Khi Myanmar từ chế độ quân sự chuyển sang nền dân chủ một thập kỷ trước, đó từng được xem là một chiến thắng chiến lược cho Washington. Với mong muốn làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh, Myanmar mở cửa cho các mối quan hệ ngoại giao và thương mại với phương Tây.
Nhưng hôm 1/2, binh lính Myanmar đảo chính giành chính quyền, bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự khác. Kênh truyền hình do quân đội hậu thuẫn sau đó tuyên bố vị tướng hàng đầu của quân đội đang điều hành đất nước.
Quân đội Myanmar tiếp quản chính quyền trong khi Mỹ - Trung đối đầu ngày càng sâu sắc, đặt ra các chiến lược chính sách đối ngoại chống lại nhau. Điều này có thể đẩy Myanmar đến chiến tuyến cuộc cạnh tranh địa chính trị giành vị trí lãnh đạo toàn cầu.
Mỹ xem cách tiếp cận của mình với Myanmar là thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Trọng tâm của Trung Quốc, trong khi đó, phần lớn là các lợi ích kinh tế và chiến lược. Bắc Kinh cũng nói họ có chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Đó là sự khác biệt rõ ràng trong phản ứng của hai quốc gia đối với cuộc đảo chính.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực và tăng khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt. Ông Biden cho biết sẽ tiếp cận các đối tác trong khu vực - một nỗ lực nhằm thể hiện lời hứa dẫn dắt các nền dân chủ trên thế giới chống lại sự độc tài. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/2 chính thức gọi những gì xảy ra ở Myanmar là một cuộc đảo chính.
Trung Quốc, trong khi đó chỉ bày tỏ hy vọng rằng tất cả các bên sẽ "tìm cách giải quyết đúng đắn sự khác biệt của họ".
“Chiến lược của Trung Quốc luôn là 'Chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ ai nắm quyền'”, Yun Sun, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Washington cho biết.
Đối với Bắc Kinh, nước láng giềng Myanmar là cửa ngõ chiến lược vào Ấn Độ Dương và là nguồn cung cấp khoáng sản, gỗ và các tài nguyên khác. Các đường ống dẫn dầu và khí đốt của Trung Quốc chạy từ tỉnh Vân Nam dọc Myanmar đến Vịnh Bengal — tuyến đường Bắc Kinh muốn biến thành hành lang kinh tế rộng lớn hơn với các kết nối đường bộ và đường sắt.
Đối với Washington, Myanmar là nơi mà các quan chức Mỹ nhìn thấy cơ hội để biến một người ngoài cuộc thành đối tác, giành chiến thắng cho nền dân chủ và làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Daniel Russel, cựu chuyên gia cấp cao về châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng cho biết: “Tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với chính quyền mới của Biden đã tăng lên: các biện pháp trừng phạt sẽ không có tác động như mong muốn với quân đội Myanmar".
Ông nói thêm: “Thứ hai, Trung Quốc có thể thuận tiện can thiệp và hỗ trợ quân đội Myanmar trong nỗ lực không ngừng nhằm tối đa hóa ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á".
Việc Mỹ cố gắng thúc đẩy Myanmar xa rời chế độ quân sự - và tách khỏi Bắc Kinh - bắt đầu khi Hillary Clinton còn là ngoại trưởng. Năm 2009, bà đã cử Kurt Campbell đến Myanmar. Campbell lúc bấy giờ là nhà ngoại giao cấp cao về châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, và hiện là chuyên gia châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Biden.
Trong chuyến thăm, ông Campbell gặp bà Suu Kyi, tuyên bố Mỹ sẽ cải thiện quan hệ với chính phủ Myanmar nếu họ thực hiện các bước có đi có lại.
Ngay từ đầu, việc mở cửa đã là một rủi ro có tính toán. Sau khi bà Suu Kyi được dừng quản thúc tại gia và trở thành một nhân vật chính trị, bà Clinton đến Myanmar vào năm 2011. Tổng thống Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm Myanmar vào năm sau.
Phụ thuộc và chống phụ thuộc
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc và Myanmar được cho là ngày càng có quan hệ gần gũi hơn dù ở cả hai nước đều có những thay đổi chính trị. Myanmar tiến gần hơn với Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đảo chính quân sự liên tiếp và các cáo buộc về nhân quyền cô lập nước này với thế giới.
Các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Myanmar, cấm đầu tư, thương mại và du lịch. Bắc Kinh trong khi đó đầu tư vào các lĩnh vực như khai thác tài nguyên và trở thành đối tác thương mại chính của Myanmar.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng khiến các tướng lĩnh Myanmar lo lắng và nhiều nhà phân tích cũng như các cựu quan chức Mỹ tin rằng đó là động lực khiến quân đội nước này chuyển hướng sang nền dân chủ một phần vào năm 2010.
Năm 2011, Myanmar dừng một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Trung Quốc, đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD, công suất 6.000 megawatt ở bang Kachin. Đây là một trong nhiều dự án thủy điện được lên kế hoạch nằm dọc theo các tuyến đường thủy của Myanmar.
Trung Quốc dường như đã tránh xa việc thiết lập quan hệ với bà Suu Kyi, một phần để duy trì mối quan hệ với quân đội. Nhưng với việc các tướng lĩnh có khuynh hướng mở cửa đất nước và bà Suu Kyi có thể trở thành một nhân vật chính trị tầm cỡ hơn, Bắc Kinh lại đặt nền móng cho mối quan hệ mới.
Trung Quốc tổ chức các chuyến đi tài trợ cho các đảng viên, trong đó có bà Sandar Min, thuộc đảng của bà Suu Kyi, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Bà Sandar đến thăm Trung Quốc 5 lần kể từ năm 2012, tìm hiểu về các chủ đề từ phát triển kinh tế, hệ thống tư pháp đến phục hồi sau động đất. Theo bà, hàng trăm đảng viên khác đã đi những chuyến tương tự.
Kể từ năm 2013, các chính trị gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các thành viên của xã hội dân sự và các nhà báo Myanmar nhận được ít nhất 1.000 lời mời đến thăm Trung Quốc, theo Viện Chiến lược và Chính sách, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Yangon, Myanmar.
Năm 2015, Myanmar tổ chức cuộc bỏ phiếu bước ngoặt và đảng NLD của bà Suu Kyi nắm quyền kiểm soát chính phủ dân sự. Quân đội dù vậy vẫn giữ các bộ chủ chốt, tạo ra sự chia sẻ quyền lực tạm thời.
Bà Suu Kyi thăm Bắc Kinh vào tháng 8/2016, chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. “Điều đó cho thấy cơn ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc không bị thành hiện thực: NLD mà Trung Quốc lâu nay xem là do phương Tây bảo trợ hay thậm chí điều khiến, không toàn tâm toàn ý quay về phía phương Tây”, Mary Callahan, Phó giáo sư Nghiên cứu Quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Henry M. Jackson nói.
Khi bà Suu Kyi chuẩn bị thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhà Trắng vào tháng sau, gặp Tổng thống Obama, câu hỏi đặt ra là: Liệu Mỹ có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các tướng lĩnh đã giam bà trong nhà hơn 10 năm và kiềm chế nền dân chủ hay không?
Trong chính quyền Obama khi đó có cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ nhân quyền, cho rằng quân đội Myanmar làm chưa đủ (để dỡ bỏ trừng phạt), và các trợ lý Nhà Trắng cùng các chuyên gia Đông Á, những người nhìn thấy cơ hội thay đổi.
Những người chỉ trích việc Mỹ dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt bao gồm Tom Malinowski, giám đốc nhân quyền của Bộ Ngoại giao, hiện là nghị sĩ đảng Dân chủ từ New Jersey, và Samantha Power, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, người được ông Biden đề cử điều hành Cơ quan Phát triển Quốc tế. Họ nói rằng điều đó sẽ làm mất đi sự kiềm chế đối với các vị tướng quân đội.
Hy vọng lớn
Ông Obama đứng về phía những người lạc quan, chấm dứt hầu hết các lệnh trừng phạt và lệnh cấm hỗ trợ của Mỹ. Tại cuộc gặp với bà Suu Kyi, Phó Tổng thống khi đó là ông Biden hoan nghênh những tiến bộ mà Myanmar đạt được trong việc xây dựng một nền dân chủ và thảo luận về sự hợp tác trong tương lai mà ông hy vọng sẽ đi theo quyết định của ông Obama.
Trong những năm đầu tiên, Suu Kyi tập trung nhiều vào việc giải quyết các xung đột sắc tộc, và trong lĩnh vực đó, Trung Quốc, được cho là có quan hệ với các nhóm dân tộc có vũ trang ở biên giới Myanmar, là đối tác quan trọng.
Năm 2017, quân đội Myanmar phát động chiến dịch quân sự khiến hơn 740.000 người Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, một số quan chức Mỹ muốn tiếp tục can dự ngoại giao. Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc bà Suu Kyi không lên án vụ việc người Rohingya đã khiến bà trở thành một nhân vật ít thiện cảm hơn và làm phức tạp những nỗ lực khuyến khích dân chủ ở Myanmar.
Derek Mitchell, đại sứ Hoa Kỳ tại Myanmar từ năm 2012 đến năm 2016 và hiện là chủ tịch của Viện Dân chủ Quốc gia cho biết: “Họ đã bị cản trở bởi câu hỏi Rohingya”.
Các nhà lập pháp và các nhóm nhân quyền buộc chính quyền phải phản ứng mạnh mẽ. Ông Mitchell nói, nếu không tiếp tục gắn bó ngoại giao, mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Khi Myanmar mở cửa với phương Tây, nhiều người nghĩ rằng đây sẽ là một thị trường mới nóng bỏng cho các doanh nghiệp Mỹ. Chính quyền Obama hy vọng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ mở đường cho các công ty Mỹ đầu tư và trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi dân chủ hơn.
Nhưng các doanh nghiệp phương Tây không đạt được nhiều tiến bộ, trước tiên là do sự thay đổi kinh tế chậm và môi trường quản lý khó khăn và sau đó là do cuộc khủng hoảng Rohingya mang lại rủi ro về danh tiếng và khả năng bị trừng phạt trở lại. Thay vào đó, phần lớn đầu tư đến từ Trung Quốc và các nước châu Á khác, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Tại Myanmar, các phụ tá của bà Suu Kyi cảnh báo các đại sứ phương Tây rằng áp lực lên nước này đang đẩy nước này xích lại gần Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên tiếng ngăn cản các nỗ lực của phương Tây nhằm đưa ra một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu chấm dứt đối xử bạo lực với người Rohingya. Hội đồng đã đưa ra một tuyên bố không ràng buộc.
Văn phòng của bà Suu Kyi, sau đó đã cảm ơn những người "đã duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền".
Vào tháng 1 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm tới Myanmar, chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc trong gần hai thập kỷ. Ông ký một loạt các thỏa thuận để khởi động Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính phủ của bà Suu Kyi không hẳn cho Bắc Kinh mọi thứ họ muốn. Myanmar thu nhỏ một dự án cảng quan trọng đối với lợi ích của Trung Quốc và không nhanh chóng thông qua các sáng kiến lớn khác. Tuy nhiên, các khoản đầu tư nhỏ hơn vào khai thác và năng lượng vẫn được tiến hành.
Một công ty theo dõi đầu tư của Viện Chiến lược và Chính sách có trụ sở tại Yangon thống kê được ít nhất 34 dự án do Trung Quốc hỗ trợ ở Myanmar, trị giá khoảng 24 tỷ USD, ở các giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm các mỏ vàng và các dự án thủy điện.
Gregory Poling, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng chính quyền Obama đã đúng khi tạo động lực để Myanmar tiếp tục mở cửa. Vấn đề lúc này là Washington chỉ có ảnh hưởng hạn chế, ông nói.
Nguồn: vtc.vn