Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng hai năm ngoái, những tranh cãi về viện trợ quân sự hay tư cách thành viên của Kiev đã liên tục thách thức mặt trận thống nhất mà các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực bảo vệ.
Tuần trước, sự nhất quán trong chính sách của EU với Trung Quốc cũng bị đặt dấu hỏi sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bình luận rằng châu Âu phải có "sự độc lập chiến lược" và không nên làm "chư hầu" trong vấn đề Đài Loan.
Giờ đây, ngũ cốc Ukraine một lần nữa có nguy cơ khiến liên minh bị chia rẽ.
Ba Lan và Hungary cuối tuần qua công bố lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc và nông sản giá rẻ từ Ukraine để bảo vệ nông dân trong nước. Slovakia và Bulgaria không lâu sau đó cũng có động thái tương tự. Romania đến nay vẫn chưa ban hành lệnh cấm, nhưng đã chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình của nông dân về vấn đề ngũ cốc giá rẻ Ukraine.
Dù Ukraine thừa nhận nông dân châu Âu có lý do chính đáng khi phản đối nguồn ngũ cốc từ nước này, chính quyền ở Kiev nói rằng người dân của họ đang gặp khó khăn hơn nhiều.
Sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine, Moskva đã chặn những tuyến đường vận chuyển từ các cảng ở Biển Đen, cản trở tàu Ukraine xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác ra thế giới.
Lệnh phong tỏa chấm dứt hồi tháng 8 năm ngoái với thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết với vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi đã không ít lần nêu quan ngại về tương lai của thỏa thuận này, khi nó dự kiến hết hạn vào ngày 18/5 và Nga không có ý định gia hạn.
Ông cho biết ngay cả trong thời gian thỏa thuận có hiệu lực, không thể đoán được Moskva sẽ cho phép bao nhiêu tàu đi qua hành lang an toàn trên Biển Đen. Trong khi đó, Nga lại cáo buộc Ukraine cản trở quá trình kiểm tra tàu chở ngũ cốc ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo EU, tính đến tháng 3/2023, hơn 23 triệu tấn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác đã được xuất khẩu thông qua thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Để đảm bảo không còn trở ngại nào trong xuất khẩu, EU đã nhất trí dỡ bỏ tất cả các loại thuế đối với ngũ cốc Ukraine và thiết lập những "tuyến đường đoàn kết" nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc vận chuyển ngũ cốc từ nước này.
Hơn một năm sau xung đột, động thái của EU bắt đầu khiến nông dân khắp Đông và Trung Âu giận dữ.
"Ngũ cốc Ukraine nên đến các quốc gia cần chúng. Nhưng đồng thời, điều này lại gây khó khăn cho các nước như Romania, quốc gia xuất khẩu ròng ngũ cốc với hơn một nửa sản lượng nội địa của chúng tôi được bán ra thế giới", Alina Cretu, giám đốc điều hành Diễn đàn Nông dân và Nhà chế biến Chuyên nghiệp Romania, cho hay.
"Nếu các thương lái mua ngũ cốc từ Ukraine, thay vì thu gom tại địa phương, nông dân Romania sẽ đối mặt nguy cơ phá sản vì không thể cạnh tranh với giá ngũ cốc Ukraine. Đây là điều đang diễn ra", bà Cretu nhấn mạnh.
Theo bà, EU "không hiểu rõ tình hình của nông dân" và lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine vào thị trường Romania sẽ giúp nông dân nước này vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiệp hội nông dân Ba Lan và các nước Trung, Đông Âu khác cũng có cùng quan điểm.
Ủy ban châu Âu (EC) chỉ trích lệnh cấm nhập khẩu và cho biết trong một tuyên bố rằng "EU có chính sách thương mại chung nên các hành động đơn phương là không thể chấp nhận được".
Theo Mats Cuvelier, luật sư chuyên về thương mại quốc tế và EU tại Brussels, Bỉ, liên minh không thể ngăn các quốc gia thành viên cấm nhập khẩu những sản phẩm nông nghiệp cụ thể nếu họ xác định rằng chúng không đáp ứng các tiêu chuẩn như vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Slovakia giải thích lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine là do họ phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu không được phép sử dụng ở EU", ông nói.
Bộ trưởng Nông nghiệp Slovakia Samuel Vlcan cho hay lệnh cấm là biện pháp nhằm bảo vệ ngành nông sản thực phẩm quốc gia cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.
Cuvelier nói thêm rằng mặc dù EC có thể bắt đầu các thủ tục tố tụng chống lại các quốc gia thành viên EU không tuân thủ luật thương mại của khối, ông hy vọng ủy ban sẽ chọn một giải pháp ít đối đầu hơn như hỗ trợ thêm cho những nông dân bị ảnh hưởng.
Hồi tháng 3, Ủy viên Nông nghiệp châu Âu Janusz Wojciechowski đã phân bổ 32 triệu USD cho Ba Lan, 18 triệu USD cho Bulgaria và 11 triệu USD cho Romania nhằm tìm cách hỗ trợ nông dân tại các quốc gia này.
Ngàu 19/4, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đề xuất hỗ trợ thêm khoảng 110 triệu USD cho nông dân các nước trên.
Nhưng Jacob Funk Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Quỹ German Marshall của Mỹ đặt tại Brussels, nhận định những khoản trợ cấp như vậy sẽ không thể giải quyết các vấn đề cơ bản, bởi với những quốc gia như Ba Lan hay Hungary, họ phải xử lý vấn đề chính trị đang diễn ra trước.
"Trong bối cảnh giá lương thực ở châu Âu tăng cao thời gian qua, một số nước EU có thể vẫn muốn duy trì dòng ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine. Vì vậy, các cuộc đàm phán về lệnh cấm nhập khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn do khác biệt quan điểm giữa các bên", Kirkegaard cho biết thêm.
EU đang phong tỏa các quỹ trị giá 151 tỷ USD của Ba Lan và Hungary nhằm gây sức ép, buộc hai quốc gia này tôn trọng luật của khối, vốn cấm các biện pháp cấm nhập khẩu đơn phương.
"Bên cạnh những căng thẳng về ngân sách với EU, chính phủ Ba Lan còn đang chịu áp lực trước thềm bầu cử và họ cần lá phiếu ủng hộ từ các nhóm cử tri nông thôn, nếu không chính phủ sẽ không thể giành phần thắng", Kirkegaard nói.
"Trong trường hợp Hungary, Thủ tướng Viktor Orban là người thường tạo áp lực trong khối khi phải đưa ra các quyết định đòi hỏi sự đồng thuận. Với Slovakia, mùa bầu cử cũng đang diễn ra nên tình hình chính trị không có nhiều khác biệt. Nhưng nếu Ba Lan bỏ lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, các quốc gia EU khác có thể sẽ làm theo", ông cho hay.
Cretu từ Romania thừa nhận rằng thỏa thuận ngũ cốc rất quan trọng đối với Ukraine, nhưng về lâu dài, bà muốn thấy EU tiến xa hơn trong nỗ lực hỗ trợ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của khối.
"Chúng tôi cần hỗ trợ tài chính và đầu tư nhiều hơn vào việc cải thiện các cơ sở hậu cần hiện đại hóa cảng và tăng khả năng dự trữ nông sản", bà nói.
Kirkegaard cũng cho rằng EU nên nhìn xa hơn và tập trung vào bức tranh lớn hơn. "Mặc dù tâm lý ủng hộ Ukraine vẫn được giữ vững trên toàn khối, nó đang bị suy yếu bởi những lo ngại trong mỗi nước. Vì thế, khi các cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề của từng quốc gia thành viên gặp khó khăn, điều quan trọng là chúng ta phải đạt được thống nhất trong cả EU", ông nhấn mạnh. "Nếu không, Nga sẽ được hưởng lợi từ những chia rẽ này và có thể tận dụng chúng".
Nguồn: vnexpress.net