"Các tàu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải (MSDF) đã thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải để răn đe Trung Quốc", tờ Yomiuri cho hay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng hải trình của chiến hạm Nhật Bản nên được mô tả là hoạt động đi lại vô hại ở vùng biển quốc tế. Dù vậy, động thái này được cho là sẽ chọc giận Bắc Kinh.
Nguồn tin của chính phủ Nhật Bản khẳng định chiến dịch của MSDF bắt đầu từ tháng 3/2021, trong đó một tàu khu trục đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Tới tháng 8, một khu trục hạm khác của MSDF di chuyển theo hải trình tương tự.
Một trong các tàu này được cho là tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga Ise, từng tham gia tập trận cùng các đơn vị quân sự của Mỹ, Australia, Pháp trong năm qua.
"Tôi tin rằng là hơi quá khi gọi nó là hoạt động tự do hàng hải theo như cách mà Mỹ tiến hành các hoạt động tương tự bởi các tàu của MSDF di chuyển ở vùng biển quốc tế, ngoài lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền", một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản cho hay.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản chưa bình luận về thông tin trên.
Garren Mulloy, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhật Bản Daito lưu ý tới nay Mỹ là quốc gia duy nhất thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách đi tàu đi qua vùng biển bên trong khu vực 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa,
Ngoài Nhật Bản, một số quốc gia như Anh, Australia từng điều tra tàu chiến tới vùng biển tiếp giáp khu vực 12 hải lý quanh các thực thể ở quần đảo Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam.
Nguồn: vtc.vn