Vị trí đảo Đài Loan. Đồ họa: Google.
Đài Loan là một vùng lãnh thổ nằm ở phía đông nam Trung Quốc, cách Trung Quốc đại lục 130 km. Chia cắt giữa hòn đảo này và Trung Quốc đại lục là eo biển Đài Loan, tuyến đường biển huyết mạch của khu vực và thế giới. Tổng diện tích của Đài Loan là 35.410 km2, dân số gần 24 triệu người (năm 2022)(1). Hiện nay, Đài Loan là nền kinh tế lớn và quan trọng trên thế giới (đứng thứ 7 châu Á, thứ 22 thế giới): năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt trên 828,66 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người trên 35.000 USD/năm(2).
Hiện nay, eo biển Đài Loan trở thành điểm nóng an ninh - chính trị khu vực và thế giới, thậm chí được cho là “điểm nóng nguy hiểm”, điểm nóng dễ kích hoạt thành xung đột vũ trang lớn. Vấn đề Đài Loan hội tụ nhiều mâu thuẫn, liên quan trực tiếp đến nhiều quốc gia, có tác động mạnh mẽ đến khu vực và thế giới.
Lịch sử phức tạp của Đài Loan - nguồn gốc của những mâu thuẫn hiện tại
Lịch sử phức tạp của Đài Loan liên quan đến việc chính quyền Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) kiểm soát hòn đảo này từ năm 1949, địa vị pháp lý quốc tế của Đài Loan trước đây.
Cuối thời kỳ phong kiến, đảo Đài Loan thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc. Đến năm 1895, sau khi thất bại trong cuộc Chiến tranh Trung - Nhật, hòn đảo này rơi vào tay Nhật Bản và Nhật Bản làm chủ hòn đảo đến năm 1945, sau khi thua trận trong Chiến tranh thế giới thứ II. Từ năm 1945, hòn đảo trở về quyền kiểm soát của Trung Quốc, khi đó thuộc Trung Hoa dân quốc.
Giai đoạn 1946-1949, ở Trung Quốc đại lục diễn ra cuộc nội chiến giữa lực lượng Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu và Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Năm 1949, Quốc Dân Đảng bị đánh bại, Tưởng Giới Thạch và bộ máy chính quyền Trung Hoa dân quốc rút khỏi đại lục về Đài Loan và quản lý hòn đảo này.
Tại Đài Loan, chính quyền Tưởng Giới Thạch thiết lập thủ phủ ở Đài Bắc, nên còn được gọi là chính quyền Đài Bắc (Đài Loan). Trong khi đó, ở Trung quốc đại lục, những người cộng sản thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (People’s Republic of China). Từ đó đến nay, chính quyền Đài Bắc (Đài Loan) và Bắc Kinh (Trung Quốc đại lục) tồn tại song song, độc lập, với thể chế chính trị riêng (Đài Loan đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, Trung Quốc đại lục đi theo con đường xã hội chủ nghĩa). Cũng từ đây (năm 1949), “vấn đề Đài Loan” xuất hiện và chưa được giải quyết.
Do yếu tố của lịch sử, hai bên đều coi mình là chính nghĩa, chính đáng, bên còn lại là phi nghĩa, vì vậy có mục tiêu thôn tính lẫn nhau để thống nhất đất nước.
Trên phương diện pháp lý quốc tế, từ năm 1945 đến 1971, do được Mỹ và phương Tây ủng hộ, Trung Hoa dân quốc (Republic of China - Đài Loan)là người đại diện cho Trung Quốc tại Liên hợp quốc, là một trong năm Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhưng, đến đầu thập niên 70 thế kỷ XX, Mỹ đã điều chỉnh chính sách đối ngoại, trong đó có việc thỏa hiệp với Trung Quốc bằng cách ủng hộ quyền đại diện của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc.
Ngày 25/10/1971, sau cuộc bỏ phiếu, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2758, theo đó các đại diện của Tưởng Giới Thạch (Đài Loan) bị trục xuất ra khỏi Liên hợp quốc. Thay vào đó, Liên hợp quốc chỉ công nhận đoàn đại biểu của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đoàn đại biểu hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên hợp quốc và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc(3). Nghị quyết này là cơ sở cho Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra yêu cầu đối với các nước, các bên thực hiện nguyên tắc “Một Trung Quốc”.
Tuy nhiên, nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc không có cơ chế thực thi bắt buộc đối với các nước thành viên. Vì vậy, ở thập niên 1970 vẫn còn hàng chục nước duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Bên cạnh đó, Đài Loan còn duy trì các quan hệ không chính thức với nhiều quốc gia thành viên của Liên hợp quốc thông qua văn phòng đại diện và cơ quan lãnh sự trên nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Ngoài ra, Đài Loan có đầy đủ tư cách thành viên tại 38 tổ chức đa chính phủ như Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng hội nhập kinh tế Trung Mỹ(4).
Ngay cả Mỹ, mặc dù thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Bắc Kinh ngày 01/01/1979 và cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng theo Đạo luật quan hệ với Đài Loan (có hiệu lực từ năm 1979), chính quyền Mỹ vẫn duytrì quan hệ với Đài Loan, đồng thời còn là bên cung cấp vũ khí bảo đảm cho Đài Loan đủ năng lực tự vệ. Đây là cơ sở để Mỹ liên tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan nhằm chống lại các hành động quân sự của Bắc Kinh.
Địa vị pháp lý trong lịch sử là cơ sở để Đài Loan tiếp tục cuộc đấu tranh với Trung Quốc hiện nay.
Vị trí chiến lược và vị thế của Đài Loan - tác nhân khiến hòn đảo này trở thành điểm nóng an ninh - chính trị.
Trong bối cảnh thương mại đường biển giữ vai trò quan trọng, với vị trí là một đảo lớn ven bờ, Đài Loan có vị trí then chốt trên các tuyến giao thương ở phía Tây Thái Bình Dương. Hàng hóa và tàu thuyền của thế giới từ Hàn Quốc, Nhật Bản xuống phía nam và ngược lại đều sẽ qua khu vực ảnh hưởng của Đài Loan.
Hiện nay, Đài Loan có nền kinh tế phát triển, là trung tâm sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm hơn 60% chất bán dẫn nói chung và khoảng 90% chất bán dẫn loại cao cấp nhất trên toàn cầu(5). Chất bán dẫn là “xương sống kỷ nguyên điện tử”, cần thiết đối với các ngành công nghiệp hiện đại, các loại máy móc, công nghệ, thiết bị phục vụ cuộc sống hàng ngày… Nhờ sự thống trị trong lĩnh vực chất bán dẫn, Đài Loan trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Một sự biến lớn tiêu cực ở Đài Loan sẽ tác động sâu rộng đến kinh tế thế giới và cuộc sống của hàng tỷ người.
Tập đoàn TSMC là tập đoàn sản xuất chíp điện tử lớn nhất thế giới,
chiếm 54% sản lượng chíp toàn cầu. Ảnh Internet
Đài Loan có tầm chiến lược quan trọng đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc - hai đối thủ cạnh tranh chiến lược toàn diện, toàn cầu.
Đối với Trung Quốc, việc thu hồi Đài Loan không chỉ đồng nghĩa với việc Trung Quốc hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc mà còn củng cố sức mạnh quốc gia, tầm ảnh hưởng quốc tế. Nếu kiểm soát được Đài Loan, Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng vùng biển phía Đông và các tuyến giao thương huyết mạch ở khu vực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhằm theo dõi và kiểm soát các động thái từ Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực. Hơn nữa, nếu việc thu hồi Đài Loan diễn ra trong hòa bình thì địa vị kinh tế, công nghệ của Trung Quốc sẽ gia tăng vượt bậc, trở thành cường quốc số một, vượt trội các nước khác về công nghệ chất bán dẫn - công nghệ nguồn, công nghệ lõi của kỷ nguyên điện tử.
Đối với Mỹ, đảo Đài Loan là một mắt xích quan trọng trong “chuỗi đảo thứ nhất”, tạo thành một lá chắn, giúp Mỹ ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ra bên ngoài. Từ khi thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở năm 2017, Mỹ đang tìm cách biến Đài Loan thành một “đầu cầu” để kiềm chế Trung Quốc(6). Đối với Mỹ, quyền tự chủ của Đài Loan là một lợi ích địa chính trị, nếu Đài Loan đặt dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc thì lợi ích đó sẽ mất đi.
Đối với nhiều quốc gia khác, sự hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là môi trường quốc tế để cho các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế diễn ra thuận lợi, là điều kiện để quốc gia phát triển. Tuy nhiên, do khoảng cách xa - gần, mức độ gắn kết khác nhau nên vai trò của Đài Loan đối với các nước không giống nhau. Vì vậy, lập trường và hành động của các bên về vấn đề Đài Loan có nhiều khác biệt.
(còn nữa)
------------------------------------------------
TS Nguyễn Văn Chuyên