Biến thể Delta đang lây lan chóng mặt, thách thức cả những quốc gia đã có dân số tiêm chủng cao. (Nguồn: Nathanancher.com) |
Hãng tin Reuters ngày 10/8 dẫn phát biểu của Giáo sư Andrew Pollard - người đứng đầu nhóm Oxford Vaccine Group chuyên nghiên cứu vaccine AstraZeneca và là Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI) của Anh, nhận định rằng giờ đây thế giới không nên tập trung vào khả năng "miễn dịch cộng đồng" bởi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện lây nhiễm trong cả người được tiêm chủng.
Điều trần tại một Ủy ban thuộc Hạ viện Anh ngày 10/8, Giáo sư Andrew Pollard cho hay, trong lịch sử, một khi 95% dân số tiêm chủng, thì bệnh sởi sẽ không thể lây lan, nhưng điều này không còn đúng với dịch Covid-19.
Ông cảnh báo rằng điều này có nghĩa là “bất cứ ai vẫn chưa được tiêm phòng, thì vào một thời điểm nào đó sẽ dính virus”.
Khả năng miễn dịch cộng đồng dựa vào việc phần lớn dân số đạt được khả năng miễn dịch - thông qua tiêm chủng hoặc nhiễm trùng trước đó - khiến virus không còn có thể lây lan đáng kể cho dân số còn lại.
Tuy nhiên, Giáo sư Andrew Pollard cảnh báo, miễn dịch cộng đồng giờ đây là một khái niệm “hoang đường” và vì thế, khái niệm này không còn là nền tảng phục vụ công tác thiết kế các chương trình tiêm chủng ở Anh hoặc trên toàn cầu.
Phát biểu trước các nghị sỹ, ông Andrew Pollard khẳng định, sự xuất hiện của biến thể Delta - lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ, khiến giờ đây vaccine không còn ngăn chặn được hoàn toàn virus.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rất rõ rằng biến thể hiện tại này, biến thể Delta, sẽ vẫn lây nhiễm cho những người đã được tiêm chủng và điều đó có nghĩa là bất kỳ ai chưa được tiêm chủng sẽ dính virus. Với biến thể hiện tại này, khả năng miễn dịch cộng đồng là không thể”.
Bên cạnh đó, ông cũng dự đoán rằng trong tương lai có thể xuất hiện “một biến thể thậm chí còn có khả năng lây truyền khủng khiếp hơn trong những cá nhân đã được tiêm chủng”. |
"Sáu tháng tới đây là một giai đoạn củng cố thực sự quan trọng, trong quá trình chuyển dịch từ dịch bệnh sang đặc hữu, đó là việc sống chung với Covid-19. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sống chung với nó và chịu đựng nó - mà chúng ta phải hỗ trợ những bệnh nhân mắc bệnh”.
Giáo sư Andrew Pollard thông tin, vaccine có thể làm chậm quá trình lây truyền vì có một số bằng chứng cho thấy những người được tiêm chủng có thể gây ra lây nhiễm trong một thời gian ngắn hơn, nhưng cảnh báo sẽ không có cách nào ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của Covid-19.
Ngay cả khi tất cả trẻ em đã được tiêm phòng, điều đó sẽ không ngừng việc virus lây truyền.
Theo thời gian, cần phải chuyển từ xét nghiệm cộng đồng đối với các bệnh nhiễm trùng nhẹ sang xét nghiệm dựa trên lâm sàng đối với những người bị bệnh.
Những bình luận của ông Andrew được đưa ra khi Anh báo cáo số ca tử vong do Covid-19 hàng ngày cao nhất kể từ tháng 3/2021, trong đó có 23.510 trường hợp mắc mới và thêm 146 trường hợp tử vong trong ngày 10/8. Đây là số ca tử vong cao nhất kể từ con số 175 người được báo cáo tử vong hôm 12/3.
Chính phủ Anh cũng thông báo hôm 9/8 rằng hơn 3/4 người lớn ở Anh hiện đã được tiêm cả hai liều vaccine. Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội nước này cũng cho biết 89% đã được tiêm liều đầu tiên và 75% nhận đủ hai liều.
Những bình luận của ông Andrew cũng đã được một số chuyên gia khác hưởng ứng. Paul Hunter, Giáo sư Y khoa tại Đại học East Anglia (Anh), cho biết khả năng miễn dịch cộng đồng hiện là “không thể đạt được”.
Những bình luận này được đưa ra trong bối cảnh sự hiểu biết của giới khoa học đang thay đổi về vai trò của tiêm chủng với virus SARS-CoV-2.
Trước đây, có một số hy vọng rằng, nếu mức độ tiêm chủng đủ lớn, virus sẽ không thể lây lan nữa. Đầu năm nay, thậm chí còn có ý kiến cho rằng những người có nhiều khả năng lây lan virus SARS-CoV-2, bao gồm công nhân tuyến đầu và thanh niên, nên được tiêm phòng trước. Nhưng trong hai tuần qua, những hy vọng này đã tan vỡ.
Nồng độ virus ở những người bị nhiễm Delta đã được tiêm phòng có thể tương tự như mức độ được tìm thấy ở những người chưa được tiêm chủng. (Nguồn: Getty) |
Mặc dù vaccine đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng, nhập viện và tử vong, nhưng dữ liệu gắn kết cho thấy vaccine không ngăn chặn được sự lây truyền do biến thể Delta.
Dữ liệu được công bố hồi tuần trước của tổ chức Public Health England (Anh) cho thấy có rất ít sự khác biệt về lượng virus hiện diện ở những người được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng có kết quả dương tính với Covid-19. Ám chỉ của phát hiện này là các mũi tiêm không ngăn chặn sự lây lan của virus nhiều như hy vọng.
Theo nghiên cứu này, "một số phát hiện ban đầu cho thấy nồng độ virus ở những người bị nhiễm Delta đã được tiêm phòng có thể tương tự như mức độ được tìm thấy ở những người chưa được tiêm chủng".
Tổ chức PHE cho biết, trong số các trường hợp nhiễm biến thể Delta được xác nhận đã nhập viện tại Anh kể từ ngày 19/7, 55,1% chưa được tiêm phòng, trong khi 34,9% đã được tiêm hai liều vaccine Covid-19.
PHE cho biết đây là "phân tích thăm dò sớm" và nhấn mạnh rằng cần có "các nghiên cứu có mục tiêu sâu hơn" để xác định mức độ mà những người được tiêm chủng có thể lây lan biến thể Delta cho những người khác.
Tuy nhiên, Peter Openshaw, Giáo sư Y học Thực nghiệm tại Đại học Imperial College London nhấn mạnh, nghiên cứu trên cho thấy virus biến mất nhanh hơn ở hầu hết những người đã được tiêm phòng.
“Vì vậy, cơ hội lây nhiễm có thể thu hẹp hơn. Vaccine giờ ít hiệu quả hơn đối với Delta so với một số biến thể khác, nhưng vẫn còn có nhiều biến thể đang lẩn tránh. Chúng tôi đang theo dõi rất kỹ các biến thể này, nhưng hiện tại bạn vẫn nhận được rất nhiều lợi ích khi được tiêm đủ vaccine", ông Peter Openshaw khẳng định.
Kết luận nghiên cứu của PHE dường như cũng tương tự với phát hiện gần đây từ Mỹ, nơi một nghiên cứu về một đợt bùng phát ở Massachusetts cho thấy lượng virus tương đương nhau trong số 127 người được tiêm chủng đầy đủ và 84 người khác chưa được tiêm chủng.
Nghiên cứu này đã khiến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) rút lại khuyến nghị rằng những người được tiêm chủng đầy đủ không cần phải đeo khẩu trang trong nhà.
Nguồn: baoquocte.vn