Tháng Chín vừa qua, Bắc Kinh đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quy tụ 11 quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương và đang hướng tới mở rộng thêm số lượng thành viên.
Động thái của Trung Quốc hoàn toàn không gây bất ngờ khi Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu tại cuộc họp báo thường niên vào tháng 3/2020 rằng Bắc Kinh “có thái độ tích cực và cởi mở đối với việc gia nhập CPTPP”.
Sau đó, vào tháng 11/2020 tại hội nghị các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu cho biết, Bắc Kinh cân nhắc việc gia nhập khối thương mại này.
Hàng hóa lưu chuyển tại cảng Ninh Ba, Châu Sơn, một trong những cảng nhộn nhịp nhất thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, khi Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập, động thái này của Bắc Kinh đã khiến nhiều người không khỏi băn khoăn.
Xét cho cùng, các quy định của CPTPP đối với các lĩnh vực như quyền lao động và các công ty thuộc sở hữu nhà nước là rất nghiêm ngặt. Việc tuân thủ hiệp định sẽ đòi hỏi phải có nhiều sự thay đổi từ phía Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc đang hướng tới áp đặt sự kiểm soát lớn hơn của nhà nước đối với nền kinh tế. Điều này đi ngược lại các nguyên tắc dựa trên thị trường của CPTPP. Trung Quốc cũng bắt đầu thực hiện chiến lược kinh tế “tuần hoàn kép” nhìn chung mang tính hướng nội, ưu tiên xây dựng khả năng tự lực trong sản xuất và phân phối của đất nước.
Vậy động cơ để Bắc Kinh xin gia nhập hiệp định thương mại này là gì?
Nhà phân tích Mireya Solis thuộc Viện Brookings cho rằng, việc tham gia khối thương mại này sẽ củng cố động lực hội nhập kinh tế của Trung Quốc, vốn được xây dựng dựa trên sự tham gia của nước này vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia và sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.
Trong một bài viết gần đây, bà Mireya Solis cho rằng CPTPP có thể sẽ là niềm tự hào đặc biệt của Trung Quốc với tư cách là “quán quân” của toàn cầu hóa kinh tế.
Mặt khác, Giáo sư Chen tin rằng việc Trung Quốc sẵn sàng đàm phán về các điều khoản thương mại công bằng với các thành viên CPTPP cho thấy nước này muốn tìm cách cải thiện các quy tắc thương mại trong các khuôn khổ đa phương như thế này.
Có lý do thực tế đơn giản là lợi ích kinh tế. Tạp chí tài chính của Trung Quốc, tờ Caixin Global, trong một bài báo gần đây đã trích dẫn lời của các chuyên gia cho rằng việc gia nhập CPTPP sẽ giúp tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc từ 0,74 đến 2,27 điểm phần trăm và xuất khẩu tăng từ 4,69 đến 10,25 điểm phần trăm.
Tiến sỹ Tommy Wu thuộc công ty tư vấn Oxford Economics lưu ý, mặc dù đúng là việc Trung Quốc theo đuổi chiến lược “kinh tế tuần hoàn kép” liên quan đến việc tập trung vào nền kinh tế trong nước, đặc biệt là khả năng tự lực đối với công nghệ của riêng mình, nhưng Trung Quốc cũng muốn lĩnh vực sản xuất duy trì ổn định.
Bắc Kinh muốn duy trì vị thế của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu để duy trì quy mô sản xuất. Vì vậy, Trung Quốc muốn tiếp tục mở cửa và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các nhà phân tích cho rằng một lý do then chốt khác để Trung Quốc gia nhập CPTPP là thúc đẩy cải cách trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thuộc sở hữu nhà nước. Giáo sư Chen lưu ý những cải cách trong doanh nghiệp nhà nước (SOE) đã dừng lại sau khi đạt được một số thành công trong những năm 1990, dẫn đến sự chi phối của lĩnh vực này gây phương hại cho lĩnh vực tư nhân.
Mặc dù các công ty thuộc sở hữu nhà nước này được hưởng ưu đãi và trợ cấp “ngầm” từ nhà nước, nhưng tỷ suất sinh lợi trên tài sản của họ đã giảm xuống dưới 2% kể từ năm 2015 và năng suất của họ chỉ bằng 40% lĩnh vực tư nhân.
Theo Giáo sư Chen, gia nhập CPTPP có thể là một động thái mang tính chiến lược, để buộc các SOE phải tiến hành cải cách thông qua sức ép bên ngoài.
Tuy nhiên, tờ SCMP trong một bài báo hồi đầu tháng 11 đã trích dẫn lời một cố vấn không nêu tên cho Chính phủ Trung Quốc nói rằng có khả năng Bắc Kinh sẽ duy trì một số trợ cấp và quy định của riêng mình đối với các công ty nhà nước, mặc dù Trung Quốc có thể tiến gần hơn đến các điều kiện được yêu cầu để gia nhập CPTPP.
Giáo sư Chen cho rằng Trung Quốc sẽ hứa hẹn cải cách trong một số lĩnh vực và yêu cầu miễn trừ đối với một số lĩnh vực khác.
Nhà đàm phán thương mại Mỹ Wendy Cutler gần đây đã nhấn mạnh trên tạp chí The Diplomat rằng, trong nhiều năm, Trung Quốc đã tiến gần hơn đến các nghĩa vụ của CPTPP trong một số lĩnh vực, bao gồm tự do hóa thị trường dịch vụ, dỡ bỏ những hạn chế về đầu tư, tăng cường bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, bà bổ sung rằng trong nhiều lĩnh vực như SOE, quyền lao động, bảo vệ môi trường và thương mại điện tử vẫn tồn tại những khoảng cách lớn giữa các quy định tiêu chuẩn cao của CPTPP và những hành vi thương mại của Trung Quốc.
Tiến sỹ Solis của Viện Brooking chỉ ra rằng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã rời xa tinh thần của CPTPP về bảo vệ quyền lao động, một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân và tự do lưu chuyển dữ liệu.
Việc Trung Quốc trợ cấp cho ngành công nghệ cao và các yêu cầu thắt chặt nội địa hóa dữ liệu theo luật bảo mật dữ liệu mới là nguyên nhân gây lo ngại cho các đối tác thương mại của Trung Quốc - trong đó có nhiều thành viên CPTPP.
Ngày 11/11/2001, ông Shi Guangsheng, Bộ trưởng Ngoại thương lúc đó của Trung Quốc, ký văn kiện đưa nước này gia nhập WTO tại Doha. (Nguồn: Reuters) |
Vấn đề đặt ra là liệu Trung Quốc có sẵn sàng thực hiện các cải cách kinh tế sâu rộng như họ đã làm để được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 hay không?
Một số người tỏ ra hoài nghi. Chuyên gia cao cấp Stephen Olson thuộc Quỹ Hinrich đánh giá Trung Quốc đã chứng tỏ kỹ năng rất tốt trong việc vô hiệu hóa các quy tắc thương mại trong các hiệp định khác và hoàn toàn có khả năng quản lý các đòi hỏi của CPTPP.
Ông Olson bổ sung rằng Trung Quốc có thể thực hiện các cách diễn giải rộng về các nguyên tắc để tránh những nghĩa vụ có vấn đề, như họ đã làm ở những nơi khác. Ông trích dẫn chương thương mại điện tử cho phép các thành viên áp đặt các hạn chế đối với dữ liệu xuyên biên giới để đạt được “mục tiêu chính sách công hợp pháp” mà Trung Quốc có thể diễn giải rộng ra.
Chuyên gia Olson cho rằng Trung Quốc cũng có thể phá vỡ các nguyên tắc của CPTPP như quy định cấm yêu cầu chuyển giao hoặc truy cập mã nguồn của phần mềm máy tính bằng cách gây áp lực buộc các công ty nước ngoài phải làm như vậy, nếu không sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của họ. Trước đây, Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng các chiến thuật gây sức ép như vậy.
Cũng có lo ngại rằng việc cho phép Trung Quốc được hưởng những miễn trừ rộng rãi sẽ làm giảm các tiêu chuẩn của Hiệp định.
Tiến sỹ Solis tin rằng không có khả năng nhiều nước thành viên sẽ muốn thấy những quy định của thỏa thuận này bị suy yếu. Họ đã làm việc hết sức vất vả để cứu vãn Hiệp định sau khi Mỹ rút khỏi.
Có thể có sự phản đối việc Trung Quốc gia nhập CPTPP. Quan hệ của Trung Quốc với một số nước đã trở nên căng thẳng, như với Australia về vấn đề nguồn gốc của dịch Covid-19, với Canada về việc Bắc Kinh bắt giữ công dân nước này và với Nhật Bản về vấn đề tranh chấp biển đảo. Các nước này đều là đồng minh của Mỹ.
Việc trở thành thành viên CPTPP được cho sẽ là một quá trình dài hơi đối với Trung Quốc.
Một số chuyên gia tin rằng việc gia nhập sẽ chỉ xảy ra sau khi Mỹ làm điều tương tự. Tuy nhiên, Mỹ hiện không có ý định gia nhập trở lại chủ yếu vì sự phản đối ở trong nước.
Nguồn: baoquocte.vn