Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), các công ty Hàn Quốc dường như đang rời xa Trung Quốc và thành lập thêm nhiều cơ sở kinh doanh ở Nhật Bản trong nửa đầu năm nay, làm dấy lên suy đoán về khả năng thay đổi chiến lược phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và tranh chấp song phương.
6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Hàn Quốc chỉ thành lập 87 công ty mới tại Trung Quốc, giảm so với 99 công ty trong cùng kỳ năm ngoái - thời điểm đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang áp đặt các hạn chế nhằm ngăn ngừa COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp.
Trong khi đó, có 118 đơn vị mới được thành lập tại Nhật Bản trong nửa đầu năm nay, tăng 46 đơn vị so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này được tờ Chosun trích dẫn số liệu từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.
Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 1989, Nhật Bản vượt qua Trung Quốc về số lượng doanh nghiệp mới của Hàn Quốc.
Hãng thông tấn Yonhap cho rằng, sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc, cùng với việc kiểm soát xã hội ngày càng tăng cao, là “những yếu tố góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp” khiến nền kinh tế thứ 2 thế giới không còn là sự ưu tiên với các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Zhang Huizhi, giáo sư nghiên cứu Đông Bắc Á tại Đại học Cát Lâm (Trung Quốc), cho biết có xu hướng rõ ràng các công ty Hàn Quốc đã hoạt động tại Trung Quốc sẽ rút vốn khỏi đất nước tỷ dân và chuyển sang Đông Nam Á.
Zhang cho biết thêm, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động do Hàn Quốc đầu tư cũng phải đối mặt với chi phí gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp không thể làm cho ngành hoặc sản phẩm của họ trở nên cạnh tranh hơn. Đây là một trong những nguyên do chính khiến các công ty do Hàn Quốc đầu tư rời khỏi Trung Quốc.
“Ngoài ra, các công ty Hàn Quốc còn chú trọng hơn đến an ninh và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và họ đang đề cao sự cần thiết của việc không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc", Zhang giải thích.
Vị chuyên gia nói thêm rằng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, với việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt, cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng đưa ra nhiều chính sách thu hút các công ty quay trở lại, mang lại cho họ nhiều lựa chọn hơn.
Theo số liệu chính thức, Hàn Quốc đã tụt từ vị trí thứ hai năm ngoái xuống vị trí thứ năm năm nay trong số các nước xuất khẩu sang Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm. Chỉ trong vài năm, Trung Quốc đã từ đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc trở thành đối tác có thâm hụt thương mại lớn nhất.
Chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc đã làm xói mòn lợi thế về chi phí từng khiến nơi đây trở thành trung tâm sản xuất hấp dẫn nhất thế giới. Căng thẳng thương mại dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tạo ra những bất ổn và gián đoạn thương mại khiến các công ty Hàn Quốc phải khám phá các thị trường thay thế, nổi bật là Việt Nam.
Nhật báo Aju Korea Daily trích dẫn số liệu từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho biết, trong ba quý đầu năm ngoái, các doanh nghiệp Hàn Quốc chỉ thành lập 156 công ty mới ở Trung Quốc và đó là lần đầu tiên bị Việt Nam vượt qua với 233 công ty mới do Hàn Quốc tài trợ trong cùng kỳ.
Đáng chú ý, các nhà sản xuất Hàn Quốc đang xem xét lại hoạt động của họ tại Trung Quốc khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty địa phương, cũng như những thách thức liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Samsung Electronics, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc, đang dần chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam và Ấn Độ.
Hyundai Heavy Industries, một trong những công ty đóng tàu lớn nhất thế giới, đã giảm hoạt động tại Trung Quốc và tập trung vào các dự án có tỷ suất lợi nhuận cao hơn trong các lĩnh vực chuyên biệt hơn, bao gồm cả kỹ thuật ngoài khơi.
LG Innotek cho biết họ đang chuyển dây chuyền sản xuất máy ảnh từ Trung Quốc sang Việt Nam, nơi có chi phí lao động thấp hơn và hoạt động sản xuất dự kiến sẽ ít bị ảnh hưởng hơn do căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.
Số lượng công ty Hàn Quốc ở Trung Quốc "mọc lên như nấm" trong khoảng thời gian sau khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Các nhà đầu tư Hàn Quốc coi Trung Quốc là miền đất "vàng", được chính phủ hỗ trợ và lao động giá rẻ.
Theo Aju Korea Daily, năm 2006, trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, số lượng pháp nhân mới do các công ty Hàn Quốc thành lập ở Trung Quốc đạt đỉnh điểm là 2.392 trước khi giảm xuống trong những năm tiếp theo.
Sau một tranh chấp nảy sinh vào năm 2016 về việc lắp đặt hệ thống chống tên lửa THAAD do Mỹ sản xuất ở Hàn Quốc, Trung Quốc đã thực hiện một loạt hành động trừng phạt thương mại với Hàn Quốc khiến thương mại song phương trong năm đó giảm 8,4% so với một năm trước.
Tờ Aju Korea Dail trích dẫn một báo cáo năm ngoái của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, cho thấy số lượng công ty nước này muốn rút khỏi Trung Quốc trong 2 đến 3 năm tới đã tăng gấp hơn ba lần so với giai đoạn 2020 - 2022, từ 2,7% lên 9,6%.
38% các công ty Hàn Quốc được hỏi đang xem xét rút lui khỏi Trung Quốc cho biết chi phí sản xuất tăng là nguyên nhân chính. 22% cho rằng nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc và 16% lo lắng về hậu quả từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Theo giáo sư Zhang, các công ty Hàn Quốc buộc phải theo kịp khi công nghệ và số hóa không ngừng phát triển, đồng thời họ cần bắt kịp nhu cầu thay đổi về sản phẩm của người tiêu dùng Trung Quốc.
"Trong tương lai, các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Trung Quốc sẽ cần phải đáp ứng nhu cầu mới về phát triển kinh tế chất lượng cao trong các lĩnh vực như nền kinh tế kỹ thuật số và công nghệ tiên tiến, để duy trì tính cạnh tranh.
Họ cũng sẽ cần phải tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, để hỗ trợ các mục tiêu phát triển sinh thái của Trung Quốc”, Zhang nói.
Nguồn: vtc.vn