Ngoài các nội dung về tăng cường hợp tác song phương, dự kiến, các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo của Đức và các nước Đông Bắc Á sẽ tập trung vào sự hợp tác hướng tới việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Chuyến thăm tới Trung Quốc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo EU tới Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đồng thời là chuyến thăm đầu tiên của ông Olaf Scholz tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Đức.
Dư luận về chuyến thăm
Việc cả Tổng thống Đức Frank -Walter Steinmeier lẫn Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều có các chuyến công du Bắc Á trong tuần này, cụ thể là đến Nhật Bản và Trung Quốc, thực sự là một sự kiện rất đáng chú ý trong hoạt động đối ngoại của Đức. Tuy nhiên, ý nghĩa và tầm quan trọng của hai sự kiện này là tương đối khác nhau. Tại Đức, chức danh tổng thống chỉ có ý nghĩa nhiều về mặt nghi thức chứ không phải là một chức danh có nhiều quyền lực. Quyền lực chính trị thực sự tại Đức thuộc về thủ tướng, người đứng đầu chính phủ và thường cũng là lãnh đạo của đảng có sức mạnh lớn nhất tại Nghị viện Liên bang Đức.
Do đó, cần nhìn nhận các chuyến thăm của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đến Nhật Bản, Hàn Quốc và của Thủ tướng Olaf Scholz đến Trung Quốc dưới các lăng kính khác nhau. Đối với chuyến công du Nhật Bản của ông Frank-Walter Steinmeier, các hoạt động chủ yếu mang nặng tính lễ tân và thực tế điều này cũng thể hiện qua các tuyên bố chung mà hai phía Đức-Nhật đưa ra, như việc Đức-Nhật cam kết cùng hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, từ xung đột Nga-Ukraine cho đến việc ủng hộ các nỗ lực duy trì một khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương tự do và rộng mở.
Một chủ đề tiếp theo được Đức-Nhật thảo luận là việc chuyển giao các ưu tiên hành động trong G7 khi Đức hiện là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 năm 2022 còn Nhật sẽ đảm nhiệm vai trò này trong năm 2023, với tâm điểm là Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức vào tháng 05/2023 tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Nhật Bản sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò này từ Đức kể từ tháng 01/2023 và trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang ghi nhận những biến động lớn nhất từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, cả Đức và Nhật đều mong muốn duy trì được tính liên tục trong các chính sách ưu tiên của G7.
Thực ra, chuyến công du Nhật của Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier trong thời điểm này cũng có một số nét đáng chú ý. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo nên một chấn động địa chính trị lớn nhất tại châu Âu trong hơn 3 thập kỷ qua và buộc nước Đức phải xây dựng lại các học thuyết an ninh-đối ngoại hoàn toàn mới, từ bỏ chính sách “Hoà bình qua thương mại” duy trì từ nhiều năm qua.
Cách đây không lâu, ông Wolfgang Smidt, một chính trị gia lão luyện của đảng Dân chủ Xã hội – SPD, một đồng minh chính trị thân cận của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và hiện đang là Chánh Văn phòng Phủ Thủ tướng Đức đã thừa nhận rằng “nước Đức chỉ như một đứa trẻ mới lớn trong thế giới địa chính trị”, tức là so với các cường quốc khác trên thế giới, nước Đức đang phải bắt đầu học cách làm quen với vai trò mới, cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để có thể thích ứng được với môi trường quốc tế mới và tạo dựng cho mình được một tầm ảnh hưởng địa chính trị trên thế giới tương xứng với sức mạnh kinh tế.
Do đó, có thể thấy trong thời gian qua, các lãnh đạo cấp cao của Đức đang đẩy rất mạnh các hoạt động đối ngoại, kể cả các hoạt động vốn chỉ mang nhiều tính lễ tân như của Tổng thống Đức. Có thể thấy ông Frank-Walter Steinmeier đã xuất hiện với tần suất nhiều hơn trước rất nhiều tại nhiều khu vực, từ Mexico tháng trước, Ukraine tuần trước cho đến Nhật Bản và Hàn Quốc tuần này. Đó là một cách để nước Đức xây dựng từng bước một vai trò của mình như một người chơi trưởng thành trong thế giới địa chính trị.
Tuy nhiên, vai trò của tổng thống Đức vẫn chủ yếu mang tính nghi thức còn quyền lực thực sự thuộc về Thủ tướng. Vì thế, chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Olaf Scholz mang một tầm quan trọng hơn rất nhiều bởi chuyến đi này sẽ định hình cả một giai đoạn mới trong quan hệ không chỉ giữa Đức với Trung Quốc mà còn giữa châu Âu với Trung Quốc, với các nội dung thảo luận thực chất cực kỳ quan trọng về kinh tế, đối ngoại và có thể cả về tầm nhìn mới đối với trật tự thế giới. Sự chờ đợi, hay sự theo dõi của dư luận Đức nói riêng hay châu Âu nói chung vào chuyến đi này khác hẳn với các chuyến công du của ông Frank-Walter Steinmeier.
Toan tính của Đức
Nhật Bản là thành viên của G7 còn Hàn Quốc cũng là một quốc gia đồng minh quan trọng của các nước phương Tây nên quan hệ giữa Đức với Nhật Bản và Hàn Quốc nhìn chung luôn thuận lợi, hai bên luôn coi nhau là các đồng minh có giá trị. Chuyến thăm của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đến 2 quốc gia này một mặt là để gia tăng sự góp mặt của Đức tại một khu vực ngày càng có vai trò quan trọng về kinh tế và địa chính trị trên thế giới, mặt khác là để tăng cường mặt trận đoàn kết của các nước phương Tây và đồng minh nhằm ứng phó với các thách thức chung của khối này, như xung đột Nga-Ukraine hay sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyến đi của Thủ tướng Olaf Scholz đến Trung Quốc lại có một tầm vóc và ý nghĩa khác hẳn. Kể từ năm 2016, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức và trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine dẫn tới sự đổ vỡ quan hệ năng lượng với Nga, đẩy nước Đức vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, đe doạ toàn bộ mô hình kinh tế của nước Đức bao năm qua thì vai trò của thị trường Trung Quốc càng trở nên có ý nghĩa sống còn hơn với nhiều ngành công nghiệp của Đức, từ ô tô cho đến hoá chất…
Trong vài tháng qua, nhiều tập đoàn lớn của Đức như Volskwagen, Mercedes, BMW hay BASF (hoá chất) đều đã gia tăng rất mạnh các khoản đầu tư lên tới nhiều tỷ USD cũng như chuyển dịch hoạt động sang Trung Quốc nhằm giảm thiểu thiệt hại từ giá năng lượng quá cao tại châu Âu.
Ngay trước khi Thủ tướng Olaf Scholz đến thăm Trung Quốc vài ngày, chính phủ Đức cũng đã bật đèn xanh cho thương vụ bán một phần sở hữu cảng Hamburg lớn nhất của Đức cho hãng vận chuyển tàu biển Cosco của Trung Quốc, bất chấp rất nhiều tranh cãi. Đồng thời, tháp tùng Thủ tướng Olaf Scholz đến Trung Quốc lần này là một phái đoàn hùng hậu gồm những tập đoàn kinh tế hàng đầu của Đức.
Tất cả những động thái này cho thấy, Đức vẫn coi các việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc có tầm quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ngoài việc gia tăng trao đổi thương mại, Đức cũng muốn tiếp tục gây sức ép để Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường nội địa Trung Quốc cho các công ty châu Âu. Đây là điều mà nhiều lãnh đạo châu Âu tìm cách thuyết phục và gây sức ép với Trung Quốc trong nhiều năm qua, với lập luận rằng đó là cơ chế “có đi có lại” nhưng vẫn chưa thành công.
Ngoài vấn đề kinh tế, chuyến đi của ông Olaf Scholz đến Trung Quốc cũng được châu Âu theo dõi sát sao vì đây là lần đầu tiên ông Olaf Scholz thăm Trung Quốc trên cương vị Thủ tướng Đức, đồng thời đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ G7 đến Trung Quốc từ năm 2019.
Trong 3 năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây đã xấu đi rất nhiều vì hàng loạt các chủ đề, dẫn đến các vụ trả đũa ngoại giao chưa từng có trong vài thập kỷ qua. Do đó, phương Tây đang rất nóng lòng chờ xem nước Đức sẽ có cách tiếp cận mới ra sao với Trung Quốc, khi chính bản thân một số đảng trong chính phủ liên minh tại Đức cũng từng tuyên bố sẽ thực thi các chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.
Cân bằng lợi ích giữa châu Âu với các nước Đông Bắc Á
Thủ tướng Đức Olaf Scholz chưa đặt chân đến Trung Quốc nhưng chuyến đi này đã kịp gây chia rẽ khá lớn trong nội bộ các nước Liên minh châu Âu, đặc biệt là giữa Đức với Pháp. Báo chí Đức và Pháp cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đề nghị với Thủ tướng Olaf Scholz rằng hai nguyên thủ Đức-Pháp sẽ cùng sang thăm Trung Quốc.
Phía Pháp cho rằng đây là cách để thể hiện sự đoàn kết của châu Âu, chứng minh rằng các nước Liên minh châu Âu có một cách tiếp cận chung trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời, như chính nhiều lãnh đạo châu Âu nhiều lần thừa nhận, rằng châu Âu cần phải hành động như một khối mới có thể đối trọng được với sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc, chứ bản thân mỗi quốc gia EU đơn lẻ sẽ không có đủ sức nặng để tác động đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối đề nghị từ phía Pháp và chỉ đến thăm Trung Quốc một mình cùng một phái đoàn doanh nghiệp Đức hùng hậu. Trong vài ngày qua, rất nhiều học giả và báo chí châu Âu đã lên tiếng phân tích và đặt dấu hỏi về chiến lược đối ngoại mới của nước Đức trong quan hệ với các cường quốc trên thế giới. Một số ý kiến còn chỉ trích Đức là đã đơn phương hành động, chỉ chú trọng đến lợi ích của các tập đoàn kinh tế Đức mà phớt lờ lợi ích của châu Âu, đồng thời cho rằng chính phủ Đức cần phải rút các kinh nghiệm từ việc đổ vỡ quan hệ với Nga để tránh các rủi ro địa chính trị trong quan hệ với các cường quốc khác.
Mặc dù đứng từ góc nhìn của phía Đức thì những chỉ trích trên là không công bằng bởi nước Đức chỉ đang theo đuổi và bảo vệ các lợi ích quốc gia chính đáng của mình nhưng các chỉ trích từ châu Âu cũng cho thấy, một nước Đức thời hậu Angela Merkel sẽ còn rất nhiều việc phải làm trước khi xây dựng được cho mình một chiến lược đối ngoại phù hợp với bối cảnh bất ổn mới của thế giới cũng như các đòi hỏi ngày càng gắt gao hơn về việc nước Đức phải gánh vác các trọng trách địa chính trị lớn hơn cho châu Âu, tương xứng với sức mạnh kinh tế số 1 châu Âu và thứ 4 thế giới của quốc gia này.
Do vai trò quá lớn của Đức tại châu Âu, bất cứ động thái ngoại giao nào của Đức với các đối tác lớn trên thế giới cũng đều sẽ có tác động đến châu Âu và đa số các nước châu Âu hiện nay cho rằng chính phủ Đức cần có sự phối hợp, tham vấn với các nước EU khác thay vì hành động một mình. Trong chính nội bộ chính phủ liên minh của Đức thì hai đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do – FDP cũng thể hiện các quan điểm đối ngoại cứng rắn hơn so với đảng Dân chủ xã hội – SPD của Thủ tướng Olaf Scholz và trong những ngày qua cũng đã công khai bày tỏ các ý kiến phản đối một số chính sách của Thủ tướng Olaf Scholz. Do đó, về lâu dài chính phủ của ông Olaf Scholz bắt buộc phải tìm cách thiết lập sự cân bằng giữa việc theo đuổi lợi ích của nước Đức với việc duy trì đoàn kết tại châu Âu.
Nguồn: vtc.vn