Quân sự, an ninh hay hợp tác kinh tế..., đâu sẽ là tiềm năng hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Ấn Độ, trong bối cảnh liên tục các quốc gia tìm đến Ấn Độ để vừa thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vừa tìm kiếm sự đồng thuận trong vấn đề Ukraine cũng như cách ứng xử với Nga?
Hành trang bà Leyen mang tới Ấn Độ
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đến thăm Ấn Độ với một đề nghị rất hấp dẫn, đó là Liên minh châu Âu và Ấn Độ sẽ thành lập Hội đồng Thương mại và công nghệ chung. Cần lưu ý rằng trong số các đồng minh thân thiết của EU thì mới chỉ có Mỹ được EU đề nghị thành lập Hội đồng này vào năm ngoái. Ấn Độ sẽ là quốc gia thứ hai.
Điều này cho thấy, EU đặc biệt coi trọng vai trò và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong sân chơi thương mại và công nghệ toàn cầu. Sở dĩ việc thành lập Hội đồng Thương mại và công nghệ chung EU-Ấn Độ đáng chú ý là vì đây là cơ chế cho phép hai bên thúc đẩy các hợp tác sâu rộng mang tính chiến lược trên nhiều lĩnh vực. Trước hết về thương mại, Hội đồng chung này sẽ đẩy nhanh hơn các thảo luận giữa hai bên về việc ký kết một Hiệp định thương mại tự do toàn diện. Các vòng đàm phán về Hiệp định này nhiều khả năng sẽ được nối lại ngay trong mùa Hè này.
Điều quan trọng hơn, đó là ngoài vấn đề thương mại thuần tuý, Hội đồng chung này sẽ mở đường cho EU và Ấn Độ hợp tác chặt chẽ hơn trong công nghệ quan trọng như 5G, 6G; thảo luận và trao đổi công nghệ quốc phòng; trao đổi kinh nghiệm quản trị vấn đề bảo mật trên các nền tảng công nghệ số. Nói cách khác, bà Ursula von der Leyen đến thăm Ấn Độ với một đề nghị rất cụ thể để đưa quan hệ hai bên lên một tầm cao chiến lược mới, có thể coi là tương đương với cấp độ đồng minh thân cận nhất. Dĩ nhiên, mục đích của EU không chỉ đơn giản là nâng cấp quan hệ với Ấn Độ mà sâu xa hơn, đó còn là việc tạo đối trọng và kiềm chế sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc về thương mại và quân sự tại khu vực, cũng như dần kéo Ấn Độ ra khỏi ảnh hưởng của Nga trong bối cảnh của cuộc chiến tại Ukraine.
New Delhi liệu có thay đổi cách tiếp cận?
Rõ ràng, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) có nhiều vấn đề để bàn thảo trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von de Leyen. Đó không chỉ là việc hợp tác song phương như thương mại, năng lượng, biến đổi khí hậu, công nghệ số và giao lưu nhân dân… Ấn Độ và EU còn trao đổi quan điểm và tìm ra điểm đồng, nỗ lực hợp tác trong một loạt vấn đề quốc tế quan trọng như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, quan hệ với Trung Quốc …
Trong đó, đáng chú ý nhất là quan điểm của Ấn Độ liên quan tới cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. New Delhi đã nhiều lần bày tỏ thái độ và cách tiếp cận xung quanh vấn đề này. Và nó đã được nhiều đối tác quan trọng của nước này thừa nhận. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Ấn Độ duy trì quan điểm trung lập, phản đối các biện pháp sử dụng vũ lực, yêu cầu chấm dứt giao tranh, đáp ứng các nhu cầu nhân đạo của dân thường.
Ấn Độ cũng ‘nói Không’ với các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Nước này cho rằng siết chặt trừng phạt không giải quyết được vấn đề và ngoại giao phải là ưu tiên hàng đầu để giải quyết xung đột. Và trong chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban châu Âu von de Leyen, Ấn Độ vẫn thể hiện rõ quan điều này.
Thực tế cho thấy, cách tiếp cận này phục vụ tối đa cho lợi ích quốc gia của Ấn Độ. Thứ nhất, Ấn Độ duy trì được trạng thái cân bằng trong quan hệ với hai đối tác quan trọng là Nga và Mỹ. Nước này vẫn thúc đẩy được hợp tác trong nhiều lĩnh vực song phương. Thứ hai, Ấn Độ tận dụng triệt để các lợi thế về địa chính trị của mình để khiến các đối tác phải chấp nhận ‘cách chơi’ mà mình đặt ra. Thứ ba, trong khủng hoảng, Ấn Độ vẫn tận dụng các cơ hội để đạt được những lợi ích. Ví dụ, tiếp tục các hợp đồng mua thiết bị vũ khí với Nga, thúc đẩy việc mua dầu mỏ với giá ưu đãi của Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Có thể thấy, Ấn Độ đang ở vào vị thế thuận lợi để gia tăng vị thế và lợi ích của mình bất chấp khủng hoảng.
Khả năng Ấn Độ giảm phụ thuộc vào Nga
Thời gian đầu khi mới nổ ra cuộc chiến tại Ukraine, có khá nhiều tiếng nói từ phía các nước châu Âu bày tỏ sự không hài lòng, thậm chí chỉ trích việc Ấn Độ giữ lập trường trung lập, không chỉ không tham gia trừng phạt Nga như các nước phương Tây mà còn tiếp tục duy trì quan hệ thân thiết với Nga, gia tăng việc mua dầu mỏ và than đá của Nga. Tuy nhiên, Mỹ và các nước châu Âu cũng sớm nhận ra rằng áp lực của khối này với Ấn Độ sẽ không thể làm Ấn Độ thay đổi cách tiếp cận của nước này trong vấn đề Ukraine hay trong quan hệ với Nga.
Thứ nhất, Ấn Độ và Nga là các đối tác thân thiết lâu đời, có mối quan hệ chính trị-quân sự rất sâu sắc. Nga hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ và từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Nga cũng đã dành cho Ấn Độ rất nhiều ưu đãi trong việc mua-bán dầu mỏ, than đá khi bán dầu cho Ấn Độ với giá rẻ hơn nhiều (chỉ bằng 1/3) so với giá thị trường. Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 2 tại châu Á nên xét về lợi ích quốc gia, Ấn Độ hiển nhiên không dễ dàng từ bỏ quan hệ thân thiết với Nga.
Vấn đề của châu Âu và Mỹ là các nước này lại không thể có thái độ quá cứng rắn với Ấn Độ như đối với Trung Quốc, đơn giản là vì Ấn Độ được xem như một trong những mắt xích quan trọng nhất trong chiến lược bao vây, kiềm chế Trung Quốc mà Mỹ và phương Tây đang triển khai. Ấn Độ là thành viên nhóm “Bộ Tứ Kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ. Việc quá cứng rắn với Ấn Độ sẽ có nguy cơ phá vỡ chiến lược này và đẩy Ấn Độ về phía Nga-Trung Quốc.
Do đó, với Ấn Độ, phương Tây buộc phải tìm các biện pháp mềm mỏng hơn. Đây cũng chính là lí do lớn nhất đưa bà Ursula von der Leyen, và tuần trước là Thủ tướng Anh Boris Johnson, đến thăm Ấn Độ. Phương Tây hy vọng rằng thông qua việc cung cấp công nghệ, vũ khí và đẩy mạnh trao đổi thương mại thì khối này sẽ dần kéo Ấn Độ ra khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí và năng lượng Nga. Mục đích này có thành công hay không thì cần phải có thời gian nhưng Ấn Độ là một cường quốc có lịch sử là lá cờ đầu trong phong trào Không Liên kết, có truyền thống tương đối độc lập và tự chủ về chính sách đối ngoại. Như vậy, Ấn Độ sẽ không dễ ngả hẳn về phương Tây. Thực tế thì với cách tiếp cận trung lập như hiện nay, Ấn Độ đang là bên hưởng nhiều lợi ích nhất.
Giữ thái độ trung lập có thể phản tác dụng?
Tới thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Ấn Độ sẽ hoặc có thể thay đổi lập trường của mình liên quan tới các vấn đề quan trọng của thế giới, cụ thể là trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Và cũng không có lý do gì để cho rằng phương Tây sẽ xa lánh Ấn Độ vì quan điểm không trùng khớp giữa đôi bên. Đó là bởi nước này vẫn đang có nhiều đòn bẩy để khiến phương Tây, hay cả Nga phải cân nhắc ‘thiệt-hơn’ nếu muốn áp đặt trừng phạt.
Xét trên các yếu tố về địa chính trị và năng lực nội sinh của nền kinh tế, Ấn Độ hội đủ các điều kiện để trở thành một đối tác không thể thiếu tại khu vực và toàn cầu. Ví dụ, 3 thành viên còn lại trong Nhóm Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) là Mỹ, Nhật Bản và Australia dù rất muốn Ấn Độ cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga, ủng hộ các biện pháp trừng phạt Moscow của phương Tây nhưng không hề lên án Ấn Độ. Họ chấp nhận (về mặt tạm thời) chính sách đối ngoại của New Delhi liên quan tới khủng hoảng Ukraine. Đó là bởi phương Tây đang cần củng cố quan hệ với Ấn Độ trên một mặt trận khác. Đó là cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi Ấn Độ có nhiều tiềm năng và vị thế tốt nhất để thách thức sự vươn lên của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen, nếu dư luận quốc tế chú ý nhiều tới áp lực của phương Tây với Nga trong khủng hoảng Ukraine, thì nội bộ Ấn Độ lại quan tâm với các cam kết và việc thực hiện các cam kết của EU với hòa bình, ổn định, và tôn trọng pháp luật tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ấn Độ và EU đều có mối quan tâm chung là sự quyết đoán và ý đồ toàn cầu của Trung Quốc, cũng như tác động của Sáng kiến Vành đai và Con đường tại châu Âu. Trong khi đó, Ấn Độ cũng lo ngại về các tham vọng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á, cũng như ý đồ tranh chấp biên giới của nước láng giềng. Bởi thế, Ấn Độ cần EU thể hiện rõ bằng hành động nếu muốn thực sự trở thành một đối tác tin cậy, có đi có lại. Còn nhiều những ví dụ khác để cho thấy EU cần Ấn Độ và Ấn Độ cũng cần tới EU vì những lợi ích lâu dài. Chính những sự tương tác như vậy sẽ giúp quan hệ Ấn Độ - EU trở nên cụ thể, sâu sắc hơn trong tương lai.
Nguồn: vtc.vn