Một số yếu tố trực tiếp dẫn đến xung đột quân sự Nga-Ukraine
Từ các toan tính lợi ích chiến lược của mình, các bên liên quan trực tiếp (Nga, Ukraine, Mỹ- các đồng minh NATO) đã có những động thái cứng rắn với nhau trong thời gian dài, và khi xuất hiện nhân tố điểm hỏa thì xung đột quân sự đã bùng nổ và ngày càng leo thang khốc liệt giữa Nga và Ukraine.
Chính quyền Ukraine dưới thời tổng thống Volodymyr Zelensky (ông từng là diễn viên kịch nổi tiếng trong nước trước khi đắc cử tổng thống) bộc lộ rõ quan điểm cứng rắn chống Nga, đồng thời kỳ vọng vào sự hậu thuẫn toàn diện từ các nước NATO trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga.
Trong khi đó, Mỹ và các nước NATO lợi dụng Ukraine (một nước láng giềng chung biên giới có lịch sử bang giao đặc biệt với Nga) để gây sức ép an ninh lớn, thường trực đối với Nga, tiến tới muốn hình thành một không gian địa-an ninh chiến lược bất lợi sát sườn, chĩa thẳng vào Nga. Tình hình này khiến chính quyền Ukraine đương nhiệm mang quan điểm cứng rắn với Nga dễ nảy sinh kỳ vọng rằng trong trường hợp nước này xảy ra xung đột quân sự với Nga thì các quốc gia NATO và Mỹ sẽ hậu thuẫn trực tiếp, triệt để cho Ukraine nhằm tạo ưu thế và cục diện áp đảo đối với Nga.
Về phía Nga, thông tin tình báo đánh giá ưu thế vũ trang áp đảo so với Ukraine và sự tự tin vào một chiến dịch quân sự đánh nhanh thắng nhanh là căn cứ quan trọng để Nga hạ quyết tâm triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Trên thực tế, tình báo đã đánh giá chưa đúng, chưa đủ sự chuẩn bị và sức kháng cự mãnh liệt về mặt quân sự từ phía Ukraine. Diễn biến trên chiến trường cho thấy, Nga đã không thực hiện được cách tiếp cận đánh nhanh thắng nhanh. Cuộc chiến sau nhiều tháng giao tranh vẫn tiếp diễn khốc liệt, và quân đội Nga cũng thiệt hại không nhỏ.Trong quá trình này, tổng thống Nga Putin đã phải cách chức một số tướng lĩnh cấp cao do thất trách.
Hệ lụy sâu rộng, lâu dài
Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã và đang nảy sinh nhiều hệ lụy sâu rộng, lâu dài trên cả bình diện an ninh và kinh tế tại khu vực và trên bình diện toàn cầu, khiến đời sống quốc tế bất ổn hơn.
Về kinh tế, đời sống kinh tế của hai quốc gia đang giao chiến, của khu vực châu Âu và kinh tế toàn cầu đã khó khăn nay càng chao đảo bởi chiến sự khốc liệt. Đất nước Ukraine bị tàn phá, người dân hoặc phải lưu vong, hoặc ở lại trong tình cảnh nguy hiểm, khó khăn toàn diện. Hơn thế, Ukraine là một cường quốc sản xuất lương thực nhưng hiện tại nhiều địa bàn của quốc gia này không thực hiện canh tác nông nghiệp được và nhiều cảng biển xuất khẩu lương thực tại đây gặp khó khăn trong lưu thông lương thực, hàng hóa do chiến sự. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân của Ukraine, mà còn làm xuất hiện nguy cơ khủng hoảng lương thực ở cấp độ quốc tế.
Cuộc xung đột tại Ukraine khiến chuỗi cung ứng lương thực ở nước này có nguy cơ sụp đổ.
Ảnh: Internet.
Trong khi đó, Nga ngày càng bị Mỹ và EU thắt chặt phong tỏa, cấm vận. Việc giao thương giữa Nga với quốc tế trở nên khó khăn và trì trệ. Tuy là các nước chủ động tiến hành phong tỏa, cấm vận Nga, songcác nước EU lại phải vật lộn, thích ứng với khủng hoảng năng lượng do nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng theo chính sách này. Thế giới chưa khắc phục được những hệ lụy đối với sự phát triển chung do đại dịch Covid-19, nay cuộc khủng hoảng Ukraine với ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng đã làm chậm lại và làm trầm trọng thêm quá trình phục hồi của đời sống quốc tế nói chung, trong đó có đời sống kinh tế quốc tế.
Về an ninh, cục diện và cấu trúc an ninh khu vực châu Âu và toàn cầu đang biến chuyển tiêu cực. Tại khu vực châu Âu, nền an ninh bị xáo trộn nghiêm trọng, và cấu trúc an ninh đang thay đổi nhanh chóng. Một số quốc gia có biên giới giáp Nga lâu nay cố giữ vị trí “trung lập” trong quan hệ an ninh quân sự với Nga và các nước NATO thì nay bộc lộ rõ quan ngại, và xin gia nhập NATO. Trước nguy cơ NATO mở rộng phạm vi áp sát Nga, quốc gia này đã có động thái chính trị là đưa lực lượng hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng để cảnh báo với NATO và Mỹ. Trên trường quốc tế, một cuộc tập hợp lực lượng mới trên bình diện an ninh quân sự được kích hoạt; trong đó các cường quốc vừa tăng cường chạy đua vũ trang, vừa lôi kéo các quốc gia khác, tập hợp lực lượng nhằm o ép đối phương một cách tối đa.
Xung đột Nga - Ukraine đã làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Ảnh: Internet.
Một số suy nghĩ về cách tiếp cận phòng ngừa leo thang căng thẳng, xung đột.
Chiến tranh hay hòa bình, sự lựa chọn chiến tranh hay hòa bình chịu sự chi phối của nhiều nhân tố. Trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine không bên nào là bên chiến thắng, các bên liên quan trực tiếp và cộng đồng quốc tế bị thiệt hại trên nhiều bình diện ở các mức độ khác nhau. Trong bối cảnh nào đó, cuộc xung đột này liệu có thể ngăn ngừa được không? Thiển nghĩ, xét từ sự vận động của mối quan hệ giữa một bên là Nga và bên kia là Ukraine-EU-Mỹ và diễn biến leo thang quân sự thời gian qua, có lẽ cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay có thể đã không bùng nổ nếu các khía cạnh và nỗ lực sau đây chiếm ưu thế:
Một là, Ukraine cố gắng giữ vị trí trung lập, không chọn phe trong quan hệ an ninh với Nga và Mỹ-NATO, thực hiện một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Khi ở trong quan hệ giữa các nước lớn, một nước nhỏ cần tìm cách cân bằng quan hệ, tránh tự mình hoặc bị đặt vào tình huống buộc phải chọn phe, như vậy là tự tạo ra thế bất lợi đối địch với cường quốc, có thể gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích quốc gia.
Hai là, các bên liên quan trực tiếp (Nga, Ukraine, Mỹ-NATO) tôn trọng các lợi ích cơ bản của nhau. Mỹ-NATO cần thực sự tôn trọng lợi ích an ninh chiến lược của Nga cũng như nỗi lo của Nga đối với sức ép an ninh chiến lược đến từ phía Mỹ-NATO. Ukraine cần hết sức tránh quan điểm và cách tiếp cận nhất bên trọng nhất bên khinh trong quan hệ an ninh-quân sự với Nga và các quốc gia Âu-Mỹ, đồng thời xử lý hài hòa vấn đề người Nga sinh sống tại Ukraine. Nga có lẽ cũng cần quan tâm đầy đủ hơn đến nhu cầu, lợi ích an ninh, kinh tế của Ukraine trong quan hệ song phương.
Ba là, các bên liên quan cần nỗ lực chủ động, tích cực triển khai nhiều hơn các biện pháp, cách thức ngoại giao góp phần từng bước hạn chế làm phức tạp và leo thang tình trạng căng thẳng, mức độ nghiêm trọng của các vấn đề an ninh quốc phòng song phương, đa phương, từ đó từng bước tiến tới hóa giải nguy cơ thường trực của xung đột quân sự và chiến tranh. Quan hệ Nga-Ukraine đã luôn trong tình trạng căng thẳng, và các bên liên quan đã không thực sự tìm kiếm, thiết lập được một khuôn khổ chiến lược ngăn ngừa xung đột vũ trang và định hình cho quan hệ phát triển ổn định dài hạn.
Cuối cùng, ý thức về trách nhiệm quốc tế của các cường quốc, các thực thể quốc tế quan trọng và chiến lược ngoại giao khôn ngoan của các nước nhỏ là những nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong hóa giải căng thẳng song phương, đa phương, trong ngăn ngừa xung đột quân sự leo thang, và giảm thiểu chiến tranh và hệ lụy của chúng.
Quang Phan