Bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời đã được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 3/3. Có gì đáng chú ý từ văn bản này?
Trước hết, văn bản “tạm thời” trên đóng vai trò truyền tải tầm nhìn của Tổng thống Joe Biden về cách thức nước Mỹ can dự với thế giới, đồng thời cung cấp hướng dẫn cho các bộ, ngành, cơ quan Mỹ về hành động khi Washington đang xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia.
Đây có thể coi là văn bản tổng thể đầu tiên về chính sách đối ngoại được chính quyền mới công bố.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến trình bổ nhiệm các quan chức ngoại giao cấp cao tại Bộ Ngoại giao, văn bản này phản ánh rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đặc biệt coi trọng việc xây dựng một chính sách an ninh đối ngoại tổng thể, toàn diện và bài bản.
Trong khi đó, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nhiều vị trí cấp cao trong Bộ Ngoại giao vẫn còn trống và bản Chiến lược An ninh Quốc gia chỉ xuất hiện vào cuối năm đầu tiên nhiệm kỳ.
Đây rõ ràng là một sự thay đổi tích cực khi không chỉ khiến các quan chức bộ, ngành, cơ quan đối ngoại của Mỹ dễ dàng hơn trong hoạch định chính sách, mà còn góp phần giúp các quốc gia đồng minh, đối tác phần nào nắm bắt tầm nhìn của Washington.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến trình bổ nhiệm các quan chức ngoại giao cấp cao tại Bộ Ngoại giao Mỹ, văn bản này phản ánh rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đặc biệt coi trọng việc xây dựng một chính sách an ninh đối ngoại tổng thể, toàn diện và bài bản.
Thế giới xám màu…
Về nội dung, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã vẽ nên một bối cảnh an ninh toàn cầu ảm đạm.
Đầu tiên, văn bản này nhận định “những thách thức lớn nhất chúng ta phải đối mặt không phân biệt bất cứ đường biên giới hay bức tường nào và cần phải được chung tay giải quyết”.
Đó có thể là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu toàn cầu tăng mạnh, thách thức kỹ thuật số, những gián đoạn nền kinh tế toàn cầu, thảm họa nhân đạo, chủ nghĩa bạo lực cực đoan và khủng bố.
Thứ hai, Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời này cũng cho rằng các nền dân chủ toàn cầu, trong đó có Mỹ, đang bị “bủa vây” bởi khó khăn từ tham nhũng, bất bình đẳng, phân cực, chủ nghĩa dân túy và chuyên chế.
Đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy tâm lý “thân ai nấy lo”, khiến tất cả trở nên cô lập, khó khăn và thiếu an toàn hơn bao giờ hết.
Thứ ba, chính quyền Tổng thống Joe Biden nhận định rằng sự phân bổ quyền lực toàn cầu đang thay đổi, tạo ra nhiều nguy cơ mới.
Các đối thủ lớn của Mỹ là Nga và Trung Quốc đang thử thách sức mạnh của Mỹ và ngăn không cho Washington bảo vệ lợi ích của đồng minh, đối tác toàn cầu, trong khi Triều Tiên và Iran tiếp tục đe dọa an ninh, ổn định của khu vực.
Trong bối cảnh đó, các liên minh, thể chế, thỏa thuận và luật lệ, nền tảng cho trật tự toàn cầu nước Mỹ từng vun đắp, đang đứng trước thử thách thực sự.
Điểm đáng chú ý trong mục này là cách Washington nhìn nhận Bắc Kinh như đối thủ toàn diện, cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực. Đây là điều đã được Ngoại trưởng Antony Blinken một lần nữa nhấn mạnh trong phát biểu cùng ngày tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ.
Thứ tư, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho rằng những bước nhảy vọt về mặt công nghệ mang lại nhiều hứa hẹn cùng thách thức.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, năng lượng sạch, mạng 5G có thể “thay đổi cuộc chơi” và Mỹ cần tái đầu tư, nghiên cứu để duy trì và đẩy mạnh ưu thế về mặt công nghệ, thiết lập luật chơi mới để khẳng định vị thế dẫn dắt.
Và sự “trở lại”
Tuy nhiên, việc đề cập một thế giới xám màu ấy trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời là cách chính quyền ông Joe Biden làm nổi bật lên tầm quan trọng từ sự “trở lại” của Washington trên trường quốc tế.
“Trở lại” là cụm từ thường xuyên xuất hiện trong hai bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Joe Biden kể từ khi nhậm chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ, trước Liên minh châu Âu (EU). Qua bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời, Washington muốn khẳng định cam kết của ông chủ Nhà Trắng không phải nói suông, với vài điểm nhấn chính.
Đầu tiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định sẽ đem lại làn gió mới, hiện đại hóa các quan hệ đồng minh và đối tác trên toàn thế giới, từ châu Mỹ, châu Âu tới Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Đông và châu Phi.
Đáng chú ý, Washington đề cập vai trò ngày càng lớn của khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cụ thể hơn là Việt Nam với tư cách là đối tác khu vực và quốc tế.
Thứ hai, Washington cũng khẳng định sẽ tìm lại vị thế dẫn dắt trong các tổ chức quốc tế, chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và những thách thức chung khác.
Trên thực tế, khi vừa nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, bổ nhiệm cựu Đặc phái viên về chống biến đổi khí hậu John Kerry, tăng ngân sách hỗ trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai chương trình phổ cập vaccine Covid-19 COVAX tới các quốc gia đang phát triển, đẩy mạnh sự tham dự của Mỹ tại Liên hợp quốc, nhóm G7, G20 và EU, đồng thời gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (Nên START) với Nga.
Sự trở lại của Mỹ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế là tín hiệu tích cực, song cần được duy trì, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để phù hợp với tầm nhìn của ông Biden.
Sự trở lại của Mỹ tại diễn đàn khu vực và quốc tế là tín hiệu tích cực, song cần được duy trì, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đáp ứng tầm nhìn của ông Joe Biden.
Thứ ba, Mỹ cam kết sẽ có các quyết định về quốc phòng “khôn khéo và bài bản hơn” và sử dụng lực lượng quân đội “một cách có trách nhiệm”, với ngoại giao là công cụ hàng đầu. Chính quyền của ông Joe Biden cam kết sẽ chỉ sử dụng vũ lực “như là biện pháp cuối cùng” và cam kết sẽ không sa lầy vào những “cuộc chiến vĩnh cửu”.
Tuy nhiên, cuộc không kích bất ngờ do quân đội Mỹ tiến hành rạng sáng ngày 26/2 nhắm vào các lực lượng do Iran hậu thuẫn tại Syria có lẽ cho thấy cách tiếp cận mang tính “cây gậy và củ cà rốt” hơn tại Trung Đông của Mỹ thời gian tới.
Thứ tư, chính quyền của ông Joe Biden cam kết rằng sẽ xây dựng một chính sách kinh tế và thương mại phục vụ cho toàn bộ người dân Mỹ, thay vì chỉ một số ít, đảm bảo rằng các nguyên tắc của nền kinh tế toàn cầu không đi ngược lại với lợi ích của nước Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ cùng đồng minh cải tổ Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) vì việc làm Mỹ và giá trị mà nước này chia sẻ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Washington sẽ sử dụng lá bài cân bằng thương mại và thị trường tự do để tiếp tục gây sức ép với các quốc gia đối thủ khác.
Thứ năm, chính quyền ông Joe Biden cam kết sẽ cùng đồng minh chống lại “sự hung hăng” của những đối thủ và những thách thức mới, thổi làn gió mới vào hệ thống nền dân chủ trên toàn cầu, thậm chí xem xét tổ chức hội nghị các nền dân chủ toàn cầu để mở rộng hợp tác.
Tuyên bố này tạo cơ sở để Washington kết hợp với đồng minh, mạnh tay sử dụng tất cả các công cụ hiện có để trừng phạt Trung Quốc thông qua chống gian lận thương mại, đánh cắp thông tin tới lên án vấn đề nhân quyền Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong (Trung Quốc); cải thiện quan hệ với Đài Loan (Trung Quốc); ủng hộ láng giềng của Bắc Kinh duy trì độc lập về mặt chính trị, bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cuối cùng, chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa nhận rằng tất cả những cam kết trên chỉ có thể thực hiện nếu như Washington có thể củng cố sức mạnh ở trong lòng nước Mỹ, khôi phục lòng tin của người dân vào nền dân chủ Mỹ thông qua phòng chống hiệu quả đại dịch Covid-19, khôi phục tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và tăng cường sức mạnh quốc phòng.
Lý thuyết và hành động không phải lúc nào cũng song hành và Washington rõ ràng còn hành trình dài phía trước để hiện thực hóa tầm nhìn về sự “trở lại” của Mỹ dưới thời ông Joe Biden./.
THeo Báo Quốc tế