WHO trước đó cho biết hai chuyên gia gồm một chuyên gia về sức khỏe động vật và một nhà dịch tễ học bắt đầu làm việc vào ngày 11-7 nhưng đến tối 12-7 (giờ địa phương) vẫn chưa có thông tin nào về tên của các chuyên gia, lịch trình của chuyến đi cũng như chương trình nghị sự của họ.
Chính quyền Trung Quốc không đưa ra tuyên bố nào về những chuyên gia này cuối tuần qua và truyền thông Trung Quốc cũng không đưa tin về sự xuất hiện của họ, cũng như không có tổ chức nào của Trung Quốc, bao gồm Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, xác nhận họ đã hoặc sẽ trao đổi với các chuyên gia của WHO.
Theo hãng tin AP, hai chuyên gia WHO đã ở Bắc Kinh vào 11 và 12-7. Nhiệm vụ của họ là hợp tác với các quan chức y tế và các nhà khoa học Trung Quốc để mở đường cho một lực lượng đặc nhiệm quốc tế lớn hơn do WHO dẫn đầu tiến hành điều tra nhưng chưa có lịch trình cụ thể.
Nhiệm vụ lần này được xem là một cách cho thấy sự minh bạch và hợp tác hơn trong việc tìm kiếm nguồn gốc động vật của dịch Covid-19, lần đầu tiên được xác định tại Vũ Hán hồi cuối năm ngoái. Nhưng nguồn gốc của đại dịch đã trở thành tâm điểm trong các cuộc tranh cãi chính trị thời gian qua.
Ông David Fidler, một học giả pháp lý và chuyên gia về sức khỏe toàn cầu, cho rằng việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ khiến WHO gặp khó khăn hơn trong việc đàm phán các điều khoản của sứ mệnh quốc tế tại Trung Quốc.
Viện Virus học Vũ Hán tại Trung Quốc là một tâm điểm điều tra dịch Covid-19. Ảnh: Weibo
Trái lại, ông Wang Yiwei, giám đốc của Viện các vấn đề quốc tế và Trung tâm nghiên cứu châu Âu tại Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, cho rằng sự ra đi của Washington có thể thúc đẩy sự hợp tác của Trung Quốc và WHO. "Sau khi Mỹ rút khỏi WHO, có nhiều điều được kỳ vọng tại Trung Quốc về cuộc điều tra nguồn gốc dịch bệnh, đổi mới vắc-xin và hợp tác để đối phó cũng như chống lại dịch Covid-19" – ông Wang nói.
Ông Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về quản trị y tế toàn cầu, cũng thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho biết một cuộc điều tra minh bạch của WHO có thể là cơ hội để tổ chức này xây dựng lại danh tiếng và cho thấy vai trò trung lập có thẩm quyền của mình trong quản trị y tế toàn cầu.
Một số nhà quan sát cho rằng phần lớn cuộc điều tra phụ thuộc vào mức độ tiếp cận của nhóm chuyên gia đối với nguồn dữ liệu từ Trung Quốc và điều tra các kịch bản khác nhau, bao gồm giả thuyết dịch Covid-19 có liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Tuy nhiên, ông Daniel Lucey, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh tại Trung tâm Y tế Trường ĐH Georgetown, cho rằng việc nhóm chuyên gia quốc tế tiếp cận phòng thí nghiệm ở Vũ Hán cũng chưa chắc có được thông tin chi tiết bởi nhóm sẽ không thể nhìn thấy các hoạt động hàng ngày cũng như không thể dập tắt được hoài nghi của Mỹ đối với cơ sở này.
Ông Huang lại cho rằng Trung Quốc có động lực để cởi mở vì họ muốn tìm câu trả lời về nguồn gốc dịch bệnh và có thể xem nhiệm vụ của WHO là một cách để giúp củng cố vị thế như một nhà lãnh đạo y tế toàn cầu. Chuyên gia này nhận định nếu mục đích là để cho thấy rằng họ hợp tác nhưng sau đó không phải vậy thì điều này sẽ làm ảnh hưởng hình ảnh Trung Quốc.
nguồn: nld.com.vn