Hôm 18/11, trong chuyến công du đầu tiên tới châu Phi trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, khi di chuyển từ sân bay ở ngoại ô thủ đô Abuja của Nigeria vào trung tâm thành phố, đoàn xe hộ tống Ngoại trưởng Antony Blinken đã đi ngang qua trụ sở Phòng thương mại Trung Quốc ở Nigeria. Đó là một tòa nhà mái vòm được thiết kế hoành tráng như một cung điện nằm dọc đường cao tốc.
Một ngày trước đó, khi công du Kenya, đoàn xe của ông Blinken cũng chạy dọc một tuyến đường cao tốc lớn đang xây dựng. Đó là một phần trong Sáng kiến Vành đai, Con đường - một sáng kiến do Trung Quốc đưa ra nhằm tài trợ các dự án hạ tầng lớn khắp châu Á và châu Phi trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Các ký tự Trung Quốc có thể nhìn thấy trên các máy móc, thiết bị hạng nặng khác dọc tuyến đường.
Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Phi đã phủ bóng lên chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken đến các nước ở "lục địa đen" này gồm Kenya, Nigeria và Senegal từ ngày 15-20/11. Chuyến công du là một trong những nỗ lực của Washington nhằm khôi phục tầm ảnh hưởng ở châu Phi vốn sa sút nhiều năm qua.
Châu Phi có diện tích lớn thứ ba thế giới, sau châu Á và châu Mỹ. Châu Âu có khoảng 1,2 tỷ dân với cơ cấu dân số trẻ là nguồn lao động giá rẻ dồi dào.
Đây cũng là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ, tài nguyên khai khoáng và là thị trường nhiều tiềm năng.
Ví dụ, Nam Phi đứng hàng đầu thế giới về trữ lượng vàng và một số kim loại quý hiếm khác. Angola và Cộng hòa Congo nổi tiếng với các tài nguyên như kim cương, nhôm, chì, thiếc, đồng, gỗ. Bờ Biển Ngà là quốc gia sản xuất cacao lớn nhất thế giới. Nhiều nước châu Phi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn như Algeria, Libya, Chad, Sudan, Angola, Nigeria. Trong bối cảnh giá dầu tăng do bất ổn ở Trung Đông, nguồn dầu mỏ ở châu Phi càng có sức hấp dẫn các nước công nghiệp phát triển.
Châu Phi cũng được đánh giá là có vị trí địa chính trị chiến lược. Tại châu Phi, các nước phương Tây đã lập những căn cứ quân sự lớn kiểm soát nhiều tuyến đường huyết mạch trên Biển Đỏ và Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, "lục địa đen" cũng là nơi xảy ra nhiều cuộc xung đột, bạo loạn, phần lớn là những cuộc nội chiến giữa các bộ tộc. Các cuộc nội chiến kéo theo khủng hoảng nhân đạo cùng với dịch bệnh gây ra thách thức không nhỏ cho các nước muốn tận dụng tiềm năng của vùng đất này.
Cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ các lợi ích kinh tế - thương mại là những động cơ chính cho các chiến dịch can thiệp của nhiều cường quốc tại châu lục. Những năm gần đây, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi thông qua các khoản đầu tư, dự án hợp tác, chương trình cung cấp vũ khí hay đào tạo. Trong khi đó, vị thế của Mỹ tại khu vực này có xu hướng giảm sút trong 20 năm qua. Diện mạo trong khu vực cũng vì thế bắt đầu thay đổi trên phương diện hợp tác an ninh - quân sự.
Hai thập niên trước, Mỹ chiếm tầm ảnh hưởng quan trọng ở châu Phi. Các đối tác của Mỹ chiếm 15,5% giá trị thương mại với châu lục này, gấp 4 lần so với của Trung Quốc. Hai mươi năm sau, mọi chuyện đã thay đổi theo chiều ngược lại. Tỷ trọng thương mại của Mỹ tại châu Phi chỉ còn 5,6%, trong khi của Trung Quốc xấp xỉ 26%.
Trong vòng 20 năm qua, giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng 20 lần. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, giá trị thương mại giữa Trung Quốc và "lục địa đen" đã tăng 40,5% trong 7 tháng đầu năm 2021, đạt kỷ lục gần 10 tỷ USD.
Trung Quốc khởi xướng chiến lược "Vươn ra toàn cầu" cách đây khoảng 20 năm, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và tìm kiếm thị trường ở nước ngoài. Kế hoạch đó đã diễn ra nhanh chóng ở châu Phi, đưa Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của lục địa này vào năm 2009.
Vài năm sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) với mục tiêu hồi sinh các tuyến đường thương mại cổ xưa và liên kết các nền kinh tế thành một mạng lưới thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Trung Quốc đang đầu tư ở châu Phi nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Năm 2017, các ngân hàng của Trung Quốc đã cấp vốn 11 tỷ USD cho các dự án hạ tầng ở châu Phi. Con số này tuy có giảm xuống những năm gần đây do xu hướng đầu tư có mục tiêu hơn, nhưng Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất.
Trong thập niên qua, Trung Quốc đã tham gia xây dựng hơn 100 khu công nghiệp và 40% trong số đó đã đi vào hoạt động. Trung Quốc đã hỗ trợ 5.756 km đường sắt, 4.335 km đường cao tốc, 9 cảng, 14 sân bay, 34 nhà máy điện, cũng như 10 nhà máy thủy điện lớn và khoảng 1.000 nhà máy thủy điện nhỏ đã được xây dựng ở châu Phi tính đến cuối năm 2016.
Phần lớn các dự án đường sắt của Trung Quốc ở châu Phi được đánh giá làm thay đổi cục diện ở "lục địa đen". "Ngoại giao đường sắt" đã giúp tăng đáng kể tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở châu lục này khi họ sở hữu nhiều nhà máy, mỏ khai thác khoáng sản.
Ngoài các tuyến đường, nhà máy, Trung Quốc cũng tài trợ cho hàng loạt dự án xây dựng từ trụ sở bộ ngoại giao đến dinh tổng thống ở nhiều nước châu Phi. Các công trình này có thể kể đến như trụ sở Bộ Ngoại giao Kenya, trụ sở Liên minh châu Phi và trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi ở Ethiopia, nhà quốc hội ở Zimbabwe. Đây là một trong những chiến lược ngoại giao quan trọng của Bắc Kinh ở châu Phi, South China Morning Post nhận định.
Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ giáo dục và tác động đến truyền thông của Trung Quốc cũng góp phần giúp Bắc Kinh "chiếm cảm tình" của giới trẻ châu Phi.
Về quân sự, sự hiện diện ở Trung Quốc cũng không ngừng tăng lên trong hai thập niên qua với việc cử quân nhân nhập lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và xây dựng căn cứ quân sự tại đây. Năm 2017 đánh dấu một cột mốc quan trọng của Trung Quốc khi khai trương căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, chỉ cách căn cứ của Mỹ khoảng 7 km và không xa căn cứ của Pháp, Nhật Bản và Italy. Hiện Trung Quốc chỉ có 400 binh sĩ đồn trú tại đây để bảo đảm hậu cần cho các lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động tại vịnh Aden. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, lượng binh sĩ đồn trú tại đây sẽ tăng lên 10.000 người vào năm 2026 khi Bắc Kinh nuôi tham vọng biến vùng lãnh thổ nhỏ bé này thành một tiền đồn quân sự của mình tại châu Phi.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, Bắc Kinh tiếp tục củng cố vị thế địa chính trị ở "lục địa đen" thông qua tăng doanh số bán vũ khí cho các quốc gia trong khu vực, cạnh tranh với Nga và Mỹ. Kể từ năm 2008, các nước châu Phi đã mua khoảng 3,2 tỷ USD vũ khí của Trung Quốc. Sự hiện quân sự và tăng cường bán vũ khí cho các nước châu Phi cũng là một phần chiến lược của Bắc Kinh nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế thương mại của họ ở đây.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng nhanh chóng ở châu Phi thông qua các khoản cho vay cũng làm dấy lên những hoài nghi về chiến lược "bẫy nợ" .
Theo khảo sát của Đại học Johns Hopkins, trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Phi với tổng trị giá lên tới 148 tỷ USD và trở thành bên cho vay song phương lớn nhất của châu lục đen. Với những nước như Angola, Zimbabwe, Cộng hòa dân chủ Congo và Cộng hòa Congo, các khoản nợ được đổi lại bằng quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến 3 nước châu Phi tuần qua được coi là một tín hiệu nữa của chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh dấu sự trở lại "lục địa đen" của Mỹ sau một thời gian dài bỏ qua vai trò của châu lục này.
Trong bài phát biểu ở Abuja, ông Blinken đã phát đi một thông điệp có ý nghĩa quan trọng với chiến lược trở lại của Mỹ, theo đó, Washington sẽ không còn coi châu Phi là quân cờ trong ván cờ cạnh tranh với các siêu cường khác. "Rất nhiều lần, các nước châu Phi bị coi đối tác dưới tầm hoặc thậm chí tệ hơn thế, thay vì được xem là đối tác bình đẳng. Chúng tôi tin rằng, đã đến lúc châu Phi nên được coi như một nhân tố địa chính trị".
Tuy không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc, nhưng ông Blinken tuyên bố, sự hợp tác của Mỹ nhằm cải thiện tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng mà không khiến nước nào phải chịu gánh nặng nợ nần. "Đây không phải là vì Trung Quốc hay vì một ai khác. Đây là vì châu Phi", người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói.
Sau khi bước vào Nhà Trắng hồi đầu năm nay, Tổng thống Biden đã nỗ lực thúc đẩy các chính sách xích lại gần châu Phi hơn nữa. Washington đã hủy bỏ lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân một số quốc gia đạo Hồi tại châu Phi như Chad, Eritrea, Libya, Nigeria, Somalia, Sudan và Tanzania.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng chủ trương đưa Mỹ quay trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Điều này có ý nghĩa đặc biệt với châu Phi - khu vực phải đối phó với nhiều loại dịch bệnh. Mỹ đã cung cấp hơn 70 triệu liều vaccine Covid-19 giúp châu Phi đối phó đại dịch.
Tại hội nghị doanh nghiệp Mỹ - châu Phi lần thứ 13 diễn ra hồi tháng 7, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã tuyên bố khôi phục sáng kiến "Châu Phi thịnh vượng", coi đây như là "trung tâm cam kết kinh tế và thương mại của Mỹ với lục địa đen. Hồi tháng 5, Tổng thống Biden đã đề xuất gần 80 triệu USD cho sáng kiến "Châu Phi thịnh vượng", tập trung vào lĩnh vực phụ nữ và công bằng, mở rộng vai trò cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Châu Phi thịnh vượng" là sáng kiến được đưa ra lần đầu vào năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump nhằm mở rộng đầu tư và thương mại với các nước châu Phi tập trung vào năng lượng sạch, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng giao thông. Sáng kiến này cũng là một phần trong chiến lược của Washington nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ngoài "Châu Phi thịnh vượng", Mỹ cũng đặt mục tiêu đối trọng với BRI của Trung Quốc bằng sáng kiến "Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn" (Build Back Better - B3W) trên cơ sở hợp tác với các nước nhóm G7.
Giáo sư Michael Chege tại Đại học Nairobi (Kenya) cho rằng, chính quyền Biden cũng sẽ hồi sinh nhiều chính sách then chốt từ thời chính quyền của các cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama đối với châu Phi.
Bất chấp những nỗ lực này, một số chuyên gia cho rằng, việc khôi phục vị thế của Mỹ ở châu Phi không hề dễ dàng khi Trung Quốc đã có những lợi thế nhất định ở đây. B3W có thể tạo đối trọng với BRI nhưng vấn đề là B3W mới chỉ đang là sáng kiến, trong khi quy mô của "Châu Phi thịnh vượng" còn khiêm tốn. Hơn nữa, ngoài châu Phi, Mỹ cũng đầu tư nguồn lực cho chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương - một khu vực chiến lược mà Trung Quốc cũng đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng.
Nguồn: dantri.com.vn