Người dân Ba Lan ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) xuống đường tuần hành ngày 7/10 phản đối quyết định của Tòa án Tối cao Ba Lan. (Nguồn: AP) |
Một trong những câu chuyện nổi bật nhất trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU) những ngày vừa qua đến từ Ba Lan. Ngày 7/10, sau một thời gian dài mâu thuẫn với khối về hệ thống tư pháp, Tòa án Tối cao Ba Lan đã ra phán quyết, tuyên bố một số phần của Hiệp ước EU không phù hợp với hiến pháp nước này.
Vụ việc trên khiến châu Âu dậy sóng, bởi nó thách thức trụ cột của hợp nhất châu Âu, theo đó luật của EU được ưu tiên hơn luật pháp các nước sở tại. Đại biểu Nghị viện châu Âu Jeroen Lenaers khẳng định: “Tòa án hiến pháp bất hợp pháp ở Ba Lan đã đặt quốc gia này vào lộ trình Polexit”.
Ngày 8/10, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hoan nghênh phán quyết trên của Tòa án Tối cao nước này. Tuy nhiên, ông nhận định gia nhập EU là “một sự kiện nổi bật trong những thập kỷ qua” của cả Ba Lan lẫn EU và nhấn mạnh: “Ba Lan đang và sẽ ở trong gia đình các nước EU”.
Hôm sau, Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng ra thông báo khẳng định sẽ tiếp tục tôn trọng luật của EU.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Ngày 11/10, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã bắt đầu xem xét tranh chấp giữa Hungary, Ba Lan với thể chế của EU liên quan cơ chế mới của khối này về ngân sách, cho phép khối rút trợ cấp cho các nước thành viên vi phạm tiêu chí về tính độc lập của hệ thống tư pháp.
Phát biểu ngày 11/10, luật sư đại diện Ba Lan khẳng định cơ chế mới nói trên của EU vi phạm hiệp ước khối và do đó phải bị hủy bỏ. Phía Hungary lại cho rằng nó không cần thiết vì khuôn khổ pháp lý hiện hành của EU có thể bảo vệ được ngân sách của khối. Đáp lại, các luật sư đại diện cho các tổ chức EU tuyên bố, pháp trị là điều kiện thiết yếu để quản lý tốt hơn ngân sách của EU.
“Tòa án hiến pháp bất hợp pháp ở Ba Lan đã đặt quốc gia này vào lộ trình Polexit.” - Đại biểu Nghị viện châu Âu Jeroen Lenaers. |
Song Polexit không phải là nguy cơ nội khối duy nhất mà EU phải đối mặt.
Những biến động trên chính trường Czech và Áo vừa qua cũng là điều khối cần đặc biệt lưu tâm.
Tại Prague, địa chấn đã xảy ra khi liên minh đối lập “Cùng nhau” (SPOLU) giành chiến thắng tại Hạ viện, bất chấp việc đảng ANO cầm quyền liên tục dẫn trước phần lớn thời gian cuộc bầu cử. Ngày 9/10, Thủ tướng Czech Andrej Babis đã chúc mừng chiến thắng của liên minh, tuyên bố sẽ dẫn đầu tiến trình đàm phán thành lập chính phủ tiếp theo nếu Tổng thống Milos Zeman cho phép.
Song chỉ một ngày sau, ông Zeman đã phải nhập viện vì vấn đề sức khỏe và dự kiến mất 3 tuần để hồi phục. Tuy nhiên, Tổng thống Czech cho biết tình trạng sức khỏe “không ảnh hưởng tới cuộc đàm phán liên minh hậu bầu cử” và dự kiến yêu cầu người chiến thắng cố gắng thành lập chính phủ mới. Song rõ ràng sự cố này sẽ tác động không nhỏ tới tiến độ của quá trình cam go tại Prague.
Dưới thời Thủ tướng Andrej Babis, Czech thường xuyên nghi ngờ quyết định của EU, đặc biệt là trong phân bổ người tị nạn hay ngân sách nhằm phòng, chống đại dịch Covid-19 của khối. Tuy nhiên, khi EU đã dần quen với lập trường của Czech thì Prague lại đang đứng trước sự thay đổi ở vị trí lãnh đạo, vốn dự kiến ít nhiều đem lai thay đổi trong quan hệ song phương còn sóng gió.
Tương tự là câu chuyện tại Áo. Dưới thời ông Sebastian Kurz, Vienna là một phần của bộ tứ thắt lưng buộc bụng trong EU và thường xuyên phản đối phân bổ ngân sách và người nhập cư của khối.
Song tuần vừa qua, ông phải rời bỏ chiếc ghế này do cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, dù không còn làm Thủ tướng, ông vẫn đảm nhiệm vị trí đứng đầu tại Quốc hội. Ngoài ra, thay thế ông Sebastian Kurz là cựu Ngoại trưởng Alexander Schallenberg, người vừa gia nhập đảng OVP cầm quyền chưa lâu nhưng đã có quan hệ tốt với ông Kurz, cùng hệ tư tưởng ít nhiều tương đồng.
Khi đó, lập trường của Prague về ngân sách và nhập cư có thể khiến EU khó tìm tiếng nói chung.
Ông Alexander Schallenberg đã thay thế ông Sebastian Kurz làm Thủ tướng Áo. (Nguồn: Vienna Online) |
Quan hệ đối ngoại của EU cũng đối mặt nhiều thách thức, song đáng kể nhất lại là từ Washington. Sau chiến dịch di tản hỗn loạn tại sân bay ở Kabul, Afghanistan ngày 31/8 và sự ra đời của thỏa thuận an ninh Mỹ-Anh-Australia (AUKUS), EU đang ít nhiều mất lòng tin trong quan hệ với Mỹ.
Ngày 11/10, trả lời phỏng vấn tờ El Pais (Tây Ban Nha), Cao ủy phụ trách vấn đề đối ngoại của EU Josep Borrell thừa nhận Washington đã “phớt lờ” quan điểm của khối trong những vấn đề quan trọng. Lãnh đạo các nước thành viên của EU, từ Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không ít lần bày tỏ sự không hài lòng, thậm chí là tức giận với ông Biden.
Nhưng xét cho cùng, Mỹ vẫn là đồng minh truyền thống của EU và Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục đóng vai trò cơ chế an ninh khu vực thiết yếu tại châu Âu. Tuy nhiên, quan hệ này chỉ có thể duy trì nếu Washington thể hiện thiện chí, đặc biệt là tiến hành tham vấn và lắng nghe ý kiến của EU trước khi đưa ra quyết định về các vấn đề ảnh hưởng tới lợi ích song phương.
Nhà ngoại giao này cũng cố gắng tìm lời giải thích từ phía Washington cho sự hình thành của AUKUS. Trả lời El Pais, ông Borrell cho rằng châu Âu có nhiều câu hỏi cho Mỹ hơn là Australia.
Đây chắc chắn sẽ là hai trọng tâm trong chuyến thăm của ông Borrell tới Washington ngày 13/10.
Quan trọng hơn, qua chuyến thăm này, Cao ủy EU có thể truyền tải thông điệp về cách tiếp cận mới của khối về đối ngoại.
EU mong muốn củng cố và cải thiện quan hệ với Mỹ, bởi Washington vẫn là đồng minh truyền thống và quan trọng bậc nhất của khối.
Tuy nhiên, đã đến lúc EU xây dựng sự tự chủ hơn về chiến lược, tránh rơi vào thế bị động sau những sự kiện bất ngờ vừa qua. Chiến lược về hợp tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hay chiến lược EU-Trung Quốc mới, cùng lời kêu gọi về thành lập một lực lượng chung châu Âu cho thấy rõ nỗ lực này của châu Âu.
Cao ủy EU về các vấn đề đối ngoại Josep Borrell sẽ thăm Washington, Mỹ ngày 13/10 tới. (Nguồn: Anadolu) |
Tuy nhiên, quá trình triển khai những chiến lược trên ra sao sẽ phụ thuộc đáng kể vào nhà lãnh đạo dẫn dắt châu Âu sắp tới. Thời gian cầm quyền của bà Angela Merkel không còn nhiều, nhưng người thay thế bà lãnh đạo nước Đức nói riêng và thậm chí cả châu Âu nói chung vẫn chưa lộ diện.
Với vị thế kinh tế và ảnh hưởng chính trị lớn, Berlin vẫn được coi là cánh chim đầu đàn của EU. Song với chiến thắng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ở bầu cử Quốc hội Đức vừa qua, mọi chuyện có thể sẽ khác.
Lần cuối SPD lãnh đạo Berlin là 16 năm về trước, dưới thời cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder. Dù từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng trong chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel, song ông Olaf Scholz chắc chắn sẽ mất thời gian làm quen với chức vụ mới của mình nếu SPD có thể thành lập liên minh cầm quyền. Điều này có thể tạo ra một khoảng trống về lãnh đạo tại EU.
Trong bối cảnh đó, nhiều người kỳ vọng rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể lấp đầy khoảng trống về lãnh đạo tại EU. Bản thân ông cũng sớm định vị bản thân là người thay thế bà Merkel dẫn châu Âu, nhất là khi Pháp sẽ nắm vai trò Chủ tịch EU vào năm tới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ảnh hưởng kinh tế của Pháp trong EU khó so bì với Đức. Năm 2019, tức trước đại dịch Covid-19, theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Đức chiếm gần 1/4 GDP của EU (24,7%), theo sau là Pháp (17,4%), Ý (12,8%) và Tây Ban Nha (8,9%)…
Với vị thế kinh tế và ảnh hưởng chính trị lớn, Berlin vẫn được coi là cánh chim đầu đàn của EU. Song với chiến thắng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ở bầu cử Quốc hội Đức, mọi chuyện có thể sẽ khác. |
Pháp cũng sẽ bầu cử Tổng thống tháng 4/2022. Do đó, mong muốn thay bà Merkel lãnh đạo châu Âu của ông Macron sẽ phụ thuộc vào chiến thắng của đương kim Tổng thống Pháp nửa năm tới.
Theo khảo sát của BVA-RDL (Pháp), khảo sát công bố ngày 24/9 vừa qua cho thấy 46% người dân nhìn nhận tích cực nhiệm kỳ của ông Macron, tăng 6% so với tháng trước, cao hơn so với tỷ lệ ủng hộ cho người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy hay Francois Hollande nửa năm trước bầu cử.
Tuy nhiên, điều này không đảm bảo rằng ông Emmanuel Macron sẽ chiến thắng vào tháng 4/2022 tới, đặc biệt là sau sự nổi lên của chính trị gia cực hữu Eric Zemmour, “Donald Trump nước Pháp” với tỷ lệ ủng hộ đáng kể, vượt cả ứng viên sừng sỏ đảng Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le-Pen.
Điều này khiến bầu cử Pháp nói riêng và tương lai của ngôi nhà chung EU sau thời bà Merkel khó đoán định hơn.
Nguồn: baoquocte.vn