Lính Ucraina ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine ngày 8/7. Ảnh: Internet.
Trong 15-20 năm qua, hầu hết các cấu trúc an ninh, quân sự đa phương toàn cầu, toàn châu Âu lần lượt bị tháo dỡ, tan vỡ hoặc chấm dứt hoạt động.
Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) được Tổng thống Mỹ R.Nixon và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L.Brezhnev ký năm 1972 tập trung vào việc giới hạn hệ thống chống tên lửa, chỉ cho phép Liên Xô và Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ với không quá 100 tên lửa đánh chặn xung quanh thủ đô Matxcơva và thủ đô Washington. Với số lượng hạn chế như vậy, mặc dù Liên Xô và Mỹ không ngừng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng trên thực tế không bên nào có khả năng chống trả các cuộc tấn công hạt nhân của đối phương. Điểm yếu không thể khắc phục đó đã buộc cả hai bên phải kiềm chế, bởi bất cứ hành động thiếu thận trọng nào trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân của một bên sẽ dẫn đến thảm họa hủy diệt đôi bên không tránh khỏi. Hiệp ước ABM còn quy định Liên Xô và Mỹ không được nghiên cứu, thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa mới ngoài những gì đã có, từ đó mà giảm tối thiểu sức ép chạy đua vũ trang của hai siêu cường cũng như của châu Âu và toàn thế giới.
Hiệp ước ABM có giá trị đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu, đặt nền móng cho việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân sau này. Ngày 13/6/2002, chính quyền Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước với lý do đã hết hạn 30 năm (1972-2002) theo quy định. Châu Âu và thế giới rơi vào tình thế không còn biện pháp phòng ngừa tấn công hạt nhân !
Hiệp ước Sức mạnh hạt nhântầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty - INF) là một thỏa thuận giữa Liên Xô và Mỹ, được Tổng Bí thư Gorbachev và Tổng thống R. Reagan ký ngày 08/12/1987, có hiệu lực từ ngày 01/6/1988. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hiệp ước quy định các bên tiêu hủy tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung (1.000 - 5.500 km) và tầm ngắn (500-1.000 km) trong vòng 3 năm. Ngày 20/10/2018, Tổng thống D. Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp ước. Đến ngày 01/02/2019, Mỹ chính thức đình chỉ Hiệp ước và Liên bang Nga cũng tuyên bố rút khỏi Hiệp ước vào ngày hôm sau. Châu Âu và thế giới phải chứng kiến xu thế gia tăng kho tên lửa hạt nhân tầm trung, tầm ngắn chĩa thẳng tầm ngắm vào các đối thủ của nhau giữa các cường quốc hạt nhân !
Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF mà họ đã ký với Nga từ năm 1988. Ảnh: Internet.
Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (Treaty on Conventional Armed Forces in Europe - CFE), được ký kết tháng 11/1990 giữa 15 quốc gia thành viên của NATO và 7 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Vácsava ngay trong những năm cuối cùng của chiến tranh lạnh với mục đích loại bỏ nguy cơ xảy ra chiến tranh ở châu Âu bằng cách cắt giảm đáng kể lực lượng chiến đấu thông thường; giới hạn toàn diện đối với các loại thiết bị quân sự thông thường và phá hủy vũ khí dư thừa. Năm 2007, Nga tạm dừng việc tham gia Hiệp ước và ngày 10/3/2015, với lý do NATO nhiều lần vi phạm Hiệp ước, Nga đã chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước. Lực lượng sẵn sàng chiến đấu, trong đó có lực lượng phản ứng nhanh, đồng loạt gia tăng khắp các chiến trường châu Âu !
Hiệp ước Bầu trời mở (Open Sky Treaty - OST) được ký kết vào năm 1992, có hiệu lực thi hành từ năm 2002, là một trong những giải pháp nhằm chấm dứt nghi kỵ, xây dựng lòng tin giữa các cường quốc quân sự thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Tham gia ký kết Hiệp ước có 35 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nga, Canada và Liên minh châu Âu (EU). Theo Hiệp ước, các quốc gia thành viên được tiến hành các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau, nhưng phải thông báo trước 72 tiếng để nước chủ nhà có thời gian phản hồi. Thỏa thuận cho phép các nước tiếp cận, chụp ảnh từ trên không các khu vực của các thành viên còn lại, dù họ không có mạng lưới vệ tinh trinh sát hiện đại. Tháng 5/2020, Mỹ đã khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp ước và tiến trình này đã hoàn tất ngày 22/11/2020. Tháng 01/2021, Nga cũng thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước. Không còn bị giám sát, không còn cơ chế thẩm định, tham chiếu, các cơ sở tác chiến quân sự trên toàn châu Âu mặc sức được xây dựng, củng cố, mở rộng… và lòng tin giữa các bên đối địch xuống thấp đến mức kỷ lục !
Máy bay A-30 của Nga vào lãnh thổ Đan Mạch được 2 tiêm kích nước này giám sát dựa theo Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: Internet.
Hiệp ước mới về Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (Strategic Arms Reduction Treaty- START-3) được Mỹ và Nga ký năm 2010, quy định mỗi nước phải giới hạn ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân, tức là giảm 74% so với hiệp ước START-1 và giảm 30% so với START-2. Số lượng các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân, như tên lửa xuyên lục điạ, tàu ngầm và oanh tạc cơ, được giới hạn ở mức 800 cho mỗi nước. Các bên có trách nhiệm thông báo cho nhau 2 năm một lần về số lượng đầu đạn hạt nhân và các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân. Thời hạn của Hiệp ước là 10 năm tính từ ngày bắt đầu có hiệu lực, sau khi được Quốc hội của hai nước phê chuẩn. START-3 hết hiệu lực vào ngày 05/02/2021 do thái độ của chính quyền Mỹ gây cản trở cho việc gia hạn Hiệp ước. Kho đầu đạn hạt nhân và các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân được mở rộng một cách đáng sợ ở châu Âu và trên thế giới!
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (Organization for Security and Cooperation in Europe -OSCE) có nguồn gốc từ Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (Conference on Security and Cooperation in Europe - CSCE) ra đời từ năm 1973 với mục tiêu, nhiệm vụ cảnh báo, ngăn chặn xung đột, kiểm soát khủng hoảng, kiểm soát vũ khí, thúc đẩy quyền con người, quyền tự do báo chí và bầu cử tự do, củng cố an ninh thông qua hợp tác ở châu Âu. Đến nay, OSCE có 57 quốc gia thành viên: ngoài các quốc gia châu Âu chiếm đa số, có 2 quốc gia Bắc Mỹ (Canada và Hoa Kỳ) và một số nước châu Á (Mông Cổ, Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan...). Cả Nga và Ucraina đều là thành viên của OSCE. Tổ chức an ninh lớn nhất thế giới này hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc phổ biến của quan hệ quốc tế hiện đại, trong đó có nguyên tắc bất khả xâm phạm của các ranh giới hiện tại của các nước châu Âu, không can thiệp, bình đẳng, chủ quyền quốc gia, các quyền tự do cơ bản của con người...
Trong những năm sau chiến tranh lạnh, OSCE gặp nhiều khó khăn, bất đồng trong hoạt động liên quan đến đảm bảo an ninh và hợp tác ở châu Âu. Hội nghị Thượng đỉnh OSCE nhiều lần không nhóm họp được, lần cuối cùng vào năm 2010 và lần trước đó vào năm 1999. Mọi hoạt động của OSCE trong những năm vừa qua chỉ được quyết định bởi Hội nghị Ngoại trưởng các quốc gia thành viên và được điều hành bởi Hội đồng Thường trực, trong đó có Tổng Thư ký OSCE. Ngay ở Ucraina, OSCE cũng thiết lập Phái đoàn Giám sát từ năm 2014 nhưng đến cuối tháng 4/2022 đã phải chấm dứt hoạt động. Toàn châu Âu mất hẳn công cụ thể chế đa phương để bảo đảm an ninh và phát triển của mình !
Đổi lại, châu Âu giàu có và văn minh ngày càng bị rơi vào chiếc ô an ninh do siêu cường Mỹ và các đồng minh phương Tây nắm giữ, đó là Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu ráo riết mở rộng về phía đông, bất chấp mọi nguy cơ, thách thức. Một tư duy và cấu trúc an ninh châu Âu cố tình loại bỏ Liên bang Nga - đó là sai lầm lớn nhất trong chiến lược của Mỹ, phương Tây. Nếu không được khắc phục kịp thời, nó sẽ còn gây nhiều tai họa cho dân châu Âu và thế giới, mà cuộc chiến Nga - Ucraina trong hơn 4 tháng qua chỉ là điểm khởi đầu !
Minh Trí