Kế hoạch cơ sở hạ tầng của EU sẽ có tên gọi “Cổng toàn cầu”, có tổng giá trị 45,9 tỷ USD, tập trung vào các dự án kỹ thuật số, vận tải, năng lượng và thương mại. Kế hoạch này của EU sẽ hỗ trợ các dự án, kết nối các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Mục đích của EU nhằm thúc đẩy lợi ích và khả năng cạnh tranh của châu Âu trên toàn thế giới, đồng thời thúc đẩy các tiêu chuẩn và giá trị môi trường bền vững như dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.
“Cổng toàn cầu” của EU được cho là sẽ cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) đầy tham vọng của Trung Quốc. Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kế hoạch mới của EU sẽ tập trung vào việc thúc đẩy kết nối kỹ thuật số giữa các quốc gia trong khu vực và phát triển các quy định chung về trí tuệ nhân tạo.
Kế hoạch mới của EU cũng sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác, tăng cường kết nối với các quốc gia ASEAN.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu mới phù hợp với định hướng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU (được đưa ra vào tháng 4 năm nay), trong đó kêu gọi tăng cường gắn kết với các nước đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng chung.
Kế hoạch của EU nhấn mạnh, kết nối toàn cầu phải "phù hợp với các quy tắc, tiêu chuẩn và giá trị của châu Âu". Bên cạnh đó, EU cũng muốn "giảm sự phụ thuộc chiến lược" vào các quốc gia khác, trong bối cảnh toàn cầu phụ thuộc vào Trung Quốc về chất bán dẫn.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng của EU đã được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia thành viên khối bày tỏ lo ngại về mô hình tài trợ của Bắc Kinh, cung cấp các khoản vay cho các nước đang phát triển theo sáng kiến BRI.
“Trung Quốc sử dụng các phương tiện kinh tế và tài chính để gia tăng ảnh hưởng chính trị ở mọi nơi trên thế giới. Chúng ta phải đưa ra các giải pháp thay thế”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết hồi tháng 6 năm nay.
Nguồn: vtc.vn