Khủng hoảng lương thực dẫn tới nạn đói có thể sẽ làm bùng phát dòng người tị nạn |
Nguy cơ nạn đói khắp nơi do khủng hoảng lương thực
Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) đã lên tiếng cảnh báo rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần chuẩn bị cho làn sóng di cư mới do căng thẳng tại Ukraine đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Phát biểu tại Praha (Czech) ngày 11-7 khi tới tham dự cuộc họp của Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU, Giám đốc tạm quyền của Frontex Aija Kalnaja nhận định, mặc dù EU đang xử lý tốt vấn đề người tị nạn từ Ukraine, song các nước cần chuẩn bị cho dòng người đến từ những khu vực khác do vấn đề an ninh lương thực. Người đứng đầu Frontex cũng lưu ý thêm rằng, hoạt động vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine đang bị gián đoạn, điều này sẽ kéo theo những làn sóng di cư mới.
Không phải lúc này, mà ngay khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát cuối tháng 2 năm nay đã dấy lên lo lắng về sự thiếu hụt nguồn cung có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng lương thực trên phạm vi toàn cầu bởi đây là 2 nhà cung cấp lương thực hàng đầu trên thế giới. Trong khi Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới thì Ukraine là nước lớn thứ năm. Cả hai quốc gia này cung cấp tới 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp hạt cải dầu hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Nguồn cung phân bón toàn cầu cũng tập trung cao độ, trong đó Nga là nhà sản xuất hàng đầu.
Nga và Ukraine cũng cung cấp lượng lúa mỳ chiếm tới 24% thị trường toàn cầu, trong khi Ukraine cung cấp khoảng 50% lượng lúa mỳ cho Chương trình Lương thực thế giới (WEF). Ngoài ra, ước tính khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc thu hoạch từ năm 2021 đang bị dồn ứ tại các cảng của Ukraine trên Biển Đen. Thực trạng này đã đẩy giá một số lương thực và dầu ăn tăng vọt trên thị trường thế giới, với một số khu vực của châu Phi và Trung Đông là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đứt gãy nguồn cung lương thực từ 2 nhà cung cấp hàng đầu thế giới đã đẩy giá mặt hàng này lên cao trên toàn thế giới. Hơn thế, do lo ngại về vấn đề an ninh lương thực, nhiều quốc gia xuất khẩu lương thực khác cũng đã cắt giảm, hạn chế xuất khẩu.
Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) hồi tháng 5 vừa qua cảnh báo, giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 20% so với năm trước, trong đó giá ngũ cốc tăng 30%. Giá lương thực toàn cầu đang gần ở mức cao nhất mọi thời đại dẫn tới hậu quả là một số khu vực và nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất có thể đối mặt với nạn đói, kéo theo bất ổn xã hội.
Tại hội nghị về an ninh lương thực diễn ra vào ngày 24-6 vừa qua ở Đức, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo rằng, nguy cơ xảy ra nạn đói trong năm 2022 đang thực sự hiện hữu ở nhiều quốc gia. Người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc cho rằng, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, đồng thời nhấn mạnh việc xảy ra một nạn đói lớn trong thế kỷ XXI là điều không thể chấp nhận được.
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cho biết, hiện có 325 triệu người trên khắp thế giới đang tiến đến bờ vực của nạn đói. Trong đó, hơn 800 triệu người đi ngủ mỗi đêm với cái bụng đói. Nạn đói đang tấn công 43 quốc gia. Người đứng đầu WFP cảnh báo, nạn đói sẽ dẫn đến bất ổn cũng như tình trạng di cư ồ ạt khắp nơi trên thế giới.
Tị nạn “kép” xung đột và nạn đói
Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi hồi tháng 6 vừa qua đã cho rằng, nếu thế giới không nhanh chóng giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực đang ngày càng nghiêm trọng hiện nay, số người phải di tản trên toàn cầu sẽ vượt mức kỷ lục 100 triệu người hiện nay. Dòng người di cư vốn đã tăng đột biến kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine, sẽ lại càng trầm trọng hơn khi nạn đói khiến hàng triệu người phải rời bỏ quê hương, đất nước.
Cũng như những năm trước đây, EU là nơi mà những người tị nạn tìm tới nhiều nhất như một “miền đất hứa” để thoát khỏi nghèo đói và xung đột. Trong đó, “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga phát động tại Ukraine đã tạo ra dòng người tị nạn lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, khiến EU phải hết sức vất vả nhằm tìm chỗ ở tạm thời cho hàng triệu người Ukraine tới các quốc gia của liên minh này lánh nạn.
Tại cuộc họp báo sau Hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ EU ở Praha (Czech) ngày 11-7, Ủy viên Nội vụ châu Âu Ylva Johansson cho biết, hiện có khoảng 3,7 triệu người tị nạn Ukraine đã yêu cầu bảo hộ tạm thời ở EU, trong khi 3 triệu người khác đã trở về nhà. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trước đó cho biết, trong suốt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, 7,5 triệu người tị nạn Ukraine đã nhập cảnh vào EU và hơn 3 triệu người đã trở về và số còn lại vẫn ở lại liên minh này.
Ủy viên Nội vụ châu Âu Ylva Johansson cho biết, với khoảng 3,7 triệu người tị nạn Ukraine đã nộp đơn xin bảo hộ tạm thời, EU phải lo nơi ăn chốn ở cho hàng triệu người này. Số lượng lớn nhất người tị nạn Ukraine đang ở Ba Lan, tiếp theo là Cộng hòa Czech, Estonia, Litva, Bulgaria và Latvia.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, Ba Lan là quốc gia có số người tị nạn từ Ukraine cao nhất với 1,2 triệu người, trong khi Czech là quốc gia có tỷ lệ di cư tính theo đầu người cao nhất với 400.000 người. Dù Frontex cho biết, dòng người sơ tán khỏi Ukraine đã giảm đi trong những tuần gần đây, song lượng người tị nạn tới 3,7 triệu người cũng đã đặt ra những vấn đề nghiêm trọng với các thành viên EU, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn do lạm phát, giá cả lương thực và nhiên liệu tăng cao.
Gánh nặng người tị nạn với EU càng trầm trọng hơn khi liên minh này trong năm 2021 đã phải đón nhận dòng người tị nạn tăng đột biến. Frontex công bố số liệu cho thấy, gần 200.000 người di cư bất hợp pháp đã đến các nước EU trong năm 2021. Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 2017. Số lượng người nhập cư trái phép vào EU năm 2021 cũng cao hơn 57% so năm 2020, thời điểm mà các biện pháp hạn chế do đại dịch Covid-19 đã làm giúp giảm đáng kể số lượng những người này, nhưng vẫn cao hơn tới 36% so năm 2019.
Dù EU hiện vẫn gắng gượng xử lý dòng người tị nạn từ Ukraine, song sẽ khó khăn hơn nhiều nếu phải ứng phó với người tị nạn do nạn đói gây ra. Ủy viên Nội vụ châu Âu Ylva Johansson lo ngại cho rằng, những căng thẳng do cuộc khủng hoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng tạo ra có thể dẫn đến những tình huống mất an ninh khiến mọi người rời bỏ đất nước của mình. Đó là một thách thức rất lớn và “không ai có thể đoán trước được” số lượng người tị nạn sẽ đến EU.
Nguồn: anninhthudo.vn