Để đáp trả các biện pháp trừng phạt mà EU áp dụng đối với Nga, nước này đã cắt giảm nguồn cung khí đốt tới châu lục, góp phần lớn gây nên cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. (Nguồn: Export.org.uk) |
Khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, với tình trạng thiếu khí đốt và giá năng lượng cao. Thực tế này được dự kiến sẽ kéo dài trong một thời gian.
Châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2021, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khối và gần 40% tổng mức tiêu thụ của Liên minh.
Kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát (24/2), thị phần nhập khẩu khí đốt của Nga vào EU đã giảm xuống dưới 10%. Do đó, châu Âu phải tìm kiếm các nguồn thay thế, bao gồm cả việc mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay với giá đắt đỏ từ các quốc gia xuất khẩu xa xôi, chẳng hạn như Mỹ.
Trong nỗ lực hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên, một số quốc gia châu Âu đang quay trở lại sử dụng nhiều than hơn hoặc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân.
Tình trạng thiếu khí đốt đã buộc các nước phải đồng ý tự nguyện giảm 15% nhu cầu sử dụng so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua, từ ngày 1/8/2022-31/3/2023. Mức giảm bắt buộc 5% sản lượng tiêu thụ điện trong giờ cao điểm cũng đã được thống nhất áp dụng cho đến tháng 3/2023.
Nhập khẩu khí đốt đắt đỏ, cùng với sự thiếu hụt nguồn cung, đã đẩy giá năng lượng lên mức cao kỷ lục. Giá khí đốt cho các giao dịch trên sàn TTF (sàn thương mại tiêu chuẩn lớn nhất của thị trường châu Âu ở Hà Lan) đã đạt mức lịch sử vào tháng 8, leo lên hơn 340 Euro (362 USD) mỗi MWh. Hiện giá năng lượng này đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Hai năm trước, giá TTF chỉ khoảng 14 Euro/MWh.
Với mục tiêu giảm giá năng lượng, sau nhiều tháng tranh cãi, cuối cùng, Bộ trưởng Năng lượng của các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về cơ chế điều chỉnh thị trường đối với khí đốt tự nhiên, còn được gọi là giá trần khí đốt, vào đầu tháng 12 này.
Theo thỏa thuận, cơ chế này sẽ được kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 180 Euro/MWh.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường nghi ngờ rằng liệu cơ chế giá trần này có thực sự làm giảm chi phí cho người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp hay không.
Cùng với giá điện và khí đốt tăng vọt, giá nhiên liệu cũng phi mã ở châu Âu. Mặc dù giá xăng và dầu diesel gần đây đã giảm nhẹ, nhưng chúng vẫn dao động trên mức hơn 2 Euro/lít ở hầu hết các nước trong gần như suốt cả năm 2022. Chính phủ một số quốc gia đã phải trợ cấp rất lớn để hạn chế lạm phát giá nhiên liệu.
Đóng cửa, sa thải, thậm chí phá sản là điều mà một số công ty sử dụng nhiều năng lượng ở châu Âu, chẳng hạn như các nhà máy thủy tinh hay hóa chất, đang phải đối mặt dưới nỗi đau của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Giá điện và khí đốt cao đã dẫn đến lạm phát cao kỷ lục, từ đó tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế khu vực này và sinh kế của người dân. Mặc dù tỷ lệ lạm phát hằng năm của EU giảm nhẹ trong tháng 11 so với tháng 10, nhưng nó vẫn ở mức hai con số, 11,1%.
Như những tháng trước, ngành năng lượng đóng góp nhiều nhất vào tỷ lệ lạm phát, với việc các công ty và hộ gia đình ngày càng gặp khó khăn trong việc theo kịp các chi phí tăng chóng mặt.
Trạm nén khí của đường ống Yamal ở Gabinek, gần Wloclawek, Ba Lan, đưa khí đốt từ Nga đến Tây Âu. (Nguồn: Reuters) |
Các doanh nghiệp trong một số ngành buộc phải di dời hoặc đang đối mặt với phá sản, và một số quốc gia đã bơm tín dụng cho các công ty đang gặp khó khăn. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ cũng đang gặp khó khăn trong hoạt động.
Ủy ban châu Âu vào tháng 11 đã dự đoán rằng khối gồm 27 quốc gia thành viên sẽ rơi vào suy thoái trong mùa Đông này.
Thomas Schaefer, Giám đốc điều hành thương hiệu của nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen, cho biết, ngành công nghiệp châu Âu đang mất khả năng cạnh tranh và hấp dẫn các nhà đầu tư do giá năng lượng cao.
Ông nói: “Châu Âu thiếu khả năng cạnh tranh về giá trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là khi nói đến chi phí điện và khí đốt, chúng ta đang ngày càng thua thiệt hơn”.
Do đó, EU đã công bố một loạt biện pháp, chẳng hạn như giá trần khí đốt, "thuế đoàn kết" đối với lợi nhuận vượt mức của các công ty dầu mỏ, khí đốt, than đá và nhà máy lọc dầu vào năm 2022, và giới hạn doanh thu của các công ty điện lực sản xuất năng lượng từ gió, năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều gia đình phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng, một số phải lựa chọn giữa thực phẩm và sưởi ấm vì họ không thể trả hóa đơn năng lượng cao.
Keith Baker, một nhà nghiên cứu về vấn đề thiếu hụt nhiên liệu và vchính sách năng lượng tại Đại học Glasgow Caledonian ở Scotland, cho biết: “Rất nhiều hộ gia đình đã ở trong tình trạng không có khí đốt và chi phí cho bữa ăn giảm. Một số hộ gia đình đang thực sự ở trong tình trạng khó khăn”.
Alessandro Marangoni, chuyên gia kinh tế đồng thời là Giám đốc của Irex Monitor - cơ quan cố vấn của Italy chuyên về lĩnh vực năng lượng, nhận định, giá năng lượng sẽ không trở lại ổn định cho đến khi cuộc xung đột Nga-Ukraine kết thúc.
Châu Âu đang chạy đôn chạy đáo để tìm giải pháp thay thế nguồn cung năng lượng của Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow. Với việc người tiêu dùng phải đối mặt với giá năng lượng cao kỷ lục và khả năng bị phân phối khí đốt, mất điện vào mùa Đông này, có những lo ngại về một cuộc khủng hoảng thậm chí còn tồi tệ hơn vào năm tới.
Theo một báo cáo gần đây của IEA, EU có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt gần 30 bcm khí đốt tự nhiên vào năm 2023.
IEA cảnh báo, không có gì đảm bảo việc nhiệt độ ấm hơn thường lệ vào đầu mùa Đông năm nay ở châu Âu sẽ kéo dài, trong khi đó, nguồn cung cấp khí đốt của Nga có thể giảm hơn nữa. Ngoài ra, nguồn cung LNG toàn cầu dự kiến chỉ tăng 20 bcm vào năm 2023, ít hơn nhiều so với mức khí đốt Nga có thể cắt giảm.
Ủy viên Kinh tế của EU Paolo Gentiloni cho biết, nếu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine không kết thúc vào mùa Đông này, tai ương năng lượng của châu Âu sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Dalibor Pudic, Chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Croatia, nói rằng, năm 2023 sẽ là một năm "rất thách thức" nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung cho châu Âu. EU sẽ phải lấp đầy các cơ sở lưu trữ của mình một lần nữa, điều này "sẽ không dễ dàng".
Ông Pudic cảnh báo, nếu không có trợ cấp của chính phủ, giá năng lượng, vốn đã cao đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, sẽ tăng vọt.
Đối với châu Âu, những bất ổn và thách thức phía trước sẽ tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế của lục địa này khi các chính phủ trong khối đang cố gắng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát kỷ lục. Đây là một "cơn lốc kép" đang tàn phá nền kinh tế toàn liên minh.
Nguồn: baoquocte.vn