Thắng lợi không bất ngờ của phe cực hữu
Theo kết quả sơ bộ được tổng hợp sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) khóa 9 diễn ra ngày 9-6 vừa qua, các nhóm chính trị xuyên quốc gia, gồm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D) và Đảng Đổi mới châu Âu (RE) vẫn giữ được đa số với tổng cộng 401 trên tổng số 720 ghế trong Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 2024-2029. Trong đó, với 191 ghế, cao hơn EP sắp mãn nhiệm 10 ghế, nhóm EPP trung hữu tiếp tục giữ được vị thế là lực lượng chính trị lớn nhất trong EP; liên minh trung tả S&D dù giữ vững vị trí thứ hai với 135 ghế nhưng mất 4 ghế với với nhiệm kỳ sắp mãn nhiệm hiện nay.
Chiến thắng của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được cho sẽ tác động sâu sắc tới chính trường và chính sách của châu Âu |
Đáng chú ý, Đảng RE theo đường lối trung dung bị tổn thất khá nặng nề khi chỉ giành được 79 ghế, giảm 23 ghế so với 102 ghế hiện tại. Thất bại này phần lớn chịu tác động bởi kết quả tệ hại của Đảng Phục hưng (Renaissance) của Tổng thống Emmanuel Macron và các đảng đồng minh tại nước Pháp. Tuy nhiên, Đảng RE vẫn tiếp tục là lực lượng chính trị lớn thứ ba tại EP khóa tới bất chấp kết quả đạt được của các nhóm cực hữu Bảo thủ và Cải cách (ECR) và Bản sắc và Dân chủ (ID), với kết quả lần lượt là 70 và 60 ghế.
Trái ngược với kết quả không như mong muốn của phe trung dung, phe cực hữu đã vươn lên với thắng lợi của hai đại diện cánh hữu cấp tiến là Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) và Đảng Bản sắc và Dân chủ (ID). Hai đảng cực hữu này giành được lần lượt 73 ghế (tăng 4 ghế) và 58 ghế (tăng 9 ghế).
Trong sự trỗi dậy của phe cực hữu trên chính trường châu Âu qua cuộc bầu cử EP lần này, một kỷ lục phiếu bầu chưa từng có dành cho đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) ở Pháp. Theo kết quả sơ bộ, danh sách RN do ứng cử viên Jordan Bardella đứng đầu đã giành được tới 31,9% phiếu bầu, cao hơn gấp đôi số phiếu mà Đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron giành được. Thắng lợi của RN đã làm chấn động chính trường Pháp và châu Âu mặc dù các cuộc thăm dò ý kiến dư luận trước bầu cử đã dự báo trước điều này. Thắng lợi này chấn động tới mức ngay khi có kết quả thăm dò dư luận trong tối 9-6, Tổng thống Emmanuel Macron đã phải tuyên bố giải tán Quốc hội Pháp và sẽ tiến hành cuộc bầu cử lập pháp mới vào các ngày 30-6 và 7-7 tới. Quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron được cho nhằm ngăn thắng lợi tiếp theo của phe cực hữu trên chính trường nước Pháp. Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong trường hợp chiến thắng, “nước cờ” của Tổng thống Macron sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho đời sống chính trị tại Pháp; song ngược lại thì thời gian còn lại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ càng trở nên phức tạp, khó khăn hơn trước rất nhiều.
Tuy chưa thể chiến thắng vang dội tới mức đạt đa số tại EP, song phe cực hữu của châu Âu vẫn được cho là đã rất thành công trong cuộc bầu cử này. Lý giải về chiến thắng của phe cực hữu, các chuyên gia cho rằng cử tri châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi chi phí sinh hoạt, lo ngại về vấn đề nhập cư và chi phí của quá trình chuyển đổi xanh đối với nền kinh tế, cũng như không hài lòng với tình trạng căng thẳng địa chính trị, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine. Những chính đảng theo đường lối cực hữu và cứng rắn đã nắm bắt được tâm lý này và hứa hẹn với cử tri về một giải pháp thay thế và điều đó khiến cử tri đặt niềm tin.
Một châu Âu cứng rắn hơn
Phiên họp toàn thể của Cơ quan lập pháp châu Âu khóa 10 sẽ được tổ chức tại thành phố Strasbourg của Pháp, nơi EP đặt trụ sở, từ ngày 16 đến 19-7 tới với một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tiến hành bầu chọn Chủ tịch Nghị viện mới. Trong thời gian 4 ngày này, EP sẽ tiến hành bầu Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, đồng thời quyết định số lượng đại biểu của mỗi ủy ban trực thuộc. Cơ quan lập pháp mới cũng sẽ bỏ phiếu bầu Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của EU) và xem xét ứng cử viên cho các vị trí ủy viên trong thể chế này. Tuy nhiên, trước khi diễn ra phiên họp toàn thể, các đại biểu mới sẽ phải tập hợp thành các nhóm chính trị được thành lập trên cơ sở “gia đình chính trị” của mình.
Với việc Đảng EPP trung hữu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu với 191 và 2 đồng minh là Đảng S&D và Đảng RE vẫn giữ được đa số với tổng cộng 401 trên tổng số 720 ghế trên tổng số 720 ghế của EP nhiệm kỳ 2024-2029, bà Ursula Von Der Leyen và các thành viên cấp cao khác trong EP đã bắt tay vào đàm phán để đánh giá các triển vọng thành lập liên minh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với sự trỗi dậy mạnh của phe cực hữu, cán cân quyền lực cuối cùng tại EP nhiệm kỳ tới vẫn chưa hoàn toàn được xác định.
Dù sao thì thắng lợi của phe cực hữu trong cuộc bầu cử EP vừa qua cũng tác động sâu rộng tới chính trường cũng như chính sách, quyết sách của liên minh 27 thành viên trong tương lai. Theo các chuyên gia, tuy chưa thể đạt đa số ghế, nhưng sự trỗi dậy của phe cực hữu tại châu Âu chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo đời sống chính trị châu Âu.
Cùng với sự vươn lên của nhóm trung hữu EPP, những quyết sách của châu Âu trong thời gian tới sẽ tập trung chủ yếu vào tăng cường sự thống nhất trong việc ủng hộ Ukraine và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng EU. Tại đại hội EPP vào tháng 3 vừa qua ở Thủ đô Bucharest của Rumani, nhóm này đã nêu bật nhu cầu tạo ra một thị trường quốc phòng châu Âu thống nhất, phát triển các dự án trong thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về an ninh và quốc phòng (PESCO) và bổ nhiệm vị trí ủy viên quốc phòng trong Ủy ban châu Âu mới. Về lâu dài, nhóm đảng này đề xuất thành lập Liên minh Phòng thủ châu Âu, bao gồm các lực lượng trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng. Thế nhưng, EPP vẫn sẽ phải thỏa hiệp với S&D để có thể cho ra được những chính sách hợp lý hơn khi S&D chú trọng việc chi tiêu có mục tiêu, mua sắm chung các sản phẩm quốc phòng.
Ngoài ra, với sự thụt lùi đáng kể của phe cánh tả và Đảng Xanh, nhiều khả năng trong các tháng tới, Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ vấp phải sự tranh luận kịch liệt khi phe cực hữu và dân túy vẫn luôn bất mãn với dự án chống biến đổi khí hậu này. Cùng với đó, việc cánh hữu giành chiến thắng cũng khiến vấn đề di cư ở châu Âu sẽ diễn biến theo hướng khắc nghiệt hơn. Châu Âu những năm tới được cho sẽ cứng rắn hơn trong các chính sách bảo hộ kinh tế, phòng vệ thương mại, kiểm soát xuất khẩu, tăng thuế carbon ở biên giới, thậm chí là bãi bỏ các hiệp định đã ký kết hoặc đang đàm phán với các đối tác bên ngoài.
Nguồn: anninhthudo.vn