Hình ảnh mô phỏng Trung Quốc dùng tên lửa tấn công Đài Loan. Ảnh: Internet.
Lập trường và hành động của Trung Quốc
Trung Quốc lâu nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, là lợi ích cốt lõi của quốc gia và cần được thống nhất với Trung Quốc đại lục. Sách trắng về vấn đề Đài Loan(1) (năm 1993, 2000, 2022) cũng như các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây (lần thứ XIX năm 2017, lần thứ XX năm 2022) và những tuyên bố chính thức của Trung Quốc đều nhất quán coi Đài Loan là lãnh thổ không tranh cãi của Trung Quốc, là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vì vậy giải quyết vấn đề Đài Loan do Trung Quốc quyết định; Trung Quốc không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo(2).
Trung Quốc phản đối mạnh mẽ, quyết liệt trước mọi hành vi can thiệp, ủng hộ của các lực lượng bên ngoài đối với Đài Loan, vi phạm nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Điều đó thể hiện rõ nhất gần đây qua các cuộc gặp gỡ giữa bà Thái Anh Văn - Lãnh đạo Đài Loan với Chủ tịch Hạ viện Mỹ -bà Nancy Pelosi tại Đài Loan vào tháng 8/2022, sau đó là ông Kevin McCarthy ở California (Mỹ)vào tháng 4/2023.
6 khu vực Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan nhân sự kiện bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan tháng 8/2022. Ảnh: Internet.
Trung Quốc phản đối bằng cách kịch liệt lên án các sự kiện này, cho đó là hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc; tiến hành tập trận bắn đạn thật ở các vùng biển quanh Đài Loan, phong tỏa hòn đảo này với bên ngoài, tạm ngừng các đường dây liên lạc với Mỹ..., đồng thời cảnh báo “vấn đề Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và là lằn ranh đỏ đầu tiên trong quan hệ với Trung - Mỹ và Washington không được phép vượt qua”(3).
Để thực hiện mục tiêu thu hồi Đài Loan, Trung Quốc triển khai đồng thời nhiều biện pháp khác nhau, vừa đẩy mạnh các biện pháp chính trị - ngoại giao, gây sức ép qua công cụ kinh tế, vừa tăng cường lực lượng vũ trang để răn đe.
Biểu hiện rõ nhất là hiện nay Trung Quốc đang thực hiện chiến lược cô lập Đài Loan bằng cách thuyết phục các đối tác của Đài Loan (chủ yếu là các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương và vùng Caribe) cắt đứt quan hệ với Đài Loan, chuyển sang công nhận chính sách “Một Trung Quốc” và ngăn cản sự hiện diện của Đài Loan tại các tổ chức quốc tế.
Chiến lược cô lập Đài Loan của Trung Quốc đã đạt được những thành công rõ nét. Nếu như năm 2000, Đài Loan có quan hệ ngoại giao chính thức với 32 quốc gia, thì vào thời điểm lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn nhậm chức (tháng 5/2016), con số này giảm xuống còn 22 nước. Từ năm 2016 đến nay, có 9 quốc gia tiếp tục cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, đó là Sao Tome và Principe, Panama, Cộng hòa Dominica, Burkina Faso, El Salvador, Quần đảo Solomon, Kiribati, Nicaragua và Honduras.Trong tương lai, trước sức ép của Trung Quốc, một số quốc gia có thể tiếp tục phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Lập trường và ứng phó của Đài Loan
Cho dù Trung Quốc nhấn mạnh rằng Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, nhưng chính quyền Đài Loan chưa bao giờ chấp nhận. Mặc dù không tuyên bố ly khai, độc lập, nhưng Đài Loan kiên quyết bảo vệ quyền tự chủ của hòn đảo này. Gần đây, ngày 11/8/2022, Cơ quan đối ngoại Đài Loan tuyên bố bác bỏ đề xuất mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc đối với hòn đảo(4).
Trong những hoàn cảnh nhất định, Đài Loan đã phải khẳng định mình là một quốc gia độc lập. Ví dụ, khi phải tuyên bố chấp dứt quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Honduras vào tháng 3/2023, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã viết: “Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Trung Hoa Dân Quốc và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) không trực thuộc lẫn nhau. Đây là sự thật và cũng là hiện trạng hai bờ eo biển”(5).
Đài Loan cũng thường nhấn mạnh tương lai của hòn đảo này do chính người dân của hòn đảo quyết định.
Ứng phó với chiến lược cô lập của Trung Quốc, Đài Loan tiếp tục nỗ lực duy trì mối quan hệ chính thức với 13 nước còn lại, đồng thời mở rộng, làm sâu sắc và phát triển quan hệ không chính thức các quốc gia khác, nhất là các nước lớn (Mỹ, Nhật).
Mỹ và các đồng minh của Mỹ nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”, ủng hộ Đài Loan gia nhập vào các tổ chức quốc tế. Đó chính là những yếu tố thuận lợi quan trọng để Đài Loan đấu tranh trước sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời khiến cho vấn đề Đài Loan phức tạp, kéo dài.
Tên lửa được gắn vào chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan. Ảnh: Internet.
Lập trường và hành động của các quốc gia khác
Lập trường của các quốc gia trên thế giới có sự khác biệt, trong đó hình thành hai nhóm quan điểm đối lập nhau, một bên ủng hộ lập trường của Trung Quốc; bên còn lại ủng hộ Đài Loan.
Về cơ bản các nước ủng hộ Trung Quốc là những nước có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc (Nga, Triều Tiên, Campuchia,…), chịu sự chi phối, tác động mạnh mẽ của Trung Quốc (nhiều nước nhỏ trên thế giới). Còn lập trường của các nước ủng hộ Đài Loan là các quốc gia đang hợp tác chặt chẽ với Đài Loan, cạnh tranh với Trung Quốc (Mỹ, Nhật Bản, phương Tây…).
Tuyên bố sẵn sàng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của Trung Quốc thu hút sự quan tâm và gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế. Sự quan ngại này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một thực tế là nhiều quốc gia có mối quan hệ kinh tế khá chặt chẽ với Đài Loan vì đây là một chủ thể kinh tế lớn, một mắt xích quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Nếu xung đột quân sự xảy ra, sự hợp tác với Đài Loan sẽ bị gián đoạn, đình trệ, thị trường thế giới sẽ chao đảo. Hơn nữa, thương mại quốc tế đi qua khu vực Đài Loan sẽ bị tắc nghẽn, đình trệ, ảnh hưởng đến sự phát triển và thịnh vượng của nhiều quốc gia,...
Trong số các quốc gia có quan điểm ủng hộ Đài Loan, lên án hành vi áp đặt của Trung Quốc thì gần đây Mỹ có lập trường rõ ràng, nhất quán, đồng thời có nhiều hành động cụ thể, mạnh mẽ. Mỹ khẳng định dứt khoát là sẽ tham gia và cam kết bảo vệ hòn đảo nếu bị tấn công, đồng thời hành động khẩn trương hơn trong việc bán và chuyển giao vũ khí cho Đài Loan.
Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa Kỳ (National Defense Authorization Act) được tổng thống Mỹ ký cuối năm 2022, có nội dung tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, cho Đài Loan vay 10 tỷ USD trong 5 năm (từ năm 2023 đến năm 2027) để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc(6). Giới chức Mỹ đang thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa lực lượng phòng vệ Đài Loan để Trung Quốc khó tấn công hòn đảo. Bên cạnh đó, Mỹ luôn tìm cách lôi kéo các đồng minh của mình ủng hộ Đài Loan theo chiến lược của Mỹ.
Lập trường và hành động khác biệt của các bên, đặc biệt là phản ứng quyết liệt của Trung Quốc, sự kiên quyết bảo vệ hòn đảo của Đài Loan và sự ủng hộ Đài Loan của Mỹ khiến cho vấn đề Đài Loan diễn biến phức tạp, kéo dài.
-------------------------------------------------------------
Nguyễn Văn Chuyên