Trong một thông báo mới đây, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tàu chiến NATO đã liên tiếp có những hành động khiến căng thẳng ở biển Đen tiếp tục leo thang, khi họ đưa các tàu do tham tới gần vùng biển thuộc chủ quyền của Nga trong những tuần gần đây.
Đỉnh điểm có thể kể đến việc Hải quân Hoàng gia Anh thăm dò hoạt động của các tàu tuần tra cũng như hệ thống cảnh báo sớm của Nga trên biển Đen khi đưa tàu khu trục tới sát bờ biển bán đảo Crưm. Vụ việc cũng làm dấy lên một vụ bê bối ngoại giao lớn giữa Moskva và London.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các cường quốc phương Tây đang thổi phồng căng thẳng không có thật ở biển Đen, phía Nga cũng khẳng định họ sẽ giám sát chặt chẽ việc các bên tuân thủ Công ước Montreux quy định việc đưa tàu chiến cỡ lớn vào vùng biển này.
“Trong bối cảnh các thế lực bên ngoài đang cố gắng làm xáo trộn tình hình biển Đen thông qua các sự cố được dàn dựng, nước Nga phải có trách nhiệm đảm bảo các điều khoản của Công ước Montreaux được các bên thực hiện nghiêm túc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn Sputnik.Theo Bộ Ngoại giao Nga, một vai trò đặc biệt trong vấn đề này thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được trao cho một số quyền liên quan đến việc kiểm soát việc di chuyển của các tàu quân sự qua eo biển Bosporus. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc các bên thực hiện Công ước Montreaux trên thực tế, bao gồm các điều khoản về giới hạn tổng trọng tải tối đa của tàu chiến các nước bên ngoài biển Đen và thời gian họ được phép hoạt động trong khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm.
Tuần này cũng đánh dấu kỷ niệm 85 năm ngày Công ước Montreux được thông qua. Được ký năm 1936, văn kiện này nhằm đảm bảo quyền tự do qua lại cho các tàu thương mại của tất cả các nước trong cả thời bình và thời chiến. Tuy nhiên, nó hạn chế số lượng và trọng tải tàu chiến của các nước không có chủ quyền ở biển Đen hoạt động trong vùng biển này.
Theo các điều khoản của Montreux, tàu chiến của các quốc gia không giáp Biển Đen không được ở trong vùng biển này quá 21 ngày và tổng trọng tải của chúng không được vượt quá 30.000 tấn. Mỹ từng vài lần vi phạm Công ước Montreux trong một số trường hợp trong quá khứ.
Vào tháng 6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ cho xây dựng kênh đào Istanbul, một tuyến đường thủy nhân tạo trên mực nước biển trị giá hơn 10 tỷ USD. Nó thể hiện cho tham vọng của Ankara trong việc vô hiệu hóa Công ước Montreux bằng cách mở một tuyến đường thủy mới biển Đen
Moskva dĩ nhiên lo ngại về kế hoạch trên bởi kênh Istanbul sẽ cho phép liên minh quân sự NATO triển khai nhiều tàu chiến hơn tới biển Đen. Điều này cũng tạo thêm một phần gánh nặng bảo vệ chủ quyền trên biển cho Hạm đội Biển Đen của Nga trong khu vực.
Nguồn: vtc.vn