"Trong tương lai gần, nước Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương", theo chiến lược an ninh quốc gia toàn diện được chính phủ Đức công bố ngày 14/6.
Tài liệu dài 76 trang cảnh báo rằng một số quốc gia đang "cố định hình lại trật tự quốc tế hiện tại theo quan điểm của họ về cạnh tranh có hệ thống", ám chỉ các mối đe dọa về thông tin sai lệch, tấn công mạng và áp lực kinh tế từ các nước lớn, như Trung Quốc.
Chính phủ Đức nhắc đến các mối đe dọa an ninh do biến đổi khí hậu, như nguy cơ cao về nạn đói, bệnh tật và xung đột toàn cầu, cũng như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng ở Đức.
Chiến lược an ninh quốc gia toàn diện là tài liệu mà liên minh cầm quyền ba đảng của Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết soạn thảo khi ông nhậm chức cuối năm 2021. Tài liệu nhằm xác định những vấn đề Đức coi là rủi ro quân sự, kinh tế và xã hội ngày càng tăng đối với đất nước. Thủ tướng Scholz nói rằng điều đó càng trở nên quan trọng hơn từ khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine tháng 2/2022.
"Cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh điều mà nhiều nước láng giềng của chúng tôi ở Đông Âu đã cảnh báo, đó là châu Âu rất dễ bị tổn hại", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho hay.
Chiến lược an ninh được công bố một tuần trước khi chính phủ Đức bắt đầu các cuộc đàm phán cấp cao với quan chức Trung Quốc tại Berlin, dự kiến đề cập nhiều vấn đề nhạy cảm. Berlin được cho là thường do dự đối đầu Bắc Kinh do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu và nguồn cung cấp hàng hóa chính của Đức.
Tài liệu nhấn mạnh quan điểm của Berlin rằng Trung Quốc là "đối tác, bên cạnh tranh và đối thủ mang tính hệ thống". "Các yếu tố đối đầu và cạnh tranh đã gia tăng những năm gần đây, nhưng đồng thời Trung Quốc vẫn là đối tác để cùng giải quyết nhiều thách thức toàn cầu cấp bách nhất", tài liệu có đoạn.
Thủ tướng Scholz nhắc đến tuyên bố gần đây của các lãnh đạo G7 kêu gọi "giảm thiểu rủi ro" thay vì "tách rời" khỏi Trung Quốc. Theo ông, việc tạo ra chuỗi cung ứng mới cho các mặt hàng quan trọng có thể mất hàng thập kỷ.
Đức đang chuẩn bị chiến lược cụ thể về Trung Quốc. Ông Scholz từ chối cho biết khi nào chiến lược này sẽ được công bố. "Chúng tôi sẽ công bố khi sẵn sàng, nhưng sớm thôi", ông nói với phóng viên.
Chính phủ Đức phản đối những kêu gọi tăng chi tiêu quân sự vượt mục tiêu toàn NATO là 2% GDP. Ý tưởng thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, như ở Mỹ và Anh, đã bị gác lại.
Lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz cho rằng chiến lược an ninh mới "có nhiều thiếu sót, không phù hợp về mặt chiến lược" và được soạn thảo mà không tham khảo ý kiến các đồng minh của Đức. "Nó không có giá trị, ý nghĩa. Đó là nỗi thất vọng lớn", ông Merz cho hay.
Một chính trị gia đối lập hàng đầu khác, Alexander Dobrindt, cho rằng chiến lược này có những ưu tiên sai lầm. "Từ 'khí hậu' được nhắc tới 71 lần và từ 'Trung Quốc' chỉ 6 lần", ông nói.
Nguồn: vnexpress.net