Về dự kỳ họp Lưỡng hội ở Trung Quốc lần này, các đại biểu sẽ đối mặt với cuộc tranh luận về quan hệ với Mỹ, nhất là việc liệu có tránh được khả năng xung đột quân sự giữa hai siêu cường kinh tế này hay không. Đây không phải câu hỏi mới nhưng hiện nay trở nên cấp bách do căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang giữa đại dịch làm hé lộ những vết rạn nứt trong trật tự toàn cầu ngày nay.
Trong khi các nhà quan sát nhìn chung nhất trí cho rằng chiến tranh tổng thể giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân này là khó có khả năng xảy ra, nhưng vẫn có những rủi ro tiềm tàng về một cuộc xung đột quân sự hạn chế.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh Wang Jisi cho rằng Trung Quốc và Mỹ đang chuyển từ cạnh tranh toàn diện sang đối đầu tổng lực, để lại rất ít dư địa cho các nỗ lực giải tỏa và nhượng bộ, không thể loại trừ khả năng hai cường quốc này có thể rơi vào bẫy “Thucydides” (khả năng xảy ra xung đột quân sự khi một cường quốc mới trỗi dậy thách thức cường quốc tại vị).
Nhận định này được rút ra từ giọng điệu trao đổi qua lại gần đây từ phía Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Trong Hội nghị An ninh Munich tháng 2/2020, ông Esper mô tả Trung Quốc là mối đe dọa đang nổi lên đối với trật tự thế giới và khuyến khích các nước đứng về phía Mỹ chuẩn bị cho “xung đột cường độ cao với Trung Quốc”.
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù các vấn đề trong nước sẽ là chủ đề chính, kỳ họp Lưỡng hội không thể không thảo luận về quan hệ Trung - Mỹ, nhất là trong bối cảnh sự căng thẳng hai nước đang tăng mạnh trong đại dịch và các tham vọng của Trung Quốc đang bị tăng cường giám sát, tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc nhất là ở cấp độ địa phương và làm cho nước này ngày càng bị cô lập. Tuy nhiên, sẽ là không thực tế khi kỳ vọng kỳ họp sẽ đưa ra những quyết định lớn trong lĩnh vực ngoại giao vì đó không phải là trọng tâm của Lưỡng hội.
Trong tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cảnh báo phải “sẵn sàng cho tình huống xấu nhất” trong bối cảnh đối mặt với những thách thức và sự thù địch chưa từng có từ bên ngoài. Một báo cáo của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) nhận định Bắc Kinh có thể cần phải chuẩn bị cho xung đột vũ trang với Washington giữa làn sóng phản kháng chống Trung Quốc tồi tệ nhất kể từ vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989; cảnh báo đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc, nhất là trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể trở thành nạn nhân của tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng trong khi Mỹ sẽ đẩy nhanh các nỗ lực chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh bằng việc tăng hỗ trợ quân sự và tài chính cho các đồng minh ở khu vực.
Nhiều học giả có nhận định tương tự với CICIR về quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Chuyên gia quan hệ quốc tế Đại học Nam Kinh Zhu Feng cho rằng Trung Quốc đang đối đầu toàn diện với Mỹ từ thương mại đến công nghệ, quân sự, ý thức hệ, địa chính trị, mặt chính trị và pháp lý của đại dịch; triển vọng quan hệ song phương là rất đáng lo ngại, rất gần với một cuộc chiến tranh lạnh mới. Giáo sư khoa học chính trị Trường Davidson ở Bắc Carolina cho rằng báo cáo của CICIR, nếu được xác định là tài liệu thật, đưa ra đánh giá khá khách quan về tình hình hiện nay, không có giọng điệu luôn ở trong thế thắng như thường lệ trong các tài liệu quan hệ quốc tế khác của Trung Quốc và đó là điều tốt, cần có cái nhìn thực tế, không nên tự tin một cách thái quá.
Phó giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế Đại học John Cabot (Rome, Italia) Seth Jaffe nhận định tài liệu của CICIR rất đáng quan tâm. Các lời lẽ gay gắt xung quanh đại dịch đang tạo hình lại các thái độ của cả giới lãnh đạo và người dân, đưa đến những lập trường chiến lược cứng rắn hơn. Tự hào dân tộc và sự bất bình được khuấy động làm thu hẹp dư địa để các nhà lãnh đạo chính trị có thể xoay xở giải tỏa, tạo ra cục diện động “tổng số bằng không” có thể kích hoạt xung đột trong tương lai - một vòng xoáy đi xuống hiểm họa.
Dù thái độ của cá nhân Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có tác động lớn, nhưng chính sự chuyển đổi có tính cấu trúc trong cán cân quyền lực trong những năm gần đây đưa hai nước Trung - Mỹ đến bên bờ của khủng hoảng. Kịch bản va chạm khả thi nhất sẽ là khu vực Biển Đông. Điều rất đáng lo ngại là những cuộc chạm trán quân sự ở phạm vi gần liên quan đến các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ sẽ làm leo thang nhanh chóng các chiều hướng nguy hiểm ngoài mong muốn như xung đột hải quân.
Một sự việc như vậy sẽ tạo ra sự va chạm về danh tiếng giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình, buộc mỗi nhà lãnh đạo đứng trước sức ép phải căng lên, không chùn bước trước đối thủ của mình do sự thiếu lòng tin và những luận điệu nóng nảy, dẫn đến mối nguy hiểm xuất hiện một điểm khai hỏa không được dự báo trước, châm ngòi cho một chiều hướng hành động đáng sợ không ngừng leo thang. Xung đột và va chạm quân sự ngày càng trở nên hiện hữu hơn do tình trạng thù địch lẫn nhau giữa hai bên đang được xác lập rất nhanh.
Chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tshinghua (Bắc Kinh) Zhao Tong cho rằng trong các cuộc khủng hoảng trong tương lai, nếu các sỹ quan quân đội Trung Quốc hành động giống như các nhà ngoại giao Trung Quốc những tháng gần đây, khích lệ chủ nghĩa dân tộc, ủng hộ lập trường cứng rắn của Chủ tịch Tập Cận Bình, với tính toán rằng họ có lợi ích cá nhân trong việc hành động cứng rắn hơn nữa dù biết rằng sự hiếu chiến của họ sẽ dẫn đến chiến tranh và đem đến nhiều tổn thất cho Trung Quốc, họ sẽ vẫn có động lực để làm như vậy.
Tình hình còn trở nên xấu hơn khi Washington và Bắc Kinh vẫn chưa thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng hữu hiệu; việc thiết lập những cơ chế như vậy đã được chứng tỏ là cần thiết trong Chiến tranh Lạnh giúp ngăn chặn căng thẳng không vượt qua vòng kiểm soát trong các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, trong tương lai gần không có khả năng xảy ra đối đầu quân sự với Đài Loan. Gần đây, một số sỹ quan quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu thường lên tiếng nhằm giảm nhẹ lập trường diều hâu đòi thống nhất Đài Loan bằng quân sự vì chiến tranh là khó lường và quá tốn kém và Mỹ cũng đã học được bài học này từ những trải nghiệm đau đớn.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Đại học Nam Kinh Zhu Feng cho rằng sẽ là ngây thơ nếu muốn tạo lập những kỳ vọng xung quanh ông Trump, người quyết tâm chơi lá bài Trung Quốc trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống; khuyến nghị Bắc Kinh cần đặc biệt thận trọng về vấn đề Đài Loan và Biển Đông, không nên can dự vào kiểu ăn miếng trả miếng với Washington; cần phải có tầm nhìn xa hơn cả nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, ưu tiên phát triển vững chắc quan hệ song phương dựa trên nhu cầu của hai bên để từ đó đánh bại ông Trump.
Theo Thế giới và Việt Nam