Trung Quốc được Nga coi là đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại mới. (Nguồn: AP) |
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/3 đã công bố Khái niệm chính sách đối ngoại mới nhằm giảm bớt tác động của phương Tây, đồng thời kéo Nga xích lại gần Trung Quốc và Ấn Độ.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh, Tổng thống Vladimir Putin cho biết tài liệu này là bản cập nhật đầu tiên của khái niệm chính sách đối ngoại của Liên bang (LB) Nga được thông qua vào năm 2016 và phản ánh “những thay đổi căn bản trong các vấn đề quốc tế”.
Theo khái niệm mới này, quan hệ giữa Moscow với phương Tây xấu đi do xung đột Nga-Ukraine là một thực tế địa chính trị lâu dài.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: "Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã mở ra những thay đổi mang tính cách mạng trong các vấn đề thế giới mà giờ đây cần được phản ánh trong học thuyết đối ngoại (mới) của Nga". |
Chiến lược mới cũng phản ánh lập trường ngày càng chống phương Tây của Nga trước các lệnh trừng phạt và sự hỗ trợ quân sự của phương Tây đối với Ukraine.
Trình bày về Khái niệm chính sách đối ngoại mới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow đang phải đối mặt với nhiều "mối đe dọa hiện hữu".
Tài liệu này mô tả Mỹ là “nguồn gốc chính” của các mối đe dọa an ninh đối với Nga và ẩn ý về một “kỷ nguyên của những thay đổi mang tính cách mạng” hướng tới “thế giới đa cực công bằng hơn”.
Moscow trong những tuần gần đây đã gia tăng căng thẳng với Washington và các đồng minh của nước này. Mới đây, Tổng thống Putin đã ra lệnh triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus vào mùa Hè.
Bên cạnh việc chỉ đích danh Mỹ là “nguồn gốc chính” gây ra mối đe dọa cho an ninh Nga, tài liệu dài 42 trang này còn chỉ ra Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác chiến lược của Nga và cho biết Moscow cũng sẽ hướng tới các quốc gia khác.
Tổng thống Putin gần đây đã ca ngợi mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow vào tháng 3 vừa qua. Nga cũng tăng cường cung cấp năng lượng cho cả Trung Quốc và Ấn Độ sau khi Nga gần như bị cắt đứt hoàn toàn khỏi các thị trường châu Âu truyền thống.
Tài liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "làm sâu sắc thêm mối quan hệ và sự phối hợp" với các trung tâm quyền lực nằm trên lục địa Á-Âu, ý muốn nói tới Trung Quốc và Ấn Độ-hai quốc gia cùng chia sẻ quan điểm với Nga về “trật tự thế giới trong tương lai”. Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Ai Cập cũng được Nga coi là các đồng minh chủ chốt.
Chiến lược mới của Nga cũng đề cập đến xung đột ở một số khu vực đang làm gia tăng mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, làm tăng nguy cơ xung đột giữa các nước lớn, kể cả có sự tham gia của các cường quốc hạt nhân.
Do đó, Nga kêu gọi các quốc gia thực hiện các bước để tránh chiến tranh toàn cầu và rủi ro của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt bằng cách tăng cường sự ổn định chiến lược quốc tế, kiểm soát vũ khí và chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua các hiệp ước quốc tế.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: "Trong tài liệu này, chúng tôi giải thích tầm nhìn của Nga về các nguyên tắc của một trật tự thế giới cân bằng và công bằng hơn...Thúc đẩy trật tự thế giới đa cực được xác định là nhiệm vụ khuôn khổ cho mọi chiến lược trong chính sách đối ngoại". |
Nga cũng khẳng định, nước này quan tâm đến việc duy trì sự cân bằng chiến lược, cùng tồn tại hòa bình và thiết lập sự cân bằng lợi ích giữa Nga và Mỹ, có tính đến vị thế của Mỹ là cường quốc hạt nhân.
Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của Mỹ trong việc từ bỏ chính sách chống Nga, hợp tác với Nga dựa trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, cùng có lợi và tôn trọng lợi ích của nhau.
Khái niệm chính sách đối ngoại đề cập việc tái cấu trúc nền kinh tế thế giới. Khái niệm nhấn mạnh, một trong những yếu tố cần được chú tâm là nền kinh tế thế giới đang trải qua quá trình tái cấu trúc cơ cấu lớn và đang chuyển sang nền tảng công nghệ mới.
Mặc dù "gắt" với Mỹ và phương Tây song Moscow vẫn để ngỏ những con đường nhằm hòa giải với cả EU, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây.
"(Nga) ưu tiên thành lập mô hình cùng chung sống mới với các nước châu Âu để bảo đảm sự phát triển của Nga và các đồng minh, cũng như hòa bình lâu dài tại châu Âu, có tính tới vai trò tiềm năng của các cơ chế đa phương, bao gồm Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu", Khái niệm mới đề cập.
Moscow thừa nhận sự cần thiết khôi phục quan hệ với châu Âu bởi khoảng cách địa lý gần gũi, các mối quan hệ sâu sắc về văn hóa, kinh tế, nhân đạo giữa người dân các nước tại lục địa già.
Khái niệm mới của Nga cũng xác nhận lợi ích trong duy trì cân bằng chiến lược, cùng chung sống hòa bình với Mỹ, thiết lập cân bằng lợi ích giữa Moscow và Washington.
Ngoài ra, Nga đề cập ưu tiên trong tăng cường quan hệ với các đối tác tại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ Latinh, Caribe và châu Phi.
Chính sách đối ngoại của Nga dài 42 trang được công bố sau khi hàng loạt diễn biến mới xảy ra xung quanh tình hình Nga-Ukraine. Giữa tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du Nga và làm việc Tổng thống Vladimir Putin. Không lâu sau đó, Nga thông báo triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus. Ngày 31/3, NATO xác nhận sớm kết nạp Phần Lan vào liên minh quân sự. Với sự gia nhập của Phần Lan, biên giới giữa NATO và Nga đã kéo dài thêm gần 1.400 km. |
Nguồn: baoquocte.vn