Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa tìm được tiếng nói chung để tháo “ngòi nổ” của cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới |
“Ngòi nổ” chiến tranh thương mại trước hạn chót
Giới kinh tế đang dõi theo những động thái từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và phía Trung Quốc với sự quan tâm và cả lo ngại sâu sắc khi hạn chót để “tháo ngòi nổ” cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này đang tới gần. Theo đó, ngày 31-12 là thời hạn cuối cùng để Mỹ và Trung Quốc cùng “kiểm điểm” lại việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong trường hợp nếu xét thấy những thỏa thuận này không được thực hiện như cam kết, một cuộc chiến thương mại rất có thể tái bùng phát như thời gian đầu dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đây.
Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump ngay sau khi lên cầm quyền hồi tháng 1-2017 đã thực thi nhiều chính sách đối nội và đối ngoại “phá lệ” so với truyền thống. Trong đó, thực thi nhiều chính sách kinh tế và thương mại cứng rắn chưa từng thấy với những quốc gia, đối tác mà chính quyền ông Donald Trump cho là tổn hại tới lợi ích của nước Mỹ, nhất là xuất siêu lớn vào thị trường Mỹ.
Trong đích nhắm của “đòn tấn công” thương mại dưới chính quyền Donald Trump, Trung Quốc là mục tiêu hàng đầu. Cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được đẩy lên cấp độ cao nhất vào năm 2018 khi cả hai bên cùng thi nhau tung ra các đòn áp thuế nhập khẩu cao lên hàng hóa của nhau. Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng hai quốc gia này mà còn gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu.
Nhằm tránh leo thang thêm trong cuộc chiến tranh thương mại mà không ai là người chiến thắng, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1-2020 đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó kêu gọi những cách cải mang tính cấu trúc với nền kinh tế Trung Quốc và hoạt động thương mại của nước này trong các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ tài chính, tiền tệ và ngoại hối. Đồng thời, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ năm 2020 đến 2021 so với mức năm 2017, coi đó như là giải pháp kéo giảm mức nhập siêu quá lớn hàng hóa Trung Quốc của Mỹ.
Thỏa thuận nêu rõ, nếu Trung Quốc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận, Mỹ có thể hủy mức thuế 7,5% mà họ áp dụng đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 120 tỷ USD, đồng thời giảm mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 31-12 năm nay, song những gì mà Trung Quốc thực hiện cho tới nay là thấp quá xa so với con số mà quốc gia này cam kết. Theo thống kê, tới nay phía Trung Quốc mới chỉ mua khoảng trên 60% lượng hàng hóa đã cam kết theo thỏa thuận.
Vì thế, trong trường hợp Trung Quốc không tuân thủ cam kết theo thỏa thuận, phía Mỹ sẽ áp thuế, tăng thuế rất cao đối với số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ của Trung Quốc nhập vào Mỹ. Khi đó, cuộc chiến thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc có thể lại bùng phát nếu không được “tháo ngòi nổ” kịp thời.
Trung Quốc “rắn”, Mỹ có thể “mềm”?
Nguyên tắc là vậy nhưng xem ra Mỹ và Trung Quốc có thể tìm kiếm được một giải pháp nhằm tránh cuộc chiến tranh thương mại mà hai bên cùng chấp nhận được. Trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 15-11 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã không đạt được bước tiến đột phá nào trong vấn đề thương mại dai dẳng giữa hai cường quốc.
Trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang chịu nhiều áp lực trong nước khi có mức tín nhiệm khá thấp như hiện nay, Washington lúc này rõ ràng không muốn lao vào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, một cuộc chiến chứa đựng những ẩn họa khôn lường. Thế nhưng, những “vũ khí” mà Mỹ có trong tay hiện nay xem ra chưa đủ sức nặng và sự răn đe để buộc Trung Quốc phải thực hiện những cam kết trong thỏa thuận với Mỹ.
Một trong những “đòn tấn công” mà Mỹ thường dùng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là cáo buộc nước này là nền kinh tế phi thị trường. Điều đó có thể thấy qua phát biểu hồi trung tuần tháng 11 vừa khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington đang đánh giá “những công cụ có trong tay đủ khả năng đối phó với hành vi kinh tế phi thị trường mà Bắc Kinh theo đuổi lâu nay”.
Cùng với đó, Washington cũng hay sử dụng áp lực chính trị để các đối tác khác ngừng làm ăn với Trung Quốc. Tuy nhiên, biện pháp này không hiệu quả bởi việc dùng can thiệp chính trị để cản trở hoạt động kinh doanh có thể dẫn tới gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang gặp vô vàn khó khăn do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Biện pháp khác cũng đang được Mỹ cân nhắc là áp thuế thương mại với Trung Quốc. Có thông tin cho rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đang có ý thúc đẩy một cuộc điều tra mới dựa trên Điều 301 Đạo luật thương mại năm 1974 - một động thái có thể dẫn đến việc áp thuế mạnh hơn nữa, song có điều khó là nội bộ chính quyền Mỹ hiện còn bất đồng về chính sách này nên chưa rõ có được tung ra với Trung Quốc hay không.
Trong khi các thứ “vũ khí” nhằm đấu với Trung Quốc không nhiều và không hiệu quả, Mỹ cũng để ngỏ khả năng tìm kiếm một giải pháp hai bên có thể chấp nhận được, đó là cùng giảm thuế trừng phạt đánh vào hàng hóa nhập khẩu của nhau. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Joe Biden trung tuần tháng 11-2021, Chủ tịch Trung Quốc đã nói về “lối thoát” này khi đề cập đến khả năng hai bên nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại để giúp nền kinh tế hai nước phục hồi nhanh hơn.
Mỹ và Trung Quốc có tháo được “ngòi nổ” cuộc chiến tranh thương mại hay không là điều mà không chỉ hai cường quốc này quan tâm mà còn là mong muốn của giới kinh tế và cũng như thế giới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể hạ nhiệt, việc tìm kiếm một lối thoát thương mại sẽ rất khó khăn.
Điều đáng nói là Trung Quốc xem ra không muốn lùi bước, chưa điều chỉnh những chính sách cốt lõi là nguyên nhân tạo căng thẳng trong quan hệ kinh tế Trung Quốc - Mỹ. Trung Quốc “rắn” thì Mỹ khó có thể “mềm” và đó là thử thách khó khăn với chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Nguồn: anninhthudo.vn