Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ và hy sinh, dân tộc Việt Nam đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp xâm lược phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ xứng đáng "được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” [1]. Đồng thời, chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã cho thấy rằng lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới.
Đúng vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế hết sức to lớn, mở đầu quá trình sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa, bị áp bức vùng lên đấu tranh chống lại thực dân, đế quốc xâm lược giải phóng dân tộc.
Trước hết, đối với Lào và Campuchia, là hai nước láng giềng cùng chung chiến hào với Việt Nam nên mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có những tác động sâu sắc đối với cách mạng Lào, Campuchia và ngược lại, mà tác động lớn nhất, có ý nghĩa quyết định góp phần mang lại độc lập, tự do cho nhân dân Lào và Campuchia đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam vào ngày 07/05/1954. Trận Điện Biên Phủ giành thắng lợi gây chấn động cả thế giới và đã làm xoay chuyển toàn bộ cục diện chiến tranh ở Đông Dương. Vì vậy, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được khai mạc tại Giơnevơ. Dưới tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ và sự đấu tranh quyết liệt của chúng ta, các hiệp định đình chiến chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký kết. Và cuối cùng, Hội nghị đã cam kết đưa ra bản tuyên bố chung về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như hai nước Lào và Campuchia.
Toàn cảnh hội nghị Giơnevơ năm 1954, Ảnh: internet
Như vậy, chúng ta thấy rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa quyết định đến nền độc lập, tự do của Việt Nam mà còn có ảnh hưởng hết sức to lớn đến cách mạng của hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Thủ tướng Xuphanuvông (Lào) đã từng đánh giá: “Chiến thắng Điện Biên Phủ có ảnh hưởng và giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến chung của ba nước Việt- Miên- Lào và đối với phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới hiện nay” [2].
Trong bức điện của Mặt trận dân tộc thống nhất Khơme gửi các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tại mặt trận Điện Biên Phủ cũng đã khẳng định: “Thắng lợi của các anh em ở mặt trận Điện Biên Phủ chẳng những đã tiêu diệt một số quan trọng sinh lực địch mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến chiến trường Khơme chúng tôi nữa”, “Điện Biên Phủ không chỉ đơn thuần là một thắng lợi quân sự của những người anh em Việt Nam. Điện Biên Phủ còn có giá trị về mặt củng cố sự hiểu biết, tình đoàn kết và hữu nghị giữa ba dân tộc Đông Dương: Việt Nam, Lào, Khơme” [3].
Đối với các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam là nhân tố quan trọng cổ vũ, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập, tự do. Chính vì thế, sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa Á, Phi, Mỹ Latinh phát triển mạnh mẽ và trở thành một phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân xâm lược rộng khắp. Phong trào đấu tranh đó “được nuôi dưỡng bằng tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ” và tạo một niềm tin chắc chắn cho sự chiến thắng chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa.
Khi đánh giá vai trò của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, Trung ương Đảng Cộng sản Rêuyniông (một thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi) khẳng định: “Nhờ thắng lợi của nhân dân Việt Nam, từ nay một kỷ nguyên mới đã mở ra cho phong trào của các lực lượng giải phóng dân tộc toàn thế giới, mở ra triển vọng giành nhiều thắng lợi mới cho tự do, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, hòa bình và chủ nghĩa xã hội” [4].
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao lần thứ 6 các nước không liên kết tại Lahabana, đồng chí Phiđen Caxtơrô đã nhấn mạnh: “Việt Nam đã chỉ cho các dân tộc bị áp bức thấy rằng không có một sức mạnh nào có thể thắng một dân tộc quyết tâm đấu tranh vì tự do của mình” [5]. Thứ trưởng ngoại giao Cuba, Hécto Rôđrighết Lompác trong chuyến thăm Việt Nam ngày 30/11/1961 đã khẳng định rằng: “Cuộc đấu tranh trước đây của nhân dân các bạn thật là kim chỉ nam đối với nhân dân các nước châu Mỹ chúng tôi bị nô dịch, bị bóc lột, chứng minh hùng hồn cho điều đó là cách mạng của nhân dân Cuba” [6].
Huari Bumêđien, đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Angiêri dân chủ và nhân dân trong một lần sang thăm Việt Nam đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là màn mở đầu cho chiến thắng của chúng tôi và ngay từ đó đã báo hiệu một giai đoạn lịch sử mới” [7]. Đồng chí Ali Yata, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ma rốc nói: “chúng tôi không thể quên rằng chính là nhờ những thắng lợi quân sự và kinh nghiệm quý báu của các bạn cổ vũ mà nhân dân Ma rốc chúng tôi đã cầm vũ khí giành lại độc lập”. Chính nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ đã soi sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc mà các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh vững bước hơn trên con đường giành lại được độc lập, tự do cho dân tộc mình./.
[1] Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới. Nxb. Sự thật, H, 1976, tr.55-56.
[2] Việt Nam- Điện Biên Phủ bản anh hùng ca của thời đại, Nxb. Sự thật, H, 1984, tr.17.
[3] Việt Nam- Điện Biên Phủ bản anh hùng ca của thời đại, Nxb. Sự thật, H, 1984, tr.22.
[4] Sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1977, tr.191.
[5] Việt Nam- Điện Biên Phủ bản anh hùng ca của thời đại, Nxb. Sự thật, H, 1984, tr.32.
[6] Việt Nam- Điện Biên Phủ bản anh hùng ca của thời đại, Nxb. Sự thật, H, 1984, tr.33.
[7] Việt Nam- Điện Biên Phủ bản anh hùng ca của thời đại, Nxb. Sự thật, H, 1984, tr.52.
Trình Duy