Đại dịch rồi sẽ đi qua nhưng hệ lụy mà nó sẽ để lại là vô cùng to lớn, lâu dài trên mọi phương diện đối với mỗi quốc gia cũng như đối với quan hệ quốc tế và sự vận động của cục diện thế giới.
Qua đại dịch, thế giới chứng kiến mối quan hệ giữa hai đại cường Mỹ -Trung vốn nhiều sóng gió mấy năm gần đây đã trở nên xấu hơn. Dịch bệnh vốn bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc nhưng giờ đây chính Mỹ và các nước châu Âu mới là những nơi gánh chịu hậu quả tàn khốc nhất cả về nhân mạng và kinh tế.
Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Internet
Trước cú sốc nặng nề và bàng hoàng không kịp trở tay do đại dịch gây ra, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đã chĩa mũi dùi vào Trung Quốc với ngày càng nhiều lời tố cáo Bắc Kinh đã phản ứng chậm chạp khi dịch bùng phát, thiếu minh bạch thông tin, che dấu dịch bệnh với thế giới, thậm chí nghi vấn liệu có phải virus được thoát ra từ phòng nghiên cứu của Trung Quốc hay không.
Lãnh đạo Nhà Trắng còn tố cáo WHO đã thiên vị Trung Quốc, quá tin vào những thông tin và số liệu của Bắc Kinh trong giai đoạn đầu đại dịch bùng phát.Oa-sinh-tơn đã yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập về trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc gây ra thảm họa cho thế giới và khẳng định Trung Quốc sẽ phải trả giá.
Về phía Trung Quốc, ngay từ khi mới bùng phát dịch Covid-19 tại Vũ Hán, Bắc Kinh đã từ chối đề nghị của Chính phủ Mỹ gửi các chuyên gia sang Trung Quốc để hỗ trợ và điều tra tình hình dịch bệnh. Sang đầu tháng 2, khi phía Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với người đến từ Trung Quốc trong bối cảnh dịch đang lây lan nhanh chóng tại nước này thì Bộ Ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục chỉ trích Mỹ đã có phản ứng thái quá, không hỗ trợ gì nhiều cho Trung Quốc mà chỉ gieo rắc hoảng loạn không phù hợp với thực tế dịch bệnh.
Gần đây, khi dấy lên hàng loạt những hoài nghi và chỉ trích từ phía Mỹ và các nước phương Tây về việc Bắc Kinh đã không minh bạch thông tin về đại dịch ngay từ đầu và yêu cầu điều tra về trách nhiệm của Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên tiếng cáo buộc Mỹ và phương Tây đã “chính trị hóa” dịch bệnh, thực hiện chiến dịch truyền thông bóp méo sự thật, đổ lỗi vô căn cứ cho Trung Quốc một mặt nhằm bôi nhọ, làm hoen ố hình ảnh của nước này trên trường quốc tế, đồng thời gia tăng áp lực chính trị đối với Trung Quốc, mặt khác hòng lấp liếm cho những sai lầm, yếu đuối và thất bại của họ trong việc kiểm soát và ngăn chặn đại dịch.
Trong một diễn biến kịch tính hơn, nhằm phản pháo lại việc giới chức Nhà Trắng gọi virus gây bệnh là “Virus Vũ Hán” hay “Virus Trung Quốc” cũng như nghi vấn của Mỹ về việc virus gây ra dịch bệnh có thể được thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát đại dịch, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã tung ra thuyết âm mưu khi ám chỉ rằng virus này có thể do quân đội Mỹ mang đến Trung Quốc khi tham dự hội thao quân sự tại Vũ Hán tháng 10-2019.
Trong khi tất cả các cáo buộc dạng thuyết âm mưu của hai bên đều chưa có bằng chứng khoa học nào để khẳng định, cuộc khẩu chiến Mỹ - Trung leo thang chưa có hồi kết liên quan đến Covid báo hiệu một tương lai nhiều trắc trở trong mối quan hệ giữa hai đại cường sau đại dịch.
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 khoét sâu thêm sự suy giảm lòng tin chiến lược Mỹ - Trung vốn đã xuống thấp trước đó và cho thấy quan hệ Mỹ - Trung sẽ xấu hơn sau đại dịch. Việc liên tục tố cáo lẫn nhau về trách nhiệm gây ra đại dịch, thậm chí “chính trị hóa” đại dịch cho thấy trong lúc nguy nan của dịch bệnh cần sự hợp tác, hai bên lại đổ thêm dầu vào lửa cho mối quan hệ vốn đang xấu đi những năm gần đây.
Hàng trăm ngàn nhân mạng bị mất, vài chục triệu người thất nghiệp, hàng loạt công ty doanh nghiệp bị phá sản, thâm hụt ngân sách lớn, kinh tế Mỹ điêu đứng, lao dốc, thành quả mà Trump cho rằng do công lao sau ba năm nắm quyền của ông bị đổ sông đổ bể là những quả đắng mà Mỹ khó có thể nuốt trôi. Khi đại dịch lắng xuống, Mỹ và phương Tây gần như sẽ lật lại tìm hiểu xem điều gì đã dẫn tới thảm họa và ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho điều này.
Mỹ hiện là nước có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhiều nhất thế giới. Ảnh: Reuters
Nếu Mỹ tìm được bằng chứng về trách nhiệm rõ ràng của Bắc Kinh thì quan hệ Mỹ - Trung có thể trở nên tồi tệ. Dù không tìm ra bằng chứng quy trách nhiệm cho Bắc Kinh thì trong mắt chính giới Mỹ, Trung Quốc vẫn là tội đồ gây ra đại dịch và do đó, bằng cách này hay cách khác Oa-sinh-tơn có thể sẽ buộc Bắc Kinh phải trả giá.
Thứ hai, cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung sẽ tiếp tục, thậm chí gay gắt hơn sau đại dịch. Hậu đại dịch Covid-19 có thể sẽ chứng kiến chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Trump tiếp tục thắng thế và mạnh hơn. Đại dịch đã giúp Mỹ nhận ra rằng phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc là rủi ro cả về kinh tế và chiến lược khi khủng hoảng.
Đã có dấu hiệu cho thấy, Chính quyền Mỹ và một số đồng minh sẽ tìm cách giãn cách nền kinh tế quốc gia với kinh tế Trung Quốc, hạn chế sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, thậm chí khẳng định sẽ chi tiền để các nhà đầu tư tại Trung Quốc rút về nước. Cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung sau đại dịch là quan trọng vì cả hai bên đều nhận thức rằng cuộc chiến này có thể quyết định trật tự thế giới do ai dẫn dắt sắp tới.
Trung Quốc có thể hồi phục nhanh chóng hơn Mỹ khi đã kiểm soát được đại dịch và bắt tay vào khôi phục kinh tế trong khi Mỹ bị thiệt hại nặng nề và vẫn còn đang vật lộn với đại dịch chưa biết đến khi nào. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đầythương tích với nền kinh tế suy giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, nguy cơ bất ổn trong nước và sẽ phải đối phó vất vả hơn với Mỹ và phương Tây sau đại dịch.
Kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau đại dịch. Ảnh: Internet
Thứ ba, sau đại dịch, thế giới sẽ chứng kiến cuộc đua tranh ngôi vị lãnh đạo trật tự thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc tăng nhiệt. Việc “chính trị hóa” đại dịch phần nào phản ánh sự gia tăng nghi kỵ Mỹ - Trung và sự khủng hoảng mang tính cấu trúc trong hệ thống quốc tế mà ở đó cường quốc nguyên trạng đang suy yếu tương đối và lo ngại với mưu đồ của cường quốc đang lên tìm cách lật đổ hệ thống quốc tế hiện hành.
Ngay trong lúc phải đối phó với đại dịch bùng phát, Mỹ - Trung cũng chạy đua để kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế nhanh chóng để không bị đối thủ bỏ lại phía sau, đồng thời vẫn không quên đẩy mạnh các tham vọng toàn cầu và khu vực.
Trong khi Bắc Kinh lợi dụng Mỹ và thế giới đang vùng vẫy trong đại dịch để đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát biển Đông thì Oa-sinh-tơn đã không quên để mắt tới mọi động thái của Bắc Kinh trong khu vực. Phản ứng đồng loạt và mạnh mẽ cả về ngoại giao và trên thực địa của Mỹ đối với các động thái của Trung Quốc tại biển Đông những ngày gần đây cho thấy cuộc đấu địa chính trị Mỹ - Trung ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sắp tới sẽ nóng hơn.
Thứ tư, sau đại dịch Chính quyền Trump sẽ tiếp tục quay lưng lại với toàn cầu hóa, giảm cam kết với các thể chế đa phương toàn cầu như Liên hợp quốc, WTO, WHO và hệ thống liên minh quốc tế do Mỹ dẫn dắt mấy thập kỷ qua, chủ nghĩa dân tộc (Make America Great Again) của Trump sẽ tiếp tục thắng thế chủ nghĩa tự do và những người cổ súy cho chủ nghĩa toàn cầu.
Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại các thể chế quốc tế, lèo lái các thể chế này theo lợi ích và quan điểm của Bắc Kinh, đồng thời mở rộng, tăng cường và phát huy các cơ chế, sáng kiến đa phương cho mình sáng lập và chi phối.
Chí Nguyện