Đã từ lâu,“chủ nghĩa hòa bình” trong chính sách đối ngoại Đức được xem như là một “đồng thuận” trong nền chính trị nước này, trên hai tiền đề chính là chiếc ô an ninh của Mỹ giúp nước này hạn chế đầu tư cho quốc phòng và thương mại quốc tế sẽ mang lại hòa bình. Vì lẽ đó, kim chỉ nam của ngoại giao Đức từng được nêu thành Wandel durch Handel (thay đổi thông qua thương mại).
Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã làm đảo lộn tất cả. Giờ đây, nước Đức phải đối mặt với 3 thách thức chưa từng có: phụ thuộc về năng lượng vào Nga; phụ thuộc thương mại vào thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc an ninh vào Mỹ.
Xung đột Nga-Ukraine đã đặt ra ba thách thức chưa từng có cho nước Đức. (Nguồn: Sky News) |
Năm đầu tiên trong kỷ nguyên hậu bà Angela Merkel, kinh tế Đức được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện được điều chỉnh xuống mức 1,8%, trong khi lạm phát trong Eurozone đã tăng lên mức kỷ lục 6-7%/năm. Mô hình kinh tế trọng thương của Đức cũng gặp khó khi tiền lương tối thiểu tăng 22% trong khi nguồn cung lao động đang ngày càng khan hiếm.
Nguồn năng lượng Nga, vốn được thiết kế như trụ cột cho chiến lược “chuyển đổi năng lượng”, nay đang trở thành “cái bẫy” khi các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga đã làm tăng giá nhiên liệu tại Đức gần 180% kể từ tháng 2/2022.
Sự đảo lộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hệ quả của đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine càng làm trầm trọng thêm vấn đề của nước Đức, vốn phụ thuộc vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga hay Ấn Độ.
Trên phương diện an ninh, 30 năm qua, Berlin đặt cược vào ô an ninh của Mỹ và NATO. Nhờ đó, chi phí quốc phòng của nước này luôn ở mức thấp (1,5% GDP). Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine cho thấy sức mạnh kinh tế của EU, liên minh quân sự của NATO là chưa đủ cho một “nền hòa bình vĩnh cửu” tại châu Âu.
Nguồn năng lượng Nga, vốn được thiết kế như trụ cột cho chiến lược “chuyển đổi năng lượng”, nay đang trở thành “cái bẫy” khi các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga đã làm tăng giá nhiên liệu tại Đức gần 180% kể từ tháng 2/2022. |
Thực tế đó buộc người Đức phải đưa ra nhiều điều chỉnh lớn về mặt chính sách.
Trước hết, đó là nỗ lực giảm vai trò của năng lượng Nga trong nền kinh tế Đức.
Trong 3 tháng qua, sự phụ thuộc của Berlin với năng lượng từ Moscow đã giảm đáng kể: Hiện khí đốt Nga chỉ chiếm 35% nhu cầu của Đức. Cùng với Ba Lan, Đức cam kết chấm dứt nhập khẩu dầu Nga qua đường ống Druzhba nhằm giảm sự phụ thuộc về dầu mỏ EU vào Nga xuống dưới 10% từ nay đến cuối năm 2022.
Trước đó, nước này đã dừng phê duyệt dự án Nord-Stream 2 kết nối với Nga và thay vào đó là 4 trạm tiếp nhận khí ga hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Australia và Qatar.
Song song với đa dạng hóa nguồn cung, chính phủ liên minh tại Berlin cũng đặt mục tiêu cung cấp 80% nhu cầu bằng năng lượng tái tạo như điện gió, hydrogen...
Về an ninh-quốc phòng, hai ngày sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố bổ sung 100 tỷ Euro cho ngân sách quốc phòng. Berlin cũng hướng tới mục tiêu chung của NATO chi 2% GDP cho quốc phòng.
Không chỉ tăng ngân sách cho an ninh, một bước ngoặt khác trong chính sách của chính quyền ông Scholz là việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Ngày 31/5, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố một thỏa thuận “hoán đổi” trang thiết bị quân sự với Hy Lạp: Theo đó Athens sẽ nhận được các xe chiến đấu bộ binh từ Berlin để đổi lấy việc gửi một số xe chiến đấu cho Kiev. Thủ tướng Đức cũng cho biết sẽ chuyển cho Kiev hệ thống phòng không IRIS-T hiện đại nhất mà Đức sở hữu.
Bài phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về chính sách quốc phòng ngày 27/2 được các nghị sỹ tại Bundestag đồng tình. (Nguồn: DW) |
Trước đó, Đức cũng thông báo sẽ chuyển cho Ukraine 7 tổ hợp lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000, một trong những lựu pháo mạnh hàng đầu thế giới.
Cuối cùng, sau nhiều thập niên theo đuổi chủ nghĩa tự do thương mại, Berlin đang tìm lại tiếng nói chung với Paris về “châu Âu chủ quyền” trên lĩnh vực kinh tế.
Đầu năm 2022, Đức đã từ chối cho tập đoàn GlobalWafers của Đài Loan (Trung Quốc) mua lại công ty thiết bị bán dẫn Siltronic nhân danh khẩu hiệu Made in Deutschland. Ngày 27/4, Berlin cũng từ chối cho tập đoàn Aeonmed (Trung Quốc) mua lại công ty dược Heyer Medical vì “trật tự công cộng và an ninh”.
Để thay đổi, Berlin sẽ cần chính sách đối ngoại quyết đoán hơn nữa, song song với gìn giữ khẩu hiệu “chủ nghĩa hòa bình”.
Nguồn: baoquocte.vn