Ngày 31/7, Ngoại trưởng Đức Mass thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong sau khi Trưởng đặc khu này tuyên bố hoãn bầu cử Hội đồng Lập pháp một năm “do dịch COVID-19” tái bùng phát nghiêm trọng trong cộng đồng.
Thông báo của Đức cho rằng, việc chính quyền Hong Kong quyết định loại bỏ nhiều ứng cử viên phe đối lập và hoãn cuộc bầu cử là hành động xâm phạm quyền công dân Hong Kong.
Ngay sau đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức đã đưa ra phản ứng trên trang thông tin chính thức của mình, cho rằng phát ngôn của Ngoại trưởng Đức là sai trái, đồng thời tuyên bố "không hài lòng mạnh mẽ và kiên quyết phản đối".
Theo Bắc Kinh, việc Hong Kong hoãn bầu cử là do tình hình dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng và đây là quyết định nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân Hong Kong, phù hợp với Hiến pháp, Luật Cơ bản và các luật địa phương của đặc khu này.
Việc loại bỏ các ứng cử viên phe đối lập là có căn cứ và cũng phù hợp với luật pháp, bởi hành vi của những người này đã vượt qua giới hạn pháp luật và mục đích tranh cử không phải là trung thành với Hong Kong và bảo vệ nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Trung Quốc coi hành động của Đức là can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước này và cảnh báo sẽ "bảo lưu quyền đưa ra những phản ứng tiếp theo".
Trước Đức, hàng loạt các quốc gia, như Anh, Canada, Australia, New Zealand, đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong sau khi Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia mới tại đây.
Sau đó, Trung Quốc đã có động thái đáp trả bằng cách chấm dứt hiệp ước dẫn độ và Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Hong Kong với Canada, Australia và Anh, cáo buộc các nước này "chính trị hóa việc hợp tác tư pháp với Hong Kong" và "làm tổn hại nghiêm trọng nền móng hợp tác tư pháp" giữa hai bên.
Nguồn: vtc.vn