Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở NATO ở Brussels ngày 12/1. (Nguồn: NATO) |
Sau khi đàm phán Mỹ - Nga hôm 10/1 tại Geneva không đạt kết quả cụ thể, đại diện của Nga và NATO bước vào thương lượng ngày 12/1 tại Brussels (Bỉ), trước khi các bên gặp lại nhau trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Kết quả nào chờ đợi hai bên ở cuộc gặp này?
Để tìm câu trả lời, cần nhìn vào đàm phán Mỹ - Nga vừa diễn ra ngày 10/1. Đánh giá về hội đàm Mỹ - Nga, báo Les Echos nhận định Washington và Moscow ở hai thái cực về vấn đề Ukraine. Chủ đề then chốt trong mâu thuẫn giữa hai bên vẫn là việc kết nạp Ukraine và Gruzia vào NATO. Nga không muốn có NATO hiện diện ở sát sườn mình. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov không ngần ngại nhấn mạnh “đã đến lúc NATO phải trở lại với biên giới năm 1997”, tức là trước khi khối này kết nạp Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia, Bulgaria, Romania và ba nước vùng Baltic.
Theo ông Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), đàm phán Mỹ - Nga đã mang lại kết quả như từng dự đoán, với cả Mỹ và đồng minh phương Tây đều tỏ ra thận trọng: “Lập trường của Washington vẫn không thay đổi”.
Tuy nhiên, chuyên gia Timofeev ghi nhận rằng, Mỹ đã sẵn sàng thảo luận một số vấn đề trong danh sách mà Nga đưa ra, trước hết là vấn đề kiểm soát vũ khí. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, Washington có thể trở lại thảo luận về tên lửa tầm trung và tầm ngắn…, song chưa rõ điều này sẽ nhận được phản hồi thế nào từ Nga. Câu hỏi là liệu Moscow có đồng ý thảo luận riêng rẽ các vấn đề phương Tây mong muốn hay không. Bởi lẽ, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng, Moscow muốn thảo luận về tất cả những vấn đề này một cách tổng thể.
Điều gì sẽ xảy ra nếu phương Tây từ chối thảo luận về các vấn đề then chốt và xúc tiến những vấn đề đó?
Mối đe dọa từ NATO
Trong khi đó, về đàm phán với NATO tại Brussels (Bỉ) và Vienna, phía Nga hy vọng có câu trả lời của phương Tây về hai vấn đề.
Thứ nhất, NATO chấm dứt mọi hoạt động mở rộng về phía Đông châu Âu, không kết nạp thêm thành viên mới.
Thứ hai, Mỹ không lập căn cứ quân sự tại các nước thuộc Liên Xô cũ, hiện không phải là thành viên của NATO, cũng như không “phát triển hợp tác quân sự song phương” với quốc gia nói trên.
Moscow cảm thấy bị đe dọa khi NATO không ngừng mở rộng trong 30 năm qua sau khi Liên Xô sụp đổ. Đề xuất gia nhập NATO của Kiev là “lằn ranh đỏ”, buộc Nga phải lên tiếng. Chuyên gia Arnaud Dubien, Giám đốc tổ chức nghiên cứu mang tên Đài quan sát Pháp - Nga tại Moscow nói: “Từ khi Liên Xô sụp đổ, phương Tây cho rằng Nga không có lợi ích chính đáng nào ngoài biên giới. Mở rộng ảnh hưởng sang phía Đông Âu là lẽ tự nhiên và Nga sẽ chấp nhận. Nhưng giờ đây, Nga không chấp nhận việc này nữa”. Tại sao có sự thay đổi này?
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken phát biểu tại họp báo chung bên lề cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 2/12/2021. (Nguồn: Reuters) |
Khủng hoảng 2014 tại Ukraine là bước ngoặt trong quan hệ Nga và phương Tây. Giờ đây, Moscow thấy mình là một cực độc lập trên trường quốc tế. Đồng thời, Nga cho rằng đã có thể làm chủ được nhiều “ván cờ” chiến lược ở Syria hay châu Phi, trong khi phương Tây và NATO lại tỏ ra bất lực và chia rẽ khi giải quyết các hồ sơ lớn của thế giới.
Do đó, Moscow muốn đảm bảo quyền lợi xứng đáng với vị thế. Phát biểu ngày 10/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, Nga muốn có “những đảm bảo cụ thể” rằng Ukraine cùng Gruzia sẽ không bao giờ là thành viên NATO, với đề xuất này được nêu tại thượng đỉnh của khối ngày 29-30/6/2022 ở Madrid (Tây Ban Nha).
Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng người Nga đã đòi hỏi quá nhiều ở phương Tây. Bình luận trên hãng thông tấn TASS, ông Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và châu Âu tại Trường Kinh tế cao cấp Nga (Nga), nhận định NATO có thể sẽ phản đối “tối hậu thư” của Moscow khi hai bên đối thoại ngày 12/1.
Chuyên gia Suslov cũng cho rằng cuộc họp NATO - Nga cũng sẽ kém hiệu quả và không tạo ra nhiều kết quả cụ thể bằng đối thoại giữa Moscow và Washington tại Geneva. Bởi lẽ, nhiều nước thành viên NATO tham gia cuộc đối thoại với Nga lần này đều coi những đòi hỏi từ phía Moscow là không thể chấp nhận được.
Do đó, ông cho rằng nếu đối thoại Nga - NATO thất bại, thì căng thẳng giữa hai bên sẽ leo lên một nấc thang mới.
Đánh giá về yêu cầu của Moscow về vấn đề Ukraine, trang CNBC (Mỹ) cho rằng, Moscow có thể gây ra cuộc chiến tranh tổng lực để ngăn cản Kiev trở thành đồng minh của NATO.
Theo chuyên gia Maximilian Hess thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), Nga sẵn sàng cho cuộc chiến tranh, song Moscow sẽ không muốn một cuộc chiến vượt quá phạm vi các mặt trận hiện tại. Ông cho rằng Moscow hiện cần duy trì một “mối đe dọa xâm lược có thể tin được” vì đây là “con bài” buộc Washington đàm phán.
Thực tế cho thấy Moscow không thể mãi duy trì căng thẳng. Do đó, cả Nga và NATO đều kêu gọi ủng hộ giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, liệu Moscow sẽ lùi bước hay phương Tây sẽ từ bỏ hậu thuẫn quân sự cho Kiev? Liệu các nước phương Tây có thể đoàn kết trước áp lực từ Nga? Thời gian sẽ trả lời.
Nguồn: baoquocte.vn