Nằm ngoài khơi phía nam Ukraine, Crimea được ví như một thiên đường nghỉ dưỡng với bãi biển cát trắng trải dài, thời tiết ôn hòa, con đường mòn lượn quanh những cánh đồng lúa mì, những vườn cây đầy lê và anh đào.
Sau một thời gian thuộc đế quốc Ottoman, Crimea trở thành lãnh thổ của Nga vào năm 1783, dưới thời của Nữ hoàng Catherine II. Với vị trí thuận lợi ở Biển Đen, bán đảo này ngay lập tức trở thành điểm nhấn chiến lược trong kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga vào thời đó.
Crimea có diện tích 26.200km2 và dân số khoảng 2 triệu người, là điểm du lịch nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển, các vách đá ven biển và các nhà máy sản xuất rượu vang.
Crimea nằm trên một phần lục địa phía nam của Ukraine giữa Biển Đen và Biển Azov, ngăn cách với đất liền của Nga ở phía đồng bằng eo biển hẹp Kerch. Do ảnh hưởng từ lịch sử nên phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea là người Nga, sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính.
Đặc biệt, thành phố cảng Sevastopol thuộc Crimea là nơi đồn trú Hạm đội Biển Đen của Nga từ nhiều năm qua và được coi là một căn cứ quân sự giữ vai trò chiến lược quan trọng với Moscow. Bên cạnh vai trò giúp hải quân nước này đảm bảo tầm ảnh hưởng trong khu vực, Sevastopol cũng là cánh cửa duy nhất mở ra Địa Trung Hải cho các tàu chiến của Nga. Năm 2010, Nga và Ukraine đã ký kết một thỏa thuận gia hạn quyền hiện diện của hạm đội Nga ở Crimea cho đến năm 2042.
Với những ý nghĩa quan trọng này, Crimea từng được ví như "viên ngọc quý trên chiếc vương miện" của Nga. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu không phải vì một quyết định gây tranh cãi cách đây hàng chục năm khiến quan hệ Nga và Ukraine rạn nứt.
Crimea vốn thuộc Nga kể từ năm 1783, cho tới ngày 19/2/1954 khi nó trở thành "món quà" Tổng Bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev dành tặng nước Cộng hòa Xô Viết Ukraine. Đây là món quà nhằm kỷ niệm 300 năm ngày Ukraine ký hiệp ước Pereiaslav, thống nhất với chế độ Nga hoàng.
Vấn đề này được quyết định tại cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trong vòng 15 phút. Hầu hết mọi người đều đồng ý.
Trong nghị quyết, được cơ quan quyền lực cao nhất của Liên Xô thông qua, có thông báo: "Tính đến sự đồng nhất kinh tế, tính gần gũi lãnh thổ và các mối quan hệ văn hóa, xã hội giữa tỉnh Crimea và Ukraine, Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao quyết định: chuyển tỉnh Crimea cho thành viên Ukraine".
Hiến pháp yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý, song cuộc trưng cầu đó không được thực hiện.
Quyết định trao Crimea cho Ukraine đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi về lý do thực sự khiến lãnh đạo Liên Xô "cắt" lãnh thổ này cho Ukraine và liệu đó có phải là quyết định hợp pháp hay không. Một số chuyên gia lịch sử cho rằng, lãnh đạo Liên Xô khi đó có thể đã cho rằng, kể cả trao Crimea cho Ukraine cũng không biến động quá lớn bởi Ukraine vẫn thuộc Liên Xô.
Quyết định trao Crimea cho Ukraine của lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev gây nhiều tranh cãi (Ảnh: AP).
Thời điểm ấy, không ai có thể dự đoán trước được rằng Liên bang Xô Viết sẽ tan rã và Ukraine một lần nữa trở thành một quốc gia độc lập. Chính phủ Ukraine tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô vào tháng 8/1991. Một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này ở Ukraine sau đó cho thấy 90% người tham gia đồng ý với kế hoạch tách ra độc lập.
Khi đó, Ukraine là nơi tập trung sức mạnh nông nghiệp, công nghiệp quốc phòng và quân sự của Liên Xô, cũng là nước đông dân thứ 2 trong liên bang, sau Nga. Vì vậy, việc nước này tuyên bố độc lập có tác động rất lớn, dẫn đến việc Liên Xô tan rã.
Điều quan trọng là Moscow công nhận lãnh thổ của Ukraine bao gồm cả Crimea. Kể từ khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991, Crimea được công nhận là cộng hòa tự trị thuộc Ukraine. Tuy cơ quan lập pháp của vùng này không được ban hành luật nhưng Crimea được tự chủ về ngân sách và có hiến pháp riêng từ năm 1999.
Gần như ngay lập tức sau đó, giữa hai nước đã nổ ra tranh cãi về tương lai của Hạm đội Biển Đen của Liên Xô đóng căn cứ tại Crimea. Đến năm 1997, hai bên mới cơ bản giải quyết được vấn đề này khi đồng ý chia đôi hạm đội.
Nga được thuê căn cứ ở Sevastopol trong 20 năm với điều kiện đồn trú không quá 25.000 binh sĩ và không đưa vũ khí hạt nhân đến đây. Tháng 4/2010, thời gian thuê được gia hạn thêm 25 năm kể từ sau năm 2017.
Sevastopol trở thành điểm "nhạy cảm" trong quan hệ ngoại giao giữa Moscow và Kiev. Đặc biệt, sau khi làn sóng cách mạng màu tràn qua không gian hậu Xô Viết, trong đó có Ukraine vào đầu những năm 2000 nhằm thay thế các chính quyền thân Nga bằng một chính quyền thân phương Tây, nguy cơ quân đội Nga bị đẩy ra khỏi Sevastopol luôn thường trực.
Khi Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev ký hiệp định "tặng" bán đảo Crimea xinh đẹp cho Ukraine, ông cũng không thể ngờ được chính nó đã biến 2 nước Cộng hòa anh em trong Liên bang Xô viết trở thành "kẻ thù không đội trời chung".
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, trao Crimea cho Ukraine là một quyết định sai lầm của lãnh đạo Liên Xô thời trước và ông sẽ nỗ lực "sửa sai".
Để nắm quyền kiểm soát bán đảo Crimea, khi đó đang thuộc Ukraine, Nga đã tiến hành một chiến dịch nhanh gọn và gần như "không tốn một viên đạn nào".
Cuối tháng 2/2014, hàng nghìn binh sĩ Nga bí mật triển khai đến các căn cứ trên bán đảo Crimea. Đây là các căn cứ Nga được phép hoạt động theo hiệp ước ký với Ukraine. Những ngày đầu tháng 3/2014, các binh sĩ Nga mặc quân phục không có phù hiệu, bắt đầu tiến vào giải giáp vũ khí tại các căn cứ Ukraine.
Trong khi đó, hàng nghìn binh sĩ Ukraine tại đây không thể liên lạc về sở chỉ huy. Họ không biết phải tấn công hay hành động như thế nào, cũng không rõ người dân Crimea đứng về phe nào.
Phía Nga đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng, binh sĩ Ukraine chấp nhận đầu hàng có thể ở lại Crimea, hoặc chờ đợi để được về Ukraine. Ước tính 50% số binh sĩ Ukraine đóng quân tại Crimea đã đầu hàng.
Sau này, Tổng thống Putin mới xác nhận, lực lượng được cử đến Crimea là binh sĩ đặc nhiệm của Nga tới để "đảm bảo an ninh khu vực".
Ngày 16/3/2014, chỉ 5 ngày sau khi tuyên bố độc lập khỏi Ukraine, nghị viện Crimea tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Liên bang Nga. Kết quả cho thấy 97% người dân Crimea bỏ phiếu sáp nhập vào Nga, với tỷ lệ 83% người đi bầu. Crimea chính thức trở thành một phần lãnh thổ Nga vào ngày 18/3/2014 sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh đồng phê chuẩn.
Ukraine buộc phải rút toàn bộ lực lượng vũ trang khỏi Crimea. Một tài liệu sau này được Kiev giải mật nói rằng, thời điểm đó, tình báo của họ đã phát hiện từ trước việc Nga đưa hàng chục nghìn binh sĩ áp sát biên giới dưới hình thức diễn tập quân sự và có thể đổ bộ vào Ukraine bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Đức, đã yêu cầu Kiev án binh bất động do lo ngại động binh sẽ kích hoạt một cuộc đổ bộ lớn của quân đội Nga vào Ukraine.
Ukraine và phương Tây đến nay vẫn coi cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp. Để phản đối việc sáp nhập Crimea, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nhắm đến các ngành kinh tế trọng điểm của Moscow.
Vấn đề Crimea càng khoét sâu rạn nứt giữa Nga - Ukraine khi Kiev ngày càng tỏ cho thấy xu hướng ngả theo phương Tây và tỏ rõ mong muốn gia nhập NATO - điều mà Moscow coi là mối đe dọa an ninh sống còn.
Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống và mạng lưới điện, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự đến đây, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga. Moscow được cho là đã trang bị cho Crimea hệ thống chống máy bay không người lái nhằm giảm thiểu mối đe dọa bị tấn công bởi thiết bị này. Nga đưa các tổ hợp S-400 Triumph và Pantsir-S trực chiến ở đây.
"Crimea đã trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm", một tạp chí của Đức từng nhận định năm 2018.
Năm 2018, Tổng thống Nga Putin đã khánh thành cây cầu dài 19km trị giá 4 tỷ USD nối Crimea với Nga qua eo biển này, hay còn gọi là cầu Kerch. Giới chức Moscow gọi đây là một trong những cầu được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới. Điều này là bởi nó có ý nghĩa chiến lược, tạo sự kết nối giữa bán đảo với đất liền Nga.
Trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, cầu Crimea đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Moscow lập tuyến tiếp tế hậu cần cho lực lượng đang kiểm soát ở miền Nam Ukraine. Nga coi Crimea là điểm tập kết binh sĩ, trang thiết bị để tiếp viện cho lực lượng ở miền Nam và miền đông Ukraine - nơi Kiev đang phản công mạnh.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy "pháo đài an ninh" Crimea đang đối mặt với không ít thách thức. Loạt vụ nổ liên tiếp gần đây ở Crimea cùng với những tuyên bố của Ukraine về kế hoạch giành lại bán đảo làm dấy lên đồn đoán rằng Crimea có thể trở thành mặt trận khốc liệt tiếp theo giữa Nga và Ukraine.
Không công khai xác nhận hay phủ nhận đứng sau những vụ nổ, song giới chức Ukraine ám chỉ rằng lực lượng đặc nhiệm của họ đang hoạt động mạnh ở phía sau chiến tuyến của Nga.
Nếu Kiev thực sự đứng sau các cuộc tấn công, điều đó chứng tỏ khả năng của quân đội Ukraine trong việc tận dụng lực lượng kháng chiến và đặc nhiệm bên trong Crimea để tấn công kiểu du kích, gây tổn thất đáng kể về nhân lực và vật lực cho Nga.
Pháo và tên lửa Ukraine đang sở hữu có tầm bắn không đủ nhắm đến các căn cứ của Nga bên ngoài lãnh thổ, do vậy đây có thể là một chiến thuật mới. Chiến thuật này không thể bị đối phó bằng loại hình chiến tranh thông thường cường độ cao mà Nga đang sử dụng.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuần trước cho biết, quân đội nước này đang tìm cách tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ do Nga kiểm soát, đặc biệt là Crimea, nhằm làm suy yếu khả năng của các lực lượng Nga ở tiền tuyến.
Việc các mục tiêu ở Crimea bị tấn công sẽ có ý nghĩa khác đối với Nga so với cuộc chiến ở Donbass và phần còn lại của Ukraine. Theo quan điểm của Moscow, các cuộc tấn công vào Crimea nghĩa là cuộc chiến đã chuyển sang "lãnh thổ của Nga" và có nguy cơ làm leo thang chiến tranh.
Trong khi đó, Kiev tin rằng họ có thể giành lại Crimea bằng vũ khí hiện đại do phương Tây viện trợ. "Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và châu Âu bắt đầu từ Crimea và phải kết thúc với Crimea, thông qua việc giải phóng nó", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố.
Christoph Bluth, giáo sư về quan hệ quốc tế và an ninh tại Đại học Bradford (Anh), nhận định Ukraine đã đạt được những lợi thế nhất định với chiến dịch phản công ở miền Nam và Crimea. Tuy nhiên, Kiev hiện thiếu quân số và trang thiết bị cần thiết cho một cuộc tấn công quy mô lớn và đột phá.
Cuộc chiến càng kéo dài sẽ là gánh nặng không chỉ với Ukraine mà còn cho các đồng minh, đối tác phương Tây. Khi đó, Kiev có thể chịu sức ép lớn hơn nhằm chấm dứt xung đột, chấp nhận nhượng bộ với mục tiêu ít hơn là giành lại toàn bộ lãnh thổ trước đây.
Ngoài ra, triển vọng giành lại Crimea với Ukraine khá mong manh bởi phần lớn dân số của bán đảo nói tiếng Nga, 60% dân số là người Nga. Theo giáo sư Bluth, kết quả cuối cùng sẽ không chỉ phụ thuộc vào chiến dịch quân sự mà còn phụ thuộc vào mong muốn của người dân ở Crimea.
Thay vào đó, giáo sư Bluth cho rằng Crimea có thể trở thành trở ngại lớn cho triển vọng hòa đàm giữa Nga và Ukraine. "Chúng tôi không từ chối đàm phán hòa bình, nhưng những ai phản đối nên nhớ rằng họ càng kéo dài cuộc chiến thì đàm phán sẽ càng khó khăn hơn", Tổng thống Putin tháng trước cảnh báo.
Trong cuộc đàm phán hồi tháng 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ, phái đoàn của Ukraine đã đề xuất thời gian tham vấn 15 năm về tình trạng của Crimea. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ và khẳng định vấn đề Crimea là không thể thương lượng. Nga chắc chắn sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát vùng đất có ý nghĩa chiến lược như Crimea.
Nguồn: dantri.com.vn