Hiến pháp Mỹ trao quyền lập pháp cho Quốc hội. Trong những ngày tới, cơ quan này có thể biến điều hoàn toàn không thể tưởng tượng được thành hiện thực đau đớn. Đó là nếu không chấp thuận nâng trần nợ công kịp thời, Mỹ có thể lần đầu tiên vỡ nợ chính phủ trong lịch sử hiện đại. Thị trường chứng khoán lao dốc, thất nghiệp gia tăng và hoảng loạn kinh tế toàn cầu đều nằm trong khả năng xảy ra.
Đường dẫn đến vỡ nợ rất rõ ràng. Đến khoảng 1/6, nếu mức trần nợ công hiện tại 31.400 tỷ USD không được nâng lên, chính phủ sẽ hết tiền mặt để trang trải nhiều chi phí, từ lương cho quân đội, viên chức liên bang đến trả lãi trái phiếu.
Mỹ từng phải đối mặt với những thời hạn như vậy trong quá khứ, khiến các nhà quan sát tin rằng họ sẽ một lần nữa nâng trần nợ công vào phút cuối. Nhưng các chính trị gia hiện khó tính hơn so với những lần bế tắc trước đây, theo Economist.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đang muốn cắt giảm chi tiêu mạnh. Đó là điều ông buộc phải làm để đúng ý đảng Cộng hòa. Trong khi, Tổng thống Joe Biden có thể mất sự ủng hộ của các đảng viên Dân chủ nếu nhún nhường quá nhiều trước các yêu cầu của đảng Cộng hòa.
Bộ Tài chính cùng với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có kế hoạch dự phòng nếu Quốc hội không tăng giới hạn nợ. Được gọi là "ưu tiên thanh toán", họ sẽ ngăn vỡ nợ bằng cách ưu tiên ngân sách thu được để trả lãi trái phiếu đến hạn và cắt giảm các chi tiêu khác.
Tuy nhiên, việc đặt trái chủ lên trên lương bổng viên chức hay tiền hưu trí có thể không bền vững. Việc mỗi ngày trôi qua phải chạy đua ưu tiên trả lãi trái phiếu đến hạn cũng không phải là điều tốt. Không có gì đảm bảo các nhà đầu tư sẽ tin tưởng vào một chính phủ rối loạn chức năng như vậy.
Theo Economist, vỡ nợ ở Mỹ có thể rơi vào một trong hai kịch bản: khủng hoảng ngắn hạn hoặc khủng hoảng dài hạn. Mặc dù hậu quả của cả hai đều rất tai hại, nhưng kịch bản dài hơi sẽ tồi tệ hơn nhiều.
Mỹ là thị trường nợ công lớn nhất thế giới, với 25.000 tỷ USD trái phiếu trong tay công chúng. Nước này chiếm khoảng một phần ba tổng số trái phiếu toàn cầu. Trái phiếu kho bạc Mỹ được coi là tài sản phi rủi ro đứng đầu, mang lại lợi nhuận đảm bảo cho các nhà đầu tư lớn nhỏ và chính phủ nhiều nước, và cũng là cơ sở để định giá các công cụ tài chính khác.
Trái phiếu kho bạc Mỹ là nền tảng của dòng tiền hàng ngày. Giao dịch repo (một nghiệp vụ phái sinh từ các giao dịch cho vay có đảm bảo) ngắn hạn ở Mỹ có quy mô khoảng 4.000 tỷ USD mỗi ngày và là huyết mạch cho thị trường tài chính toàn cầu. Nó chủ yếu được vận hành bằng cách sử dụng trái phiếu kho bạc Mỹ làm tài sản thế chấp. Tất cả những điều này sẽ bất ổn nếu Mỹ vỡ nợ.
Ở kịch bản đầu, vỡ nợ sẽ là một gián đoạn ngắn hạn. Một quan chức Fed mô tả nó như một cuộc khủng hoảng thanh khoản. Giả sử chính phủ Mỹ vỡ nợ đối với các hóa đơn thanh toán và lãi trái phiếu đến hạn sau "X-date" (thời hạn hết tiền mặt). Tuy nhiên, Quốc hội sớm hành động để nâng trần nợ công ngay sau đó thì tình hình vẫn ổn định đối với các khoản nợ đáo hạn muộn hơn.
Thực tế, các nhà đầu tư cũng đang đánh giá rủi ro càng cao với các tín phiếu có thời hạn đến hạn càng gần. Tín phiếu kho bạc Mỹ đáo hạn vào tháng 6 hiện có lợi suất khoảng 5,5% trong khi loại đáo hạn vào tháng 8 có lợi suất gần 5%.
Trong kịch bản này, Fed sẽ xử lý các chứng khoán vỡ nợ - ví dụ như tín phiếu bị lỡ hạn thanh toán lãi - giống với chứng khoán thông thường, chấp nhận chúng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của ngân hàng trung ương, thậm chí thu mua. Họ cũng có thể đổi cho nhà đầu tư, nhận về "nợ xấu" và đưa lại "nợ tốt", dựa trên giả thiết chính phủ vẫn sẽ thanh toán được - dù chậm trễ - các chứng khoán vỡ nợ.
Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell mô tả những bước đi như vậy là "đáng ghê tởm" vào năm 2013, nhưng cũng nói rằng ông sẽ chấp nhận chúng trong một số trường hợp nhất định. Fed rất cảnh giác với cả việc đặt mình vào trung tâm của một cuộc tranh chấp chính trị và thực hiện các hành động làm chính sách tài khóa và tiền tệ kém rạch ròi. Tuy nhiên, để ngăn chặn hỗn loạn tài chính, họ gần như chắc chắn phải tính đến những phương án đó nếu vỡ nợ xảy ra.
Một vụ vỡ nợ kéo dài trong vài ngày sẽ là một vết đen với danh tiếng của nước Mỹ và có thể gây ra suy thoái. Moody's Analytics ước tính ngay sau khi vỡ nợ, nền kinh tế Mỹ sẽ giảm gần 1% và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,4% lên 5%, khiến khoảng 1,5 triệu người mất việc làm. Tuy nhiên, với sự quản lý khéo léo, nó sẽ không phải là cơn ác mộng, theo Economist.
Ở kịch bản thứ hai, vỡ nợ kéo dài do Quốc hội chậm hoặc không thông qua mức trần nợ công mới, sẽ nguy hiểm hơn. Mark Zandi, Kinh tế trưởng Moody's Analytics ví nó như "Khoảng khắc TARP".
Đó chính là mùa thu năm 2008 khi Quốc hội Mỹ ban đầu không thông qua "Chương trình Cứu trợ Tài sản xấu" (TARP) để giải cứu các ngân hàng, khiến thị trường toàn cầu sụp đổ. Theo ông, lần này, trường hợp Quốc hội không tiếp tục nâng trần nợ ngay cả sau khi xảy ra vỡ nợ, có thể gây ra tác động tương tự.
Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, ước tính trong vài tháng đầu tiên vỡ nợ, thị trường chứng khoán sẽ giảm 45%. Moody's Analytics cho rằng nó sẽ giảm khoảng 20% và tỷ lệ thất nghiệp khả năng tăng 5 điểm phần trăm - tương đương khoảng 8 triệu người Mỹ sẽ mất việc làm. Chính phủ - bị hạn chế bởi trần nợ - sẽ không thể đối phó với suy thoái bằng kích thích tài chính, khiến suy thoái trầm trọng hơn.
Một loạt quyết định hạ cấp tín nhiệm sẽ tạo thêm rắc rối. Vào năm 2011, trong lần bế tắc về trần nợ công trước đó, S&P đã hạ tín nhiệm của Mỹ xuống một mức thấp hơn AAA. Vì vậy, sau khi vỡ nợ, các cơ quan xếp hạng sẽ chịu áp lực rất lớn để phải hạ cấp tín nhiệm, dẫn đến phản ứng dây chuyền.
Các tổ chức được chính phủ Mỹ hậu thuẫn như nhà cho vay thế chấp Fannie Mae cũng sẽ bị hạ cấp. Kết quả là lãi suất vay thế chấp tăng vọt khiến các ngành như bất động sản liên lụy. Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ tăng đột biến khi các nhà đầu tư tranh giành tiền mặt. Các ngân hàng sẽ rút lại các khoản cho vay của họ. Sự hoảng loạn sẽ lan rộng.
Cũng sẽ có những tác động lan tỏa khó đoán. Thông thường, tiền tệ của các quốc gia vỡ nợ bị ảnh hưởng nặng nề. Mỹ sẽ phá hỏng niềm tin mà thế giới đã đặt vào họ từ lâu. Nhu cầu về lựa chọn thay thế cho USD và hệ thống tài chính Mỹ sẽ trở nên cấp bách hơn. Niềm tin một khi đã bị hủy hoại không thể dễ dàng phục hồi.
Nguồn: vnexpress.net