Khi mọi việc ổn định, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ cùng các lãnh đạo EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt tại thành phố Leipzig, Đức, vào ngày 14/9.
Các nhà ngoại giao Đức cho biết địa điểm trên được lựa chọn vì mối quan hệ lịch sử của Đông Đức trước đây với Trung Quốc. Theo họ, Thủ tướng Merkel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, đã dồn nhiều tâm sức cho thành công của hội nghị thượng đỉnh tháng 9.
Thực tế, việc kéo Trung Quốc đến gần với các giá trị của châu Âu về nhân quyền, biến đổi khí hậu và chủ nghĩa đa phương luôn được coi là một di sản đối với bất kỳ lãnh đạo nào.
Dù hội nghị thượng đỉnh Leipzig chưa thể là cú hích đột phá trong mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc, mức độ được quan tâm của nó vẫn khiến không ít người đặt kỳ vọng.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang thiết lập lại suy nghĩ của người châu Âu về Trung Quốc, bình luận viên Luke McGee từ CNN nhận định.
"Tôi nghĩ Covid-19 là lời nhắc nhở cần thiết đối với các nước châu Âu rằng dù tiền của Trung Quốc rất hấp dẫn, họ vẫn là một đối thủ hệ thống của chúng ta", Steven Blockmans, lãnh đạo ban chính sách đối ngoại EU thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, đánh giá.
Blockmans đề cập tới một thông cáo chung được Ủy ban châu ÂU (EC) đưa ra hồi tháng ba năm ngoái, mô tả Trung Quốc là "một đối thủ hệ thống thúc đẩy các mô hình quản trị thay thế".
Giữa đại dịch, mô hình chính phủ này của Trung Quốc đang gây lo ngại cho giới chức EU.
Tháng trước, Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu đăng một báo cáo về tình trạng thông tin nhiễu loạn xung quanh Covid-19, cho biết "các nguồn chính thức và được nhà nước hậu thuẫn từ nhiều chính phủ khác nhau, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, ở mức độ thấp hơn, đang bắt đầu tuyên truyền rộng rãi những thuyết âm mưu và thông tin sai lệch".
Vài ngày trước, Politico Europe đăng đoạn trích từ cái mà họ gọi là một bản dự thảo, trong đó cáo buộc đích danh Trung Quốc đang tiến hành "một chiến dịch làm sai lệch thông tin toàn cầu nhằm làm chệch hướng những lời đổ lỗi hướng về phía họ liên quan đến sự bùng phát đại dịch, đồng thời cải thiện hình ảnh quốc tế của họ".
Một phát ngôn viên cơ quan phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU cho biết văn bản mà Politico trích dẫn thực tế không phải một dự thảo báo cáo.
Dù sự thật là gì, câu chuyện trên cho thấy rõ ràng tâm lý lo lắng về những hành vi của Trung Quốc đang hiển hiện ở Brussels.
Tuần trước, Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, trong cuộc phỏng vấn với báo Le Journal du Dimanche Pháp, cho biết châu Âu đã "ngây thơ" khi giao thiệp với Trung Quốc. Ông thừa nhận rằng Trung Quốc "có cách hiểu khác về trật tự thế giới".
Hiện tại, rất ít người tin rằng hội nghị thượng đỉnh Leipzig sẽ diễn ra như những gì Thủ tướng Merkel tưởng tượng.
Về mặt thực tiễn, dịch bùng phát đồng nghĩa hai bên không thể gặp mặt trực tiếp. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, tại tòa nhà của Hội đồng châu Âu, thường có khoảng 30 phòng hợp cho các đại diện từ 27 nước thành viện gặp và thảo luận những vấn đề nhạy cảm. "Giờ đây, chỉ còn 10 phòng là đảm bảo được cách biệt cộng đồng", một nhà ngoại giao cho hay.
Velina Tchakarova, người đứng đầu Viện châu Âu và Chính sách An ninh Áo, dự đoán "những hành động của Trung Quốc trong và sau Covid-19 sẽ dẫn đến bất đồng và chia rẽ lớn hơn bên trong các nước châu Âu về cách xử lý mối quan hệ với Bắc Kinh".
Bà lưu ý bất đồng có thể nảy sinh về hàng loạt vấn đề như việc cho phép các công ty Trung Quốc xây dựng mạng 5G hay các quyết định cấp EU về việc ai có thể hay không thể đầu tư vào những quốc gia thành viên.
Vì những lý do trên, hầu hết mọi người đều tin rằng hội nghị thượng đỉnh Leipzig sẽ hoàn toàn bị lu mờ bởi nCoV.
Tuy nhiên, bất chấp mức độ tin tưởng thấp vào sự công khai thừa nhận rằng Trung Quốc là một "đối thủ hệ thống", EU dường như vẫn sẽ cố gắng đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo.
"Covid-19 khiến chúng ta suy nghĩ lại nhưng cùng lúc, chúng ta không thể né tránh Trung Quốc", một nhà ngoại giao EU nói. "Nền kinh tế của tất cả chúng ta phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng từ Vũ Hán và hơn thế nữa. Chúng ta vẫn luôn nói sẽ không có bất kỳ lợi ích nếu chúng ta không giao dịch với họ. Vì thế, vấn đề cứ mãi ở đó".
Một nhà ngoại giao Đức khác cho rằng "ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng nhưng không phải từ một phía. Rõ ràng, Trung Quốc cũng cần châu Âu". Chính điều này khiến các quan chức ở Brussels hy vọng họ có thể gây áp lực lên Trung Quốc ở một số vấn đề, như nhân quyền.
Với EU, hợp tác với Trung Quốc có nhiều ý nghĩa hơn chỉ là vấn đề tiền.
"Gia tăng tương tác với Trung Quốc mang đến cho EU cơ hội thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của mình", Blockmans nhận xét, đề cập đến ưu tiên chính sách đối ngoại quan trọng của EU là cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, qua đó giúp EU tự chủ hơn trên trường quốc tế.
Dù vậy, lo lắng về sự minh bạch của Trung Quốc trong đại dịch là một lời nhắc nhở khác về câu hỏi tăng hợp tác với Bắc Kinh thực sự có ý nghĩa gì, theo bình luận viên McGee từ CNN.
Một mặt, tính toán của EU vẫn không đổi. Họ không muốn bị đè bẹp giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc. Mặt khác, lịch sử gần đây cho thấy Trung Quốc là một đối tác thiếu tin cậy, gây chia rẽ quan điểm giữa các quốc gia thành viên EU.
Sớm hay muộn, châu Âu sẽ phải cân nhắc hai thực tế này và quyết định mức độ độc lập ngoại giao với Mỹ đáng giá bao nhiêu, McGee nhấn mạnh.