Các cường quốc hàng đầu thế giới và khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… không thể ngồi yên khi Trung Quốc đang ráo riết tiến hành quân sự hóa không chỉ ở Thái Bình Dương mà cả Ấn Độ Dương trong tham vọng trở thành thế lực thống trị trên các đại dương mà trước hết là khu vực Biển Đông giá trị chiến lược trọng yếu.
Hải quân các nước Mỹ - Nhật Bản - Australia và Canada trong một cuộc diễn tập ở Biển Đông gần Philippines để gửi thông điệp răn đe với tham vọng của Trung Quốc
Toan tính quân sự hóa ở hai đại dương lớn
Khu vực và thế giới đang dõi theo với sự lo ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ sức mạnh của lực lượng hải quân tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific), đồng thời ráo riết tiến hành quân sự hóa ở những vùng biển chiến lược trọng yếu của 2 đại dương này.
Việc Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy kế hoạch quân sự hóa, tăng cường sự hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ngay cả khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đang hoành hành ở khu vực cũng như toàn thế giới càng cho thấy Bắc Kinh tham vọng ra sao trong toan tính áp đặt sự thống trị của mình trên các đại dương vốn ngày càng có vị trí quan trọng trong chiến lược lâu dài, nhất là với các cường quốc toàn cầu.
Những gì mà Trung Quốc thực thi tại Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông, thời gian qua có thể thấy Bắc Kinh coi Biển Đông như là “cửa ngõ”, “bàn đạp” để một nước Trung Quốc trỗi dậy trở thành một cường quốc đại dương, cường quốc toàn cầu. Trung Quốc đã dồn nguồn lực tiến hành quân sự toàn diện, quy mô lớn ở Biển Đông hòng thể hiện sức mạnh thống trị, điều cho phép Trung Quốc áp đặt yêu sách đòi chủ quyền phi lý, phi pháp bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Có thể nói, Biển Đông được Trung Quốc coi là địa bàn chính để triển khai lực lượng hải quân đang hiện đại hóa rất nhanh từ lực lượng tàu nổi cho tới tàu ngầm. Điều này thấy rất rõ qua việc hai biên đội tàu sân bay chiến đấu của Trung Quốc hiện nay là Liêu Ninh và Sơn Đông cùng đóng tại căn cứ hải quân Tam Á nằm ở cực nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Tại đảo Hải Nam còn có căn cứ hải quân Du Lâm, nơi có các cửa vào sâu trong lòng núi sát biển cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay. Từ các căn cứ trên đảo Hải Nam, các biên đội tác chiến tàu sân bay và các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc có thể ra Biển Đông một cách nhanh chóng nhất so với tất cả các căn cứ hải quân khác của nước này trên đất liền.
Làm tiền tiêu cho những biên đội tàu tác chiến sân bay và tàu ngầm hạt nhân chiến lược là các căn cứ quân sự quy mô lớn nhất ở Biển Đông mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Gần đây nhất là những bãi đá, rạn san hô ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm rồi bồi đắp, xây dựng thành các đảo nổi nhân tạo có tổng diện tích hơn 13km2, trong đó 3 thực thể là đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và đá Subi bị biến thành căn cứ quân sự quy mô lớn với sân bay có đường băng dài 3.000m và cảng nước sâu.
Không chỉ ráo riết quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc hiện đã toan tính muốn lấy đây là “cửa ngõ”, “bàn đạp” để vươn chiếc “vòi” quân sự hóa tới Ấn Độ Dương. Đô đốc Hải quân Ấn Độ Karambir Singh hồi tháng 4 vừa qua từng cáo buộc bất chấp đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã cử một lực lượng hải quân mạnh gồm khoảng 7-8 tàu chiến hiện diện liên tục ở Ấn Độ Dương, một minh chứng cho tham vọng của Bắc Kinh nhằm lực lượng hải quân dọc theo các tuyến thương mại hàng hải dự kiến của họ trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Một toan tính “đặt bàn chân sói” ở Ấn Độ Dương của Trung Quốc cũng được chỉ ra khi những hình ảnh vệ tinh về đảo Feydhoo Finolhu ở Ấn Độ Dương vào các thời điểm cách nhau 12 năm cho thấy sự gia tăng bất thường về diện tích của hòn đảo này. Việc đảo Feydhoo Finolhu có sự hiện diện của công ty Trung Quốc đã tăng diện tích từ 38.000m2 hồi tháng 1-2008 lên 138.000m2 vào tháng 2-2020 đã làm dấy lên nghi ngờ Trung Quốc đang bồi đắp, cải tạo đảo này thành căn cứ quân sự tiền tiêu ở Ấn Độ Dương.
Hợp tác ngăn chặn tham vọng thống trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Ham muốn thống trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương còn được phối hợp bởi những việc làm trên nhiều “mặt trận” khác. Giáo sư Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia - Đại học Quốc gia Australia, trong trả lời báo chí mới đây đã cho rằng, Trung Quốc dường như đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 như thời cơ để gây áp lực, tìm cách áp đặt lên nhiều nước xung quanh nhằm theo đuổi vị thế thống trị ở khu vực Đông Nam Á, Biển Đông.
Theo đó, Trung Quốc đã dùng áp lực kinh tế để ngăn chặn Australia điều tra độc lập về nguồn gốc virus gây bệnh Covid-19, tăng cường hoạt động ở khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ dẫn tới xảy ra đụng độ khiến hàng chục người chết… và đẩy quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ lên tới mức căng thẳng như thời Chiến tranh lạnh.
Trung Quốc một khi thống trị được Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương sẽ trước hết áp đặt đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của mình, đồng thời kiểm soát được những tuyến vận tải biển và hàng không huyết mạch của nền kinh tế thế giới cũng như các địa bàn chiến lược trọng yếu toàn cầu, cạnh tranh ảnh hưởng và giành lợi thế với những cường quốc khu vực và thế giới. Đây là điều mà các cường quốc liên quan đều nhận rõ và chẳng thể ngồi nhìn Trung Quốc trỗi dậy hoàn toàn không hòa bình như quốc gia này từng nhiều lần tuyên bố.
Bị cạnh tranh và bị đe dọa trực tiếp lợi ích chiến lược tại Bình Dương - Ấn Độ Dương cũng như toàn cầu, Mỹ hiện đi đầu trong việc ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc. Không chỉ đóng vai trò quan trọng nhất, Mỹ còn hợp tác với các đồng minh cũng như các quốc gia bị Trung Quốc đe dọa lợi ích để hợp tác ứng phó với tham vọng thống trị của Trung Quốc. Giáo sư Rory Medcalf đã đề cập tới nhóm “Bộ tứ” (Mỹ, Nhật Bản, Ausstralia và Ấn Độ) đang đóng một vai trò quan trọng đối với cán cân an ninh khu vực, trong đó thúc đẩy đối thoại với nhau ở cấp bộ trưởng và có nhiều hoạt động phía sau hậu trường để tăng cường hợp tác song phương, hợp tác 3 bên và 4 bên nhằm củng cố cho sự hợp tác của “Bộ tứ”.
Cuối tháng 3-2020 vừa qua dù đang phải vất vả ứng phó với đại dịch Covid-19 nhưng quan chức cấp cao các nước thuộc Đối thoại an ninh 4 bên (Nhóm “Bộ tứ”) đã lặng lẽ tiến hành một loạt cuộc họp với mục đích bên ngoài thúc đẩy một phản ứng phối hợp nhằm đối phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mục tiêu to lớn hơn của “Bộ tứ” là ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc tham vọng thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên bình diện quân sự. Những diễn biến sẽ còn phức tạp, khó lường!
Nguồn: anninhthudo.vn