họ có thể buộc những nước khác phải nhượng bộ. Thủ đoạn như vậy rất nham hiểm”, ông Greg Poling nói thêm.
Trong một diễn biến liên quan, Pháp và các thành viên trong nhóm Bộ tứ đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung tại vịnh Bengal kéo dài từ ngày 5-7/4. Cuộc tập trận La Perouse diễn ra 2 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, các nỗ lực của nhóm Bộ tứ đóng vai trò quan trọng trong việc “chống lại ảnh hưởng xấu của Trung Quốc trong khu vực”.
Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết thêm, các cuộc tập trận chung giữa Ấn Độ-Australia-Pháp và Ấn Độ-Australia-Indonesia trong tương lai cũng đang được thảo luận.
Luật Hải cảnh của Trung Quốc "gây bão"?
Theo giới quan sát, một yếu tố dẫn đến sự gia tăng các hoạt động trên biển là Luật Hải cảnh mà Trung Quốc thông qua vào tháng 1/2021.
Luật này cho phép tàu hải cảnh Trung Quốc được sử dụng vũ lực đối với tàu nước ngoài trong những trường hợp Bắc Kinh cho là cần thiết.
Derek Grossman - nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức nghiên cứu Rand Corporation đánh giá, việc thông qua Luật Hải cảnh cho thấy, Trung Quốc có thể muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua cách tiếp cận “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”.
Các quốc gia khác trong khu vực lo ngại đây là sự khởi đầu của một chuỗi hành vi gây hấn ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn, nhằm hiện thực hóa tham vọng phi lý của Bắc Kinh ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Nguyên nhân chính do đâu?
Ngoài yếu tố kể trên, chuyên gia Swee Lean Collin Koh cho rằng, cạnh tranh Mỹ-Trung chắc chắn góp phần đáng kể vào việc tăng cường các hoạt động hàng hải trong khu vực.
Harsh Pant - Giám đốc chương trình nghiên cứu chiến lược tại tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation (New Delhi) đánh giá, sự xáo trộn tại các vùng biển trong khu vực sẽ tiếp tục xảy ra trong bối cảnh 2 cường quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện và thách thức lẫn nhau.
“Trung Quốc tin rằng, Mỹ đang thử thách sự khôn ngoan của nước này, trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden lại cảm thấy cần phải thể hiện quyết tâm chống Bắc Kinh”, ông Harsh Pant nhấn mạnh.
Phương Tây ngày càng cứng rắn hơn trong việc đối phó với những thách thức mà Trung Quốc tạo ra, còn các nước châu Á-Thái Bình Dương cũng tỏ ra mạnh mẽ hơn trong các phản ứng của mình, chuyên gia này lưu ý.
“Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có khả năng trở nên nguy hiểm hơn và bất ổn hơn nhiều so với trước đây. Đó là điều đã được dự đoán trước”, nhà nghiên cứu Harsh Pant nói.
Tờ South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ và Trung Quốc không thể tìm thấy điểm cân bằng trong mối quan hệ song phương đầy mâu thuẫn, những nguy hiểm và bất ổn xung quanh các vùng biển ở châu Á vẫn sẽ luôn hiện hữu.
Bên cạnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, sự trở lại của nhóm Bộ tứ cũng là một yếu tố đáng lưu ý.
Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ ngày 12/3 có thể mở cánh cửa cho những quốc gia “cùng chí hướng” tham gia cuộc chơi, chẳng hạn như Anh, Pháp.
Anh từng nhắc đến triển vọng hình thành một Bộ tứ xuyên Đại Tây Dương, gồm có cả các nước châu Âu, còn Pháp hiện đang tham gia tập trận hàng hải chung với nhóm này.
Chuyên gia Yogesh Joshi thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á của Đại học Quốc gia Singapore nhận định, khi vùng biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xuất hiện quá nhiều lực lượng mà Trung Quốc cho là “không thân thiện”, Bắc Kinh có thể có những hành động gây leo thang căng thẳng.
Trong khi đó, nhà phân tích Poling lại nhìn nhận ở một khía cạnh khác. Ông lưu ý, việc gia tăng các hoạt động trên biển có thể phát từ việc tăng tần suất các cuộc chạm trán giữa các tàu chấp pháp, hải quân và tàu bán quân sự của Trung Quốc, với tàu thuyền của các quốc gia khác.
“Các lực lượng của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn trong nỗ lực can thiệp vào hoạt động của tàu thuyền nước khác, đặc biệt là Philippines, Malaysia. Điều này làm gia tăng khả năng xảy ra các cuộc đụng độ. Vì thế không thể viện dẫn nguyên nhân là do sự cạnh tranh Mỹ-Trung hoặc sự quay trở lại của nhóm Bộ tứ”, nhà quan sát Poling nhấn mạnh./.
SCMP