Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden dần định hình chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Từ các phát biểu, cách ông lựa chọn bộ máy nội các, các quyết sách và hành động thực tế cho thấy chính sách đối ngoại của Biden sẽ có nhiều điểm khác biệt với cựu Tổng thống Donald Trump.
Khác với nước Mỹ thời ông Trump tiếp quản Nhà Trắng lựa chọn bảo hộ, đối đầu với hầu hết các cường quốc, ông Biden định hình đường hướng nước Mỹ theo lập trường ưu tiên “chủ nghĩa đa phương”, gắn kết nước Mỹ với phần còn lại của thế giới để cùng phát triển. Đặc biệt, củng cố và tăng cường quan hệ với đồng minh và đối tác, tập hợp liên mình nhằm kiềm chế, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.
Khác biệt với Trump
Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm trụ sở Bộ Ngoại giao và có cuộc gặp với tân Ngoại trưởng Antony Blinken cùng các nhân viên ngành ngoại giao Mỹ đầu tháng 2, Tổng thống Biden nhấn mạnh “Nước Mỹ đã trở lại”. Theo đó, ông Biden cam kết về một kỷ nguyên mới đối với nước Mỹ, khẳng định nước Mỹ sẽ cạnh tranh từ một vị thế có sức mạnh bằng cách tái thiết trong nước, hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời đổi mới vai trò của Washington trong các thể chế quốc tế và giành lại uy tín và quyền lực đạo đức.
Bài phát biểu đã thể hiện rõ sự khác biệt so với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump, và điều này càng được thể hiện rõ nét hơn sau khi Mỹ hôm 4/3 công bố“Chỉ dẫn chính sách đối ngoại tạm thời”. Có thể nói, đây là những hướng dẫn ban đầu cho các cơ quan chức năng của Mỹ về việc thực thi chính sách đối ngoại của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Theo Tiến sĩ Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, có rất nhiều điểm mới trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden so với thời Trump.
Chính quyền Biden hướng đến việc khôi phục lại vị thế, ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế với chủ trương ‘Nước Mỹ đã quay trở lại’, trong khi đó ông Trump chủ trương ‘Nước Mỹ trên hết’. Ông Trump xây dựng nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập, đặt lợi ích của nước Mỹ lên trước tiên. Vì vậy, chính sách đối ngoại của ông đều đi theo đường hướng này. Quan điểm cá nhân được thể hiện rất rõ nét trong chính sách đối ngoại thời gian ông Trump nắm quyền. Điều này được phản ánh qua việc ông Trump rút Mỹ khỏi các chính sách và điều ước quốc tế.
"Ông Biden cho rằng, chính sách như vậy làm suy yếu sức mạnh và tập hợp lực lượng của Mỹ trên trường quốc tế. Vị thế nước Mỹ vốn bị suy giảm nghiêm trọng dưới thời Trump. Vì thế, ông chủ trương ‘Nước Mỹ đã quay trở lại’, đưa Mỹ tái hòa nhập lại cộng đồng quốc tế, tham gia vào các tổ chức quốc tế điều đó thể hiện quan điểm đa phương.
Chính sách của Trump cô lập nước Mỹ, gây bất lợi cho vị thế của Washington và vị thế trên toàn cầu. Việc Mỹ rút lui khỏi các thỏa thuận quốc tế rất nguy hiểm, tạo cho Trung Quốc - một quốc gia mà Mỹ được coi là đối thủ cạnh tranh lấp vào vị trí chỗ trống ấy. Do đó, ông Biden muốn Mỹ tài tham gia vào các thỏa thuận khu vực và quốc tế”, ông Phạm Cao Cường cho hay.
Theo chuyên gia Phạm Cao Cường, điểm khác biệt đáng chú ý trong chính sách đối ngoại giữa chính quyền Trump và Biden đó là ông Trump dường như không coi trọng vấn đề dân chủ, nhân quyền song ông Biden coi trọng các giá trị này.
“Dưới thời ông Biden, Mỹ sẽ quay trở lại các giá trị truyền thống, đặc biệt là củng cố các thể chế dân chủ vì ông cho rằng việc củng cố các thể chế dân chủ giúp giảm bớt các xung đột, giảm bớt các va chạm về văn hóa, giá trị lợi ích quốc gia và giúp nước Mỹ giữ vững hình ảnh, củng cố được giá trị của mình trên thế giới.
Trong chính sách đối ngoại của Mỹ cũng nhấn mạnh, nước Mỹ đã quay trở lại và khôi phục các trụ cột và giá trị của nước Mỹ. Chính sách này cho thấy Mỹ thận trọng trong để tạo ra tư tưởng, quan điểm chung để các bộ, ban, ngành của Mỹ vạch ra các định hướng nhất quán về chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông Biden muốn sử dụng tất cả nguồn lực của Mỹ để bảo vệ các lợi ích của Mỹ và đối phó với các đe dọa.
Đáng chú ý, chính quyền Biden cũng tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết các thách thức của thế giới. Tuy nhiên, biện pháp quân sự chỉ giải quyết nếu như các biện pháp ngoại giao bất thành. Các biện pháp ngoại giao được đặt lên hàng đầu”, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ phân tích.
Chỉ ra nguyên nhân của sự khác biệt trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Biden khác với thời Trump, Tiến sĩ Phạm Cao Cường cho rằng, chính sách của chính quyền Biden hiện chịu sự tác động từ quan điểm của một số nhân vật như Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken hay một số quan chức khác ở trong chính quyền.
“Ông Antony Blinken từng chỉ trích mạnh mẽ đường lối chính sách đối ngoại của Mỹ và chính sách biệt lập dưới thời Trump, cho rằng điều này làm giảm hình ảnh của Mỹ. Còn Jake Sullivan cho rằng, trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại, bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ cần phải có sự hợp tác đa phương. Hợp tác đa phương sẽ tạo cho nước Mỹ lợi thế từ sức mạnh tập thể để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào, kể cả sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và việc Mỹ quay trở lại trường quốc tế sẽ tạo cho nước Mỹ một sức mạnh tập thể, thay vì nước Mỹ đơn phương đối phó với các thách thức toàn cầu", ông Phạm Cao Cường cho hay..
Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden có nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm, trong khi ông Biden thể hiện quan điểm đa phương - muốn đưa nước Mỹ tái hòa nhập lại cộng đồng quốc tế, tham gia vào các tổ chức quốc tế, thì ông Trump cô lập nước Mỹ với chính sách “nước Mỹ trên hết”.
TS Phạm Cao Cường
Hợp lực liên minh đối chọi Trung Quốc
Sau hội đàm giữa quan chức Mỹ - Trung Quốc lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden hôm 18/3, quan điểm về chính sách của Washington đối với Bắc Kinh đã thể hiện rất rõ . Theo đó, Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề cùng chung lợi ích, cạnh tranh khi cần cạnh tranh và đối kháng ở những vấn đề cần phải đối kháng.
Trước đó, nội dung “Chỉ dẫn chính sách đối ngoại tạm thời của Mỹ” cũng cho thấy, chính quyền Tổng thống Joe Biden coi "sự cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc" là thách thức chính mà Mỹ sẽ phải đối mặt trong thế kỷ này.
Trong cách tiếp cận chính sách đối với Bắc Kinh, chính quyền Biden bước đầu phát đi các tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn của cựu Tổng thống Trump, song Washington sẽ không “đơn thương độc mã”mà sẽ phối hợp với các đồng minh để đối chọi với Trung Quốc.
Tuyên bố về chính sách đối ngoại của Ngoại trưởng Antony Blinken 4/3 đưa ra 8 cái trụ cột về chính sách đối ngoại, trong đó nhấn mạnh đến giá trị dân chủ, nhân quyền trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong 8 trụ cột này, mục tiêu để đối phó với Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng đặt ở vị trí cuối cùng (thứ 8 trong các ưu tiên).
Chuyên gia Phạm Cao Cường nhận định, “điều đó cho thấy, xu hướng của chính quyền Biden muốn Trung Quốc tham gia hòa nhập vào thị trường quốc tế song Mỹ vẫn có thể cạnh tranh để đảm bảo lợi ích của Mỹ. Đối với Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, trong một số tuyên bố, ông này cũng cho rằng Mỹ cần phải tăng cường hơn nữa trong các quan hệ đồng minh, phải tìm ra một giải pháp phù hợp để đối phó với Trung Quốc”.
Theo ông Cường, chính quyền Trump đặt nặng vấn đề mối đe dọa của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng, đe dọa lợi ích của Mỹ, nhất là các thỏa thuận thương mại của Trump đối với thế giới. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Jake Sullivan và ông Antony Blinken, Washington cần phối hợp với các đồng minh để đối phó với Bắc Kinh.
Sự tập hợp lực lượng, hợp sức nhằm đối phó với Trung Quốc của chính quyền Biden được thể hiện rất rõ sau động thái Mỹ và các đồng minh đồng loạt áp đặt lệnh trừng phạt với Bắc Kinh. Theo đó, hôm 22/3, Mỹ và các đồng minh EU, Canada và Anh lần lượt công bố lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương. EU, Canada và Anh cùng trừng phạt 4 quan chức Trung Quốc với hình thức đóng băng tài sản và cấm đi lại. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng bổ sung Trần Minh Quốc và Vương Quân Chính vào danh sách trừng phạt trước đó của họ.
Mặc dù lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh đối với Trung Quốc được các nhà quan sát nhận định mang nặng tính biểu tượng, song động thái này thể hiện rõ quan điểm của chính quyền Biden,hợp tác cùng đồng minh để đối chọi với Bắc Kinh và bước đầu đã cho thấy kết quả. Quan điểm này sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Đòn trừng phạt phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh cùng một số diễn biến khác cho thấy xu hướng tập hợp lực lượng của mỗi bên đang diễn ra cấp tập sau cuộc đối thoại Mỹ - Trung ở Alaska. Không chỉ cùng trừng phạt về Tân Cương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã dự họp cùng ngoại trưởng các nước NATO, kêu gọi tăng cường hợp tác để giải quyết các thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Cơ hội cho các quốc gia
Theo chuyên gia Phạm Cao Cường, hiện nay, các quốc gia đang xem xét đường hướng chính sách đối ngoại của Mỹ. Những động thái gần đây của chính quyền Biden phản ánh Washington muốn hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đem lại cơ hội cho các nước trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ.
“Trong các tuyên bố của ông Biden, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken đều nhấn mạnh đến vai trò của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy, nhiều khả năng Mỹ tiếp tục coi trọng vai trò của khu vực này, cho rằng cần phải duy trì‘Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở’.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn phải phối hợp với các quốc gia khác. Do đó, sự tham gia, phối hợp của các quốc gia, các thể chế trong chính sách này của Mỹ ở khu vực sẽ được tăng cường. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các nước đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Sự can dự của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Biden là cơ hội để Washington và các nước trong khu vực có sự trao đổi thẳng thắn, với tinh thần xây dựng thay vì đối đầu, kiềm chế", ông Phạm Cao Cường cho hay.
Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, chính quyền Biden coi trọng việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống như vấn đề khí hậu, môi trường hay cả vấn đề Biển Đông. Mỹ sẽ tăng cường thể hiện vai trò, lên tiếng đối với các mối đe dọa chung, điều này đòi hỏi các quốc gia cần có sự thích ứng để tăng cường hợp tác với Mỹ.
"Đối với an ninh khu vực có nhiều dấu hiệu cho rằng, chính quyền của ông Biden tiếp tục các mục tiêu đã đề ra trong chính sách của Mỹ trước đây. Theo đó, Mỹ vẫn duy trì nguyên tắc tự do hàng hải, thiết lập trật tự quốc tế ở khu vực, dùng các biện pháp quốc tế để giải quyết các thách thức trong khu vực", Tiến sĩ Cường nhận định.
Dưới thời Biden, Mỹ chủ trương kêu gọi các quốc gia cùng chung tiếng nói để đối phó với các thách thức. Một khi các quốc gia trong khu vực cùng tham gia vào lời "hiệu triệu" của Mỹ thì môi trường an ninh khu vực sẽ có những tác động nhất định. Một mặt, chủ trương này của Mỹ sẽ tạo được tiếng nói đồng thuận trong các vấn đề chung của khu vực. Tuy nhiên, nếu Mỹ có những hành động làm gia tăng căng thẳng thì cần phải có tiếng nói đồng thuận hơn giữa các quốc gia, hướng đến lợi ích khu vực.
“Chiến lược an ninh tạm thời Mỹ cho rằng, Washington cần phải hợp tác với các đồng minh trong khu vực gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, song hai đối tác mà Mỹ hướng đến đó là Việt Nam và Singapore. Ngoài ra, một phản ứng trong vấn đề về dân chủ và nhân quyền của Mỹ cũng tác động tới môi trường an ninh của khu vực”, chuyên gia Phạm Cao Cường nhận định.
Nguồn: vtc.vn