Là một phần trong chiến dịch chống lại sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có chuyến công du đến Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia.
Giới chức Ấn Độ cho hay, trong chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo, Ấn Độ và Mỹ dự kiến sẽ ký một thỏa thuận cho phép New Delhi truy cập vào dữ liệu vệ tinh nhạy cảm của Washington, giúp cải thiện khả năng phát hiện mục tiêu tên lửa và máy bay không người lái.
“Mỹ mong muốn tăng cường quan hệ quan trọng với đối tác, nhấn mạnh cam kết sâu sắc của chúng tôi đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như thúc đẩy tầm nhìn chung về quan hệ đối tác lâu dài và thịnh vượng trong khu vực”, Dean Thompson, Phó Trợ lý Cục các vấn đề Nam và Trung Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay.
Mỹ đang gia tăng áp lực ngoại giao đối với Trung Quốc trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump ngày cảng tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh, coi đây là một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông để đảm bảo tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.
Trong tháng này, Ngoại trưởng Pompeo đã có cuộc họp với người đồng cấp đén từ Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tại Tokyo - nhóm “Bộ tứ” (QUAD), thúc đẩy các nước tăng cường hợp tác trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Washington xem QUAD là bức tường thành chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Greg Poling, chuyên gia an ninh hàng hải tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết: “Đây là chính sách đối ngoại chống Trung Quốc của ông Pompeo. Chính quyền Trump ngày càng đẩy mạnh hợp tác nhóm QUAD, thắt chặt quan hệ với Đài Loan, tăng cường sự quan tâm đối với Biển Đông và hơn thế nữa”.
Tháng tới, Ấn Độ sẽ tổ chức tập trận mang tên Malabar 2020 - cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong nhiều năm, cùng với các thành viên QUAD khác. Quyết định của Ấn Độ về việc mở rộng các cuộc tập trận được đưa ra vào thời điểm nước này đang bế tắc quân sự ở biên giới đất liền tranh chấp với Trung Quốc.
Hàng nghìn binh sĩ đang áp sát ở phía Tây dãy Himalaya - nơi Ấn Độ cho biết quân đội Trung Quốc đã xâm nhập qua biên giới trên thực tế của họ. Bắc Kinh bác cáo buộc, nói rằng Ấn Độ đã và đang xây dựng cầu đường và các cơ sở hạ tầng khác trong khu vực tranh chấp, gây ra cuộc khủng hoảng giữa hai bên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 23/10 cho biết, Mỹ đang bắt nạt các nước chọn bên, nhưng những nỗ lực như vậy sẽ thất bại.
Nguồn: vtc.vn