7 tháng chiến sự ở Dải Gaza và nguy cơ leo thang xung đột khu vực
Sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas nhằm vào miền Nam Israel khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng, bắt khoảng 250 người khác làm con tin, Israel lập tức tuyên bố chiến tranh và phát động chiến dịch mang tên “Thanh kiếm sắt” nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở dải Gaza, đồng thời phong tỏa toàn bộ vùng lãnh thổ này của người Palestine. Đến nay đã gần 7 tháng kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng phát, khói lửa vẫn tiếp diễn tại Dải Gaza, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí có nguy cơ xung đột lan rộng khi xuất hiện nhiều diễn biến mới.
Đụng độ gia tăng giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Trong khi đó, tại Syria và Iraq, các nhóm vũ trang được cho là do Iran hậu thuẫn cũng tăng tần suất các cuộc tấn công bằng bom, tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen vào tàu thương mại trên Biển Đỏ hay việc Mỹ và Anh không kích nhằm vào lực lượng này đã và đang có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hàng hải quốc tế, có nguy cơ làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá dầu cùng lạm phát kinh tế thế giới tăng cao. Đáng lo ngại nhất là việc Israel tấn công vào lãnh sự quán Iran tại Sirya hôm 01/4/2024 và hành động đáp trả của Iran bắn tới 350 tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái vào Israel, tiếp theo sau đó là sự đáp trả của Israel với Iran ngày 04/4/2024 đã đẩy khu vực đến gần với một cuộc chiến tranh toàn diện.
Có thể nói, tình hình Trung Đông đang rất nghiêm trọng vì đây là lần đầu tiên Iran tấn công vào lãnh thổ của Israel và cũng là lần đầu tiên Israel tấn công trực tiếp vào Iran. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Iran và Israel đang có nhiều tín hiệu tích cực theo xu hướng hạ nhiệt mặc dù “ngòi nổ xung đột” vẫn còn âm ỉ.
Thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza
Gần 7 tháng chìm trong bóng đen xung đột, bạo lực tàn khốc, Dải Gaza đã và đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng chưa từng có. Con số thương vong và mất tích không ngừng gia tăng, trong khi số phận của 130 con tin người Israel còn lại ở Dải Gaza vẫn mờ mịt. Người dân tại Dải Gaza vẫn hàng ngày đang phải hứng chịu thảm cảnh do chiến dịch quân sự của Israel. Đa số bệnh viện tại đây đã ngừng hoạt động, ít nhất 53 trong tổng số 563 trường học ở Gaza đã bị phá hủy, UNICEF ước tính có 620.000 trẻ em ở Gaza không được đến trường. Khi nổ ra cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, các trường học ngay lập tức ngừng hoạt động giảng dạy và phần lớn biến thành nơi trú ẩn cho các gia đình chạy trốn khỏi các cuộc không kích [1].
Tình hình nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn do hầu như toàn bộ 2,3 triệu dân ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa, không chỉ hệ thống y tế mà ngay cả các nhu cầu thiết yếu về lương thực, nước uống cũng không đủ đáp ứng. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) và Liên hợp quốc đầu tháng 4/2024 cho biết, thiệt hại ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế Palestine. Tổng thiệt hại cơ sở hạ tầng khoảng 18,5 tỉ USD, trong đó lĩnh vực nhà ở chiếm 72% chi phí, cơ sở hạ tầng dịch vụ công như nước, y tế và giáo dục chiếm 19%, trong khi các tòa nhà thương mại và công nghiệp chiếm 9% còn lại [2]. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã mô tả “người Palestine ở Gaza đang trải qua các cấp độ kinh hoàng về nạn đói và đau khổ” [3].
Hãng thông tấn Al-Jazeera của thế giới Ảrập dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Y tế Gaza cho biết, tính đến ngày 23/4/2024 đã có ít nhất 34.183 người thiệt mạng và 77.084 người bị thương do các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Cũng trong ngày 23/4/2024, Văn phòng Truyền thông Gaza cho biết thêm, khoảng 72% số người thiệt mạng nói trên là phụ nữ và trẻ em. Hiện có khoảng 7.000 người Gaza đang mất tích, nhiều người trong số đó được cho là đang bị chôn vùi dưới các đống đổ nát [4]. Theo một báo của tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children International) đã có hơn 13.800 trẻ em ở Dải Gaza đã thiệt mạng, trong khi 106 trẻ ở Bờ Tây và 33 trẻ ở Israel tử vong trong cuộc chiến [5]. Xung đột, căng thẳng lan rộng càng khiến nỗi thống khổ của người dân Gaza thêm chồng chất.
Người Palestine bị thương đến bệnh viện al-Shifa ở miền trung Dải Gaza, ngày 16/10. Ảnh: AP
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế phải làm việc cùng nhau để ngăn chặn bất kỳ hành động nào có thể đẩy toàn bộ Trung Đông đến bờ vực xung đột toàn diện và sự cần thiết của biện pháp ngoại giao để giảm căng thẳng, bắt đầu từ Gaza. Ông Guterres nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và thả ngay tất cả các con tin bị giam giữ trong khu vực. Ông đề nghị những điều kiện thực tế tại Dải Gaza phải được giải quyết để các cơ quan nhân đạo có thể cung cấp viện trợ một cách an toàn, đồng thời lưu ý rằng gần 250 nhân viên cứu trợ - trong đó có hơn 180 nhân viên Liên hợp quốc - đã thiệt mạng tại Dải Gaza [6].
Nỗ lực tìm giải pháp của cộng đồng quốc tế
Sự hận thù và mâu thuẫn chồng chất kéo dài hàng thập kỷ giữa Hamas và Israel khiến việc tìm lối thoát cho cuộc xung đột sau 7 tháng vẫn rơi vào bế tắc. Xung đột lan rộng gây ra nỗi thống khổ cho dân thường đã khiến việc thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Gaza trở nên cấp bách.
Gần 7 tháng từ khi xung đột bùng phát, nhiều nỗ lực quốc tế đã được thực hiện với hy vọng mang lại cuộc sống yên bình cho người dân Gaza. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã triệu tập nhiều phiên họp, tuy nhiên, lại rất ít lần các bản dự thảo nghị quyết về kêu gọi ngừng bắn được thông qua. Kể từ ngày 7/10/2024, Mỹ đã 3 lần phủ quyết các dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. Trong khi đó, bản dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn thứ tư đã bị Algeria, Nga và Trung Quốc bác bỏ ngày 23/3 vì cho rằng bản dự thảo nghị quyết không đề cập tới việc gây áp lực cho phía Israel [7].
Sau nhiều nỗ lực không mang lại kết quả như mong đợi, ngày 25/3/2024, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza trong thời gian ít ỏi còn lại của tháng lễ Ramadan. Mỹ đã bỏ phiếu trắng, trong khi 14 thành viên khác, bao gồm Nga, Trung Quốc và Anh bỏ phiếu ủng hộ [8]. Tuy nhiên, nghị quyết mang tính ràng buộc của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã không thể phát huy hiệu lực và giao tranh ở Gaza vẫn tiếp diễn.
Trong một nỗ lực khác, ngày 18/4/2024 một dự thảo nghị quyết do Algeria đề xuất khuyến nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của LHQ cũng không được thông qua. 12 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ, Anh và Thụy Sĩ bỏ phiếu trắng còn Mỹ phủ quyết [9]. Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood khi được hỏi đã nêu rõ: “Mỹ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước. Cuộc bỏ phiếu này không phản ánh sự phản đối việc thành lập nhà nước của Palestine mà thay vào đó là sự thừa nhận rằng kết quả sẽ chỉ đến từ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên” [10].
Tương lai hòa bình tại Dải Gaza vẫn mờ mịt
Có thể thấy, xung đột Hamas - Israel càng kéo dài sẽ càng gây những hệ lụy khôn lường đối với an ninh khu vực cũng như thế giới và những người phải gánh chịu hậu quả lớn nhất, tồi tệ nhất không ai khác chính là người dân Palestine và cả người dân Israel. Nhưng nghiêm trọng hơn, tình hình có thể chuyển biến rất nhanh từ một cuộc xung đột cục bộ sang một cuộc đối đầu khu vực hay thậm chí là quốc tế. Nếu xung đột tiếp tục, không ai dám chắc liệu có thể xảy ra những tính toán sai lầm, những sự cố ngoài ý muốn khiến Trung Đông bị cuốn vào những vòng xoáy mất kiểm soát.
Xung đột Hamas - Israel làm cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thêm phức tạp và khó đoán định. Bên cạnh đó, khả năng phục hồi của kinh tế thế giới, sự tuyến hàng hải quốc tế quan trọng qua biển Đỏ, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu… sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu xung đột không sớm được hạ nhiệt. Giới phân tích cho rằng: phải chăng đây là cơ hội cho hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác cùng nhau bảo vệ hòa bình thế giới và giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, vấn đề vốn đã bị hai nước lãng quên từ lâu [11]. Để ngăn chặn điều đó, các cường quốc phải mang trọng trách quốc tế to lớn, mà nhiệm vụ hàng đầu là sử dụng mọi tầm ảnh hưởng để kiểm soát những thành phần cực đoan ở cả hai bên Do Thái và Ả rập nhằm ngặn chặn nguy cơ xung đột vượt tầm kiểm soát .
Do đó, mặc dù còn tầng tầng lớp lớp mâu thuẫn từ lịch sử khiến vấn đề này không dễ dàng giải quyết, nhưng thông điệp của dư luận thế giới là kêu gọi các bên kiềm chế và tiến tới giải pháp sau cùng cho Dải Gaza cũng như Trung Đông. Một thỏa thuận ngừng bắn nếu đạt được tuy không phải là lối thoát cuối cùng cho cuộc xung đột Hamas - Israel, nhưng đó sẽ là khoảng lặng hòa bình đầy quý giá để các bên liên quan có thể tính toán những bước đi tiếp theo để hạ nhiệt xung đột.
Liên hợp quốc luôn nhấn mạnh: "Bất kỳ giải pháp bền vững nào cho hòa bình lâu dài đều phải nằm trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước, chấm dứt việc chiếm đóng và thành lập một quốc gia hoàn toàn độc lập, dân chủ, có chủ quyền và Nhà nước Palestine vững mạnh, trong đó Gaza là một phần không thể thiếu, phù hợp với luật pháp quốc tế" [12]. Còn dư luận quốc tế đều mong muốn các bên liên quan cần sớm chấm dứt xung đột, giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp, xây dựng Trung Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển./.
[1] “Những tổn thương nặng nề với trẻ em ở Dải Gaza” https://nhandan.vn/nhung-ton-thuong-nang-ne-voi-tre-em-o-dai-gaza-post803269.html#. Cập nhật Thứ sáu, ngày 05/04/2024 - 15:20
[2] Theo Nguyễn Tùng: “LHQ ước tính thiệt hại cơ sở hạ tầng tại Gaza lên tới 18,5 tỷ USD” https://www.vietnamplus.vn/lhq-uoc-tinh-thiet-hai-co-so-ha-tang-tai-gaza-len-toi-185-ty-usd-post938025.vnp. Cập nhật 03/04/2024 06:32
[3] Dẫn theo VŨ HỘI - Phóng viên TTXVN tại Israel: “Trong bóng đen xung đột” https://nvsk.vnanet.vn/trong-bong-den-xung-dot-2-144587-1-144600.vna Cập nhật 7/4/2024
[4] Dẫn theo T.Lan: “Những con số nhức nhối sau 200 ngày chiến sự ở Gaza” https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/nhung-con-so-nhuc-nhoi-sau-200-ngay-chien-su-o-gaza-663774.html. Cập nhật 24/04/2024 14:55 (GMT+7)
[5] VTV.vn: “Hơn 13 800 trẻ em thiệt mạng ở Gaza kể từ khi xung đột Israel Hamas bùng phát” Cập nhật ngày 19/04/2024 19:59 GMT+7
[6] VTV.vn: “Hơn 13 800 trẻ em thiệt mạng ở Gaza kể từ khi xung đột Israel Hamas bùng phát” Cập nhật ngày 19/04/2024 19:59 GMT+7
[7] Dẫn theo T.Lan: “Những con số nhức nhối sau 200 ngày chiến sự ở Gaza” https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/nhung-con-so-nhuc-nhoi-sau-200-ngay-chien-su-o-gaza-663774.html. Cập nhật 24/04/2024 14:55 (GMT+7)
[8] Dương Nguyễn: “Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza” https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-thong-qua-nghi-quyet-yeu-cau-ngung-ban-o-gaza-770008. Cập nhật 25/03/2024 - 22:48
[9] Như Tâm: “Mỹ bác nghị quyết công nhận Palestine là thành viên LHQ” https://vnexpress.net/my-bac-nghi-quyet-cong-nhan-palestine-la-thanh-vien-lhq-4735938.html. Cập nhật 19/4/2024, 07:25 (GMT+7)
[10] “Mỹ phủ quyết công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của LHQ” https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-phu-quyet-cong-nhan-palestine-la-thanh-vien-day-du-cua-lhq-i728638/. Cập nhật 19/04/2024, 07:46
[11] Dẫn theo Nguyễn Vũ Hùng “Liệu xung đột Israel Hamas có thể biến thành chiến tranh toàn cầu?” TTXVN (Phnom Penh 15/10/2023)
[12] VTV.vn: “Lối thoát nào cho xung đột ở Dải Gaza? “Chủ nhật, ngày 03/03/2024 11:17 GMT+7.
PGS, TS. Thái Văn Long
Viện Quan hệ quốc tế - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh