Tuyến đường ống đầu tiên của Dòng chảy phương Bắc 2 'đầy khí'. (Nguồn: TASS) |
Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ làm đầy các kho dự trữ khí đốt của châu Âu, nhưng tình trạng thiếu nguồn cung và căng thẳng chính trị đã làm chao đảo thị trường năng lượng, khiến giá của mặt hàng này luôn ở mức cao.
Điều này đã chèn ép các doanh nghiệp và buộc họ phải tăng giá bán cho khách hàng.
Moscow bị cáo buộc lợi dụng tình hình không ổn định để thúc đẩy nhanh chóng việc khởi động đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 mới, vốn đang chờ các cơ quan quản lý của Đức phê duyệt và đã bị Ukraine, Mỹ và một số nước khác chỉ trích.
Với việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu và Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu đó, ông Putin đang có ảnh hưởng nhiều hơn.
Ông Putin cho biết, đường ống mới đã được lấp đầy khí đốt và có thể giúp tăng nguồn cung cấp "ngay ngày hôm sau" khi được phê duyệt.
Dưới đây là những yếu tố quan trọng đằng sau cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu:
Có nhiều lý do. Thứ nhất, mùa Đông lạnh giá làm cạn kiệt lượng khí dự trữ, vốn được sử dụng để tạo ra năng lượng điện và thường được làm đầy lại vào mùa Hè. Năm nay điều đó đã không xảy ra.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng làm tiêu hao nhiều khí đốt hơn do nhu cầu sử dụng điều hòa. Ít gió hơn đồng nghĩa với việc ít điện tái tạo hơn, dẫn đến việc các máy phát điện phải sử dụng nhiên liệu khí đốt.
Hơn nữa, châu Âu nhiều năm qua đã thúc đẩy việc định giá giao ngay theo ngày, thay vì các hợp đồng dài hạn.
Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom do Nga kiểm soát đáp ứng các hợp đồng dài hạn đó, nhưng không bơm thêm khí đốt vượt quá mức.
Giá khí đốt trong tháng 10/2021 cao hơn 7 lần so với đầu năm và gần đây đã giảm xuống chỉ còn cao hơn khoảng 4 lần.
Gazprom đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc xây dựng đường ống dẫn dài 1.234 km từ Nga sang Đức.
Đường ống này sẽ cho phép Nga bán khí đốt trực tiếp cho khách hàng lớn và tránh đi qua Ukraine, vốn phải đối mặt với áp lực không ngừng từ Nga sau vụ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 và sự trợ giúp của Nga đối với phiến quân ly khai Ukraine.
Ngay cả trước khi xảy ra chiến sự hồi năm 2014, Moscow đã nỗ lực đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU), cho rằng hệ thống của Ukraine đổ nát và cáo buộc nước này bòn rút khí đốt.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 15/11 cho biết, ông hy vọng "các nước châu Âu khác nhận ra rằng, sắp tới họ sẽ phải lựa chọn giữa việc tiêu thụ nhiều hơn lượng hydrocarbon của Nga thông qua đường ống khổng lồ mới, với việc ủng hộ Ukraine đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình và ổn định”.
Một số nhà phân tích tỏ ra không mong muốn Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi vào hoạt động trong mùa Đông này, mặc dù đã có suy đoán châu Âu có thể cho phép khí đốt bắt đầu được trung chuyển trong lúc các nhà quản lý xem xét thông qua.
Nguồn: vtc.vn