Các nhà lập pháp ở Hạ viện Thái Lan hôm 27/3 đã thông qua dự luật công nhận hôn nhân đồng giới. Dự luật "bình đẳng trong hôn nhân" đã nhận được sự ủng hộ của 400 nghị sĩ, 10 phiếu chống và 5 phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu.
Dự luật này sẽ cần được Thượng viện phê chuẩn và Quốc vương Maha Vajiralongkorn thông qua để thành luật. Toàn bộ quá trình này dự kiến sẽ hoàn tất trước cuối năm nay.
Khi dự luật được thông qua, Thái Lan sẽ trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đồng thuận kết hôn đồng giới với các cặp đôi cùng giới tính trên 18 tuổi. Họ sẽ có quyền thừa kế, trợ cấp thuế và nhận con nuôi, như những cặp đôi dị tính khác.
Chính quyền của Thủ tướng Srettha Thavisin đã coi đây là một nhiệm vụ quan trọng và những người ủng hộ nói rằng nó cũng sẽ củng cố danh tiếng của Thái Lan như một điểm đến du lịch thân thiện với LGBTQ.
Dự luật này đề xuất sự thay đổi về các bên trong cuộc hôn nhân từ "một người đàn ông và một người phụ nữ" thành "hai cá nhân" và thay đổi địa vị pháp lý chính thức từ "vợ chồng" thành "cặp đôi đã kết hôn".
Tại các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, mới chỉ có Đài Loan và Nepal đồng thuận việc kết hôn đồng giới.
Luật pháp Thái Lan đã bảo vệ cộng đồng LGBTQ khỏi hầu hết các hình thức phân biệt đối xử kể từ năm 2015, nhưng nỗ lực chính thức hóa quyền kết hôn đã bị đình trệ. Năm 2021, Tòa án Hiến pháp giữ nguyên luật công nhận hôn nhân là quyền riêng tư giữa nam và nữ. Năm ngoái, một dự luật công nhận quan hệ đối tác dân sự đồng giới đã không được Quốc hội thông qua trước cuộc bầu cử.
Chính phủ của ông Srettha cũng đã cam kết sẽ nghiên cứu một dự luật công nhận bản dạng giới và Bộ y tế Thái Lan cũng đề xuất hợp pháp hóa dịch vụ mang thai hộ thương mại để cho phép các cặp đôi LGBTQ có con.
Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới có thể có tác động tích cực đến du lịch, ngành đóng góp khoảng 12% cho nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD của Thái Lan.
Nguồn: dantri.com.vn